12 thg 2, 2013

Rú làng

Tôi thường trở về làng Phương vào mấy tháng gần Tết. Lý do đơn giản là vào những tháng này, rú làng (Là rừng của làng, tiếng Việt cổ, ngày nay các tình từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế vẫn dùng) có nhiều loại trái cây vào độ chín tới.


Cũng là trái sim, nhưng sim rú làng ăn từ sáng, đến trưa vẫn còn ngọt đậm quyện vị chát gắt nơi đầu lưỡi. Cũng là trái chúc mao (2) nhưng chúc mao rú làng khi còn xanh thì xanh ngắt, lúc chín thì vàng rực, cùi không dày nhưng vị thơm cứ theo mãi người ăn. Cũng là trái trâm bầu(2), nhưng trâm bầu rú làng có màu tím đen rưng rức, chát mà béo, béo mà ngọt. 

Cũng là trái móc(2), nhưng trái móc rú làng trước khi có màu đen chín tới thì tròn vo một màu vàng hực, như những hạt cườm... Rồi trái nổ(2) trắng phau, trái buông dù(2) từng chùm đen láy, ngọt sắc, trái bông tu(2) màu vàng nghệ, trái bứa chua thanh...

Rú làng có cây tràm gió thâm thấp mặt cát, đêm đêm phả tinh dầu vào không gian thơm đến nao lòng. Rú làng có cây chổi mà nếu làm chổi thì quét cả năm chưa cùn, nếu chiết lấy tinh dầu thì có màu mật ong, chỉ vài giọt xông hay xoa là mất tiêu cảm cúm...

Rú làng là một mảng xanh trên cát trắng, mà nếu không có nó, không có làng Phương đã 706 năm tuổi.

Sử sách ghi rằng: Để cảm ơn vương triều Champa đã kề vai sát cánh cùng Đại Việt chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai, năm 1301, thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã vân du Chiêm Thành và hứa gả công chúa út Huyền Trân mới 14 tuổi của mình cho vị vua lân bang Jaya Simhavarman III (Chế Mân) - vị vua thứ 34 của vương quốc Champa, thế kỷ XIV.

Năm năm sau, khi Huyền Trân đã trưởng thành và đang có một mối tình thầm kín mà đắm say, thì sứ bộ Champa đến Thăng Long dâng sính lễ là châu Ô và châu Rý (từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân) xin rước công chúa vu quy Vijaya. Triều đình Đại Việt phân vân, nhưng vua Trần Anh Tông đã thực hiện lời hứa của thái thượng hoàng. Tháng 7 năm 1306, Huyền Trân gạt nước mắt về làm dâu nước người để Tổ quốc mình có thêm đất đai! 



Làng Phương cũng như bao làng khác của Bình - Trị - Thiên ngày nay hình thành nhờ sự hy sinh cao cả của Huyền Trân, qua việc triều Trần cho di dân từ bắc đèo Ngang vào châu Ô, châu Rý. 

Cuối năm 1306, nghĩa là chỉ mấy tháng sau khi Huyền Trân trở thành hoàng hậu của vua Jaya Simhavarman III, vài gia đình họ Sào từ Hương Khê, Hà Tĩnh (ngày nay), đã vào khẩn hoang lập làng Phương (thời đó đặt tên là Hương Liệu). Tất nhiên cùng với làng Phương, nhiều làng khác suốt một dải Chữ Nhất(3) cũng dần hiện hữu. 

Muốn trụ được trên dải Chữ Nhất, không thể không trồng cây chống cát bay, nhất là mùa bão từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm. Mùa hè Quảng Trị nắng và gió lào rát rạt, chỉ có những sim, mua, nổ, trâm bầu, tràm gió, chổi, chạc chìu, chúc mao... mới chịu được khô hạn của tiểu vùng khí hậu sa mạc này.

Thế là rú làng tôi và các làng thuộc dải Chữ Nhất dần được hình thành bằng những loại cây ấy với chiều dài bằng chiều dài của làng, chiều rộng khoảng một kilomet, từ phía trên làng ra hướng biển, giáp những cồn cát trắng phau luôn di chuyển và luôn phải dừng lại trước mảng xanh rời rợi ấy.

Nhờ rú làng mà làng Phương không bị cát vùi. Hơn 7 thế kỷ qua, nhờ rú làng cho nước rả rích ngày đêm theo con troong(4) ra đồng mà làng Phương nuôi sống được gần 20 thế hệ dân cư.

***

Và với tôi, rú làng là một phần cuộc đời thời ấu thơ, thời chiến tranh giữ nước...

Chín tuổi tôi đã phải xa làng tập kết ra Bắc, xa đến 12 năm trời. Đã nhập vào hồn tôi truyền thuyết về thần làng là tượng đá được thờ trong nghè xây trên rú làng, linh thiêng đến mức mọi số phận dân làng đều phụ thuộc vào ngài, còn trẻ trai mỗi lần đi tè mà hướng về phía thần ngự thì bị sưng...

Chuyện kể rằng, sau khi lập làng, một thiếu phụ góa chồng, lại đẹp nhất vùng, nhũi cá giữa đồng hoang, nhũi cả buổi không được con cá nào, chỉ có một hòn đá ném đi mấy lần vẫn cứ vào nhũi. Thấy lạ, thiếu phụ đem hòn đá về để cạnh giường ngủ. Hòn đá lớn dần trong hình hài một người đàn ông, nhưng chỉ cao to bằng em bé khoảng bảy tám tuổi thì vĩnh viễn dừng lại. Thiếu phụ cố giấu nhưng dân làng vẫn biết, cho rằng đó là thần làng nên xây nghè, rước thần vào thờ.

Từ ngày có thần, làng luôn được mùa, không có trộm cướp, người làm quan ngày một nhiều, con gái, đàn bà phổng phao, xinh đẹp. Thấy vậy, làng An bên cạnh xây một ngôi miếu bằng gỗ lim, ngói tàu, sơn son thếp vàng lộng lẫy, giữa khuya, cho trai tráng sang thỉnh thần về. Mới đi được nửa đường, thần ứng vào một chị bán cá, la lớn: "Bớ làng Phương, làng An trộm ta, mau cứu!".

Cả làng Phương nổi trống mõ, đốt đuốc rực trời tranh với làng An để cứu thần. Làng Phương thắng, thần lại trở về chốn cũ, nhưng từ đó, ngoài những vị cao niên hằng năm một lần tắm cho thần, không ai được phép thấy thần.

Những năm xa làng, đêm đêm tôi vẫn mơ thấy thần dẫn về gặp mẹ, gặp bạn bè chơi trốn tìm quanh nghè thờ thần cửa nẻo đóng im ỉm.

Chín năm kháng Pháp, làng tôi cũng như nhiều làng nằm trong dãy Chữ Nhất của tỉnh Quảng Trị là vùng Việt Minh nên luôn bị Tây càn quét và đánh phá bằng máy bay, trọng pháo.

Làng Phương rất nhiều lần cháy rụi, căn nhà nhỏ truyền đời của gia đình tôi cháy đến chín lần do bom đạn của hết Pháp đến Mỹ, vậy mà thần làng vẫn nguyên vẹn. Khi trở lại quê nhà tham gia cuộc kháng chiến lần thứ hai, được về thăm làng thì dân làng đã sơ tán hết vì không thể chịu nỗi bom chùm, pháo bầy của Mỹ trút xuống suốt ngày đêm, tôi nghĩ thần làng khó mà bình yên, vậy nhưng chưa mảnh đạn nào đụng đến ngài, trong khi khuôn viên nghè với những cây dương liễu cổ thụ và cụm rú bao quanh đều tan nát!

Mấy năm làm phóng viên chiến trường Trị - Thiên - Huế, lâu lâu tôi trụ lại với làng cùng các o du kích, đêm đêm thường vác thần làng ra làm gối ngủ ngay bên nghè. Để tránh giặc bố ráp, tôi cũng như nhiều trai gái làng là du kích, là cán bộ địa phương đã đào hầm bí mật dưới những bụi trâm bầu, bụi nổ, thậm chí dưới những cồn cát trắng tinh thi thoảng bị gió đùn lên giữa rú làng.

Có lẽ thần làng và rú làng thương chàng trai dám từ chối du học để ra trận mà cái chết cầm chắc, nên đã phù hộ độ trì cho tôi sống đến ngày tiến vào giải phóng Sài Gòn...

Sau này tôi mới biết tượng đá sa thạch mà làng mình thờ như một vị thần chính là một pho tượng Chăm. Chắc rằng trong quá trình lập làng, các vị tổ làng Phương đã bắt gặp bức tượng Chăm ấy và thờ phụng, xem như một vật thiêng nơi mảnh đất còn xa lạ, xem như sự tri ân với dân tộc đã nhường một phần lãnh thổ cho mình, rồi các lớp hậu duệ dựng lên câu chuyện đá hóa người để truyền đời.

***

Lần về làng vừa rồi, tôi được đứa cháu làm thợ hồ tặng cho hai vật dụng cỡ bàn tay, hình thuyền, y hệt nhau, còn nguyên vẹn, bằng đồng, mà nó nhặt được khi đào móng sâu xuống cát trên rú làng để xây lại mộ cho một dân làng mất đã lâu.

Theo anh bạn chơi đồ cổ có tiếng của tôi ở Sài Gòn thì hai vật dụng ấy có lẽ là khuôn làm bánh hoặc là bát ăn cơm của người Chăm, có niên đại cả ngàn năm. Vậy là dưới rú làng Phương chắc còn ẩn chứa bao báu vật của người Chăm mà khi nhượng đất cho Đại Việt, họ không mang theo hết.

Cũng trong chuyến về làng ấy, tôi đã chụp một bộ ảnh hàng trăm tấm về rú làng, hầu hết là đặc tả những loại cây có sức chịu hạn phi thường, để mỗi lần nhớ quê lại thấy những chúc mao, trâm bầu, những trái nổ, trái sim...

*********

2. Các loại cây dại, theo tên địa phương, có trái ăn được
3. Là dải đất chạy song song với bờ biển, có nhiều làng, phía trước là ruộng, phía sau là cát trắng như sa mạc
4. Là con mương đào từ rú ra đồng

PHƯƠNG HÀ

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét