6 thg 2, 2013

Lạc bước Búng Bình Thiên

Mùa nước nổi miền Tây, dòng nước sông Hậu cuồn cuộn chảy từ sông Mê Kông vào đỏ cạch phù sa. Vậy mà tôi đang đứng trước không gian thanh bình, trong vắt một màu xanh của nước sông Mê Kông. Có lẽ đó là màu xanh Mê Kông độc nhất vô nhị ở xứ sở “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh...” của bưng biền đầu nguồn sông Cửu Long...


Búng Bình Thiên, không gian xanh đặc trưng giữa vùng đất phù sa mùa nước nổi


Búng Bình Thiên, hay còn gọi là hồ Nước Trời, là một không gian sống đặc biệt ở cù lao An Phú, một dải đất hình tam giác có ba xã Khánh Bình, Khánh An, Nhơn Hội thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang giáp Campuchia. Hồ nước rộng đến 300ha, mùa nước nổi có thể tràn đồng lên đến hàng ngàn ha, nhưng màu xanh vẫn thế, xanh trong vắt mặc cho nước sông Bình Di, sông Hậu đục ngầu phù sa.

Tôi như lạc vào xứ thần tiên bởi không chỉ thiên nhiên kỳ lạ, mà còn là những người dân đặc biệt nơi đây. Nằm nhắm mắt đong đưa trên chiếc võng cà ma, nghe gia chủ nói chuyện mà cứ tưởng mình đang ở xứ “Ngàn lẻ một đêm”, bởi đó là ngôn ngữ Chăm cách tân pha lẫn ngôn ngữ Mã Lai và Khmer, tiếng cầu kinh trong vắt cao vút của người Hồi giáo, và đâu đó ê a tiếng trẻ con học bài bằng tiếng Chăm...

Ông Mohamad Li, Phó ấp Búng Bình Thiên, cho biết: “Ở Châu Đốc, An Giang có tất cả 7 làng Chăm là: Koh Taboong, Mat Chruk, Koh Kaboak, Plây Kênh, Plao Ba, Koh Kaghia và Sabâu, tương ứng với các địa danh tiếng Việt là: Châu Giang, Đa Phước, Châu Phong, Lama, Vĩnh Tường, Búng Lớn, Búng Bình Thiên và Đồng Kỵ. Hiện nay có khoảng 13.700 người Chăm Islam tại đây với khoảng 2.100 hộ. Tuy sống giữa cộng đồng các dân tộc khác như Kinh, Khmer... nhưng nét văn hóa đặc trưng của tín đồ theo đạo Hồi Islam vẫn được giữ gìn khá tốt...”.

Thánh đường Hồi giáo Mas Jid Khoy Ri Yah ở Búng Bình Thiên do Đại sứ quán Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tài trợ xây dựng

Giong thuyền đi dạo quanh hồ với những ngôi nhà sàn, những làng chài lặng lẽ nằm ven hồ, người chèo thuyền cho biết, do vừa qua mùa thả cá nên các làng chài Búng Bình Thiên đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định không đánh bắt trong thời gian này để cá sinh đẻ, tạo nguồn tôm cá bền vững cho cả vùng hồ.

Khách hỏi: “Hồ mùa nước nổi rộng hàng ngàn ha, làm sao đảm bảo được?”. Người chèo thuyền cười nhẹ nhàng bảo: “Quy định chỉ bằng miệng, các thầy cả bảo thế, nhưng không một ai dám làm sai lời đâu!”.

Giờ cầu nguyện buổi chiều bắt đầu, tiếng thầy giảng ngân vang trên ngôi tháp thánh đường Chăm Mas Jid Khoy Ri Yah ven mặt hồ, những ngư phủ quấn xà rông liền trải thảm ra trước mui thuyền quỳ xuống cùng cầu nguyện với gương mặt thành khẩn...

Búng Bình Thiên là hồ chứa nước ngọt thiên nhiên lớn nhất khu vực, đó không chỉ là nguồn cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho cả vùng phụ cận, mà còn là túi cá đồng tự nhiên rất phong phú.

Ngay bên xóm Chăm ta có thể ung dung thưởng thức các món lẩu cá đồng nấu bông điên điển, lẩu mắm cá linh, cá lóc nướng trui, chuột đồng quay lu..., nhưng chỉ một bước chân đã là một thế giới ẩm thực khác với những chiếc bánh “ha nàm căn” làm từ bột mì, hột vịt và đường thốt nốt, hay món “tung lò mò” đậm hương vị đại hồi và tiểu hồi của món lạp xưởng bò độc đáo của làng Chăm Búng Bình Thiên...

Những cô gái Chăm ở làng Búng Lớn

Món “tung lò mò” ngon nhất vẫn là nướng trên bếp than dưới nhà sàn. Câu chuyện “ngàn lẻ một đêm” cứ trôi dần về miền ký ức và món lạp xưởng bò cũng vì thế mà nướng tới đâu ăn tới đó. Câu chuyện cứ thế kéo dài cả đêm vẫn chưa dứt, “tung lò mò” vẫn chưa thể làm khách phương xa buông đũa...

Thật tiếc khi tôi đến sau lễ hội Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên năm nay vài ngày, nhưng ông Mohamad Li an ủi: “Chừng hơn tháng nữa, anh lại về làng Chăm chơi đi, đó là vào dịp lễ Tết Roya Phik Trok, một lễ tết lớn, vui nhộn nhất sau khi cả làng đã hoàn thành tháng ăn chay Ramadan của đạo Hồi”.

Tết Roya là dịp để bà con người Chăm thăm viếng, chúc mừng nhau, nhà nào cũng làm bánh “ha nàm căn”, làm cơm nị, cà púa đãi khách, khách lạ đến xóm đều được mời ăn uống thỏa thích. Đặc biệt hơn, đó cũng là dịp những cô gái, chàng trai Chăm quyết định đi đến hôn nhân. Theo già Mohamad, Tết năm nay làng Búng Bình Thiên có đến hơn 10 cặp làm đám cưới...

Rời Búng Bình Thiên, chia tay với những cô gái Chăm duyên dáng trong chiếc khăn trùm đầu Mat’ra, với những câu chuyện kỳ ảo trong đêm, với sắc xanh huyền diệu của hồ nước giữa mùa nước lũ, tôi hứa với già Mohamad là sẽ trở lại Búng Bình Thiên để tham dự tết Roya, để nghe câu hát nồng nàn của cô gái Chăm: “Hãy nói với dòng sông, em đã yêu Karim và hãy nói với muôn người, em đã yêu Karim...”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét