7 thg 2, 2013

Một thoáng Việt Nam

Từ đầu năm 2010, tại thành phố Hồ Chí Minh đã có thêm một địa chỉ mới chào đón du khách: khu du lịch làng nghề mang tên "Một thoáng Việt Nam" (MTVN). Khu du lịch được quy hoạch trên diện tích hơn 20 ha thuộc xã An Phú, huyện Củ Chi, vốn là đầm lầy, hoang hóa với chi chít hố bom và dây kẽm gai để lại từ thời chiến tranh. 

Ý tưởng xây dựng khu du lịch làng nghề thủ công xuất phát từ tâm nguyện của một người phụ nữ đã gắn bó với mảnh đất này. Đó là bà Trần Thị Tuyết Nga, người từng sống và chiến đấu ở đây những năm tháng ác liệt, chứng kiến bao đồng đội hy sinh để giữ vững căn cứ địa của cuộc kháng chiến. Bà Tuyết Nga tâm sự: “Khi quay lại Củ Chi để xây một trường học nhỏ tặng con em địa phương, nơi tôi đã từng đóng quân, nhìn đất, nhìn người, tôi nảy ra ý định làm một cái gì đó thật ý nghĩa. MTVN ra đời như vậy đó". Sau gần 20 năm miệt mài xây dựng (công trình khởi công năm 1991), công sức của bà và các cộng sự đã cho ra đời MTVN. 

Một góc quê hương. 


Cô thợ đan mây, tre Trần Thị Trang. 

Thợ làm giấy dó Phạm Thị Dung. 

Làm gốm. 

Đàn Xã Tắc. 

Cây đàn đồng ngàn năm tuổi. 

Trống đồng Đông Sơn và dàn cồng chiêng. 

Học sinh Việt kiều thích thú với việc đan vòng tay tặng bạn bè. 

Các em nhỏ say mê vẽ trên gốm. 

Đoàn học sinh đến tham quan “Một thoáng Việt Nam”. 

Gian trưng bày hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. 

Đến với MTVN, du khách được hướng dẫn tham quan theo các chủ đề: khu Làng nghề thủ công truyền thống; khu Sản xuất nông nghiệp; khu Lịch sử Việt Nam - đất nước, con người; khu Ẩm thực ba miền; khu Vườn thực vật; khu Sinh hoạt văn hóa; khu Vui chơi giải trí cho trẻ em...
Khu Làng nghề giới thiệu lịch sử và hoạt động của gần 20 nghề phân bố theo các vùng miền đất nước, như các nghề: sơn son thếp vàng, điêu khắc, vàng quỳ, dệt, thêu, đan lát mây tre, gốm, giấy dó, làm nón, làm bánh tráng... 

Khu Sản xuất nông nghiệp thực sự là một bảo tàng, giới thiệu khá đầy đủ mọi nét sinh hoạt của nhà nông với tất cả các loại nông cụ và vật dụng gắn bó với nền văn minh lúa nước: cái cày, cái liềm, cối giã gạo, các dụng cụ đánh bắt cá, chế biến thực phẩm... Những ruộng lúa, luống rau, ao cá, giàn bầu bí, khóm mía, cây đu đủ không chỉ như đưa ta về với những kỷ niệm thân thương của quê hương mà còn là nguồn thực phẩm cung cấp hàng ngày cho khu Ẩm thực.
Khu Lịch sử Việt Nam - đất nước con người có điểm nhấn là bàn thờ Xã Tắc được đắp bằng đất và nước lấy từ 63 tỉnh thành trộn cùng với tro của nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, đặc biệt là có cả đất được đưa về từ đàn Xã Tắc tại Hà Nội. Một khoảng không gian lớn dành để đặt sa bàn đắp hình bản đồ Việt Nam với đầy đủ biển đảo.

Đến đây du khách còn được tham quan các loại hình nhà ở đặc trưng của cả ba miền Trung Nam Bắc. Du khách sẽ thích thú với căn nhà Bình Định vừa chống nóng, chống lạnh, chống cháy, chống bão; căn nhà của dân tộc Mông ở Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) với tất cả các bộ phận là gỗ pơ mu đẽo bằng rìu, luôn tỏa hương thơm dịu nhẹ. Tiếp đến là nhà rường Huế, nhà Bắc Bộ, nhà Nam Bộ, nhà rông ở Tây Nguyên... Giá trị đặc biệt của mỗi căn nhà ở chỗ đó là nhà thật, nguyên bản được tháo dỡ, vận chuyển về hoặc do chính người của địa phương đó xây dựng tại đây.

Khi đã thấm mệt du khách có thể thư giãn tại khu Vườn thực vật với hàng trăm loại hoa thơm cỏ lạ, vui cùng các trò chơi dân gian hay hòa nhập cùng các cô gái trong các điệu múa của người Thái, người Chăm... và thưởng thức những món ăn dân dã, đậm đà hương vị của các vùng, miền.

Đến với MTVN, bạn có thể cảm nhận được đây không chỉ là nơi vui chơi giải trí, mà còn hiểu thêm được cội nguồn sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.

Bài: Thịnh Phát - Ảnh: Quang Minh, Kim Sơn, Thịnh Phát và Tư liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét