9 thg 2, 2013

Huế di sản văn hóa thế giới

Trong quần thể những công trình kiến trúc của Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới, cụm kinh thành Huế được đánh giá là một quần thể kiến trúc đồ sộ và có giá trị hơn cả.

Nghiêng mình bên dòng Hương Giang xanh hiền hòa của mền Trung ruột thịt, thành phố mà chúng ta đang nói đến mang một cái tên đơn âm nôm na như bao làng mạc cổ Việt Nam: Huế. Trải bao thăng trầm lịch sử, tên những làng mạc cổ dần dần chìm khuất, nhưng Huế vẫn giữ nguyên cái tên “cúng cơm” ban đầu của mình để đi vào thế giới hiện đại.

Thành phố không lớn, nằm trên một dải đất hẹp, nắng mưa khắc nghiệt, ít được thiên nhiên ưu đãi nhất miền Trung, thế nhưng nơi đây từ thời Chúa Nguyễn đã được chọn làm thủ phủ xứ “Đàng Trong”. Từ năm 1635 – 1687, Chúa Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần dựng phủ ở Kim Long; từ 1688 đến 1774 Chúa Nguyễn Phúc Thái và Nguyễn Phúc Khoát dời phủ về Phú Xuân. Đến thời Tây Sơn, Huế vẫn được vua Quang Trung chọn làm kinh đô.

Toàn cảnh quần thể kiến trúc kinh thành Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Tư liệu của Mạnh Thường.


Điện Thái Hoà, nơi thiết triều của triều đình nhà Nguyễn. Ảnh: Trang Linh.

Cửu đỉnh, một trong những bảo vật thể hiện quyền uy của triều đình Huế. Ảnh: Trang Linh.

Cửa Thể Nhân (còn gọi là Cửa Ngăn), một trong những cổng thành chính của Kinh Thành Huế. Ảnh: Trang Linh.

Thềm rồng trước Hiển Lâm Các. Ảnh: Trang Linh.

Ngọ Môn, cổng chính của Hoàng Thành. Ảnh: Trang Linh.


Nghệ thuật khảm sành trong kiến trúc cung đình Huế. Ảnh: Trang Linh.

Du khách tham quan khu vực Tử Cấm Thành. Ảnh: Trang Linh. 

Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Gia Long, mở đầu cho vương triều Nguyễn, kéo dài 143 năm, một lần nữa chọn Huế làm kinh đô. Nhà vua đã lấy vùng đất rộng phía bờ Bắc sông Hương, gồm đất các làng thuộc hai tổng An Vân và Phú Xuân và một phần đất của hai con sông Bạch Yến và Kim Long làm nơi xây thành.

Kinh thành Huế bao bọc bởi 3 vòng thành cùng chung một trục, lấy núi Ngự Bình ở bờ Nam làm tiền án, như một bức bình phong thiên nhiên che chắn trước kinh thành; lấy cồn Hến làm tả Thanh Long, cồn Dã Viên làm hữu Bạch Hổ, tạo thế “rồng chầu, hổ phục” tỏ rõ sức mạnh của vương quyền. Đường thủy tụ là khúc sông Hương trải dài giữa hai cồn cong như một cánh cung, mang lại sinh khí cho đô thành.

Kinh thành Huế được đích thân vua Gia Long tiến hành khảo sát và chọn vị trí cắm mốc từ năm 1803, khởi dựng năm 1805 và đến năm 1832 dưới triều Minh Mạng thì khánh thành.

Trong lịch sử xây dựng cận đại Việt Nam, kinh thành Huế là một công trình đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, dùng hàng triệu triệu mét khối đất đá xây thành, lấp sông, đào hào… kéo dài suốt 30 năm dưới hai triều vua. Kinh thành Huế mặt quay về hướng Nam với diện tích mặt bằng 520 ha.

Thành ngoài cùng gọi là Kinh Thành hay Phòng Thành là vòng thành thứ nhất, dáng hình gần vuông theo lối kiến trúc phòng ngự Vauban của Pháp, chu vi 9.950m, thành cao 6,60m, mặt trên rộng 6m, chân thành rộng 21m, mặt ngoài thẳng đứng, mặt trong thoải. Cốt thành đắp đất nện chặt. Hai lớp áo ngoài xây bằng gạch vồ dày 1,5m.

Để phù hợp với việc phòng thủ, các đoạn thành được xây theo hình “dích dắc”. Trên 4 mặt thành bố trí 24 pháo đài và 400 pháo nhãn (lỗ đặt nòng pháo để bắn) và đường di chuyển cho binh lính mỗi khi lâm trận. Phía ngoài thành còn có hào sâu gọi là Hộ Thành Hà dài 7km thông với sông Hương. Hộ Thành Hà vừa mang chức năng bảo vệ , vừa là đường giao thông thủy. Bốn phía thành có tổng cộng 11 cửa: Cửa Chính Bắc (cửa Hậu), Cửa Tây Bắc (cửa An Hòa), Cửa Chính Tây, Cửa Tây Nam (cửa Hữu), Cửa Chính Nam (cửa Nhà Đồ, nơi để đồ binh khí), Cửa Quảng Đức, Cửa Thể Nhân (cửa Ngăn), Cửa Đông Nam (cửa Thượng Tứ), Cửa Chính Đông (cửa Đông Ba), Cửa Đông Bắc (cửa Kẻ Trài), Cửa Trấn Bình Môn (thông với Trấn Bình Môn).

Phía trong Phòng Thành có Hoàng Thành, là vòng thành thứ hai, xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m, bên ngoài có hào sâu bao bọc cùng 10 cây cầu vượt hào để vào Hoàng Thành. Hoàng Thành có hình gần vuông, mỗi cạnh dài 600m. Bốn phía có 4 cửa ra vào gồm: phía Nam, tức mặt trước có cửa Ngọ Môn; phía Bắc, tức mặt sau có cửa Hòa Bình; phía Đông, tức bên tả có cửa Hiển Nhơn; phía Tây, tức bên hữu có cửa Chương Đức. Chính giữa mặt trước kinh thành, ngay trước cửa Ngọ Môn có một cột cờ lớn gọi là Kì Đài.

Hoàng Thành được xây dựng vào năm 1804, nhưng để hoàn thành hơn 100 công trình thì phải tới thời vua Minh Mạng (1833) mới hoàn tất. Đây là nơi ở và làm việc của vua, hoàng gia và triều đình. Hoàng Thành còn là nơi thờ tự tổ tiên và các vua Nguyễn. Trong Hoàng Thành có hai công trình kiến trúc đặc biệt đáng chú ý là điện Thái Hòa dùng làm nơi thiết triều, và Thế Miếu là nơi thờ tự. Hoàng Thành và Tử Cấm Thành được gọi chung là Đại Nội.

Tử Cấm Thành nằm trong Hoàng Thành, là vòng thành trong cùng, là trung tâm cẩn mật nhất của kinh đô. Nơi đây có nhiều cung điện nguy nga như: điện Cần Chánh, điện Càn Thành, điện Khôn Thái, điện Kiến Trung. Đây là khu vực làm việc, ăn ở và sinh hoạt của nhà vua và hoàng gia nên ngoài nhà vua, hoàng hậu, các phi tần, cung nữ, thái giám ra không một ai được phép vào khu vực này.

Tử Cấm Thành được xây dựng từ năm Gia Long thứ 2 (1803) với tên gọi ban đầu là Cung Thành. Đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đổi thành Tử Cấm Thành. Thành có hình chữ nhật: cạnh Nam và Bắc dài 341m, cạnh Đông và Tây dài 308m, chu vi 1.300m. Tử Cấm Thành có 8 cửa. Cửa chính ở phía Nam gọi là Đại Cung Môn. Trong Tử Cấm Thành có hàng chục công trình kiến trúc lớn nhỏ được chia thành nhiều khu vực.

Vì những công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt như trên cùng với nhiều công trình di sản khác, năm 1993, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Huế là Di sản Văn hóa Thế giới.

Sự thừa nhận của UNESCO chắc chắn đã được khẳng định từ hôm qua. Còn hôm nay, khi đến Huế, bạn hãy ngước nhìn lên chính giữa điện Thái Hòa, ngay trên nóc ngai vàng của các vị vua Triều Nguyễn là bài thơ trang nghiêm mà khoáng đạt: “Văn hiến ngàn năm dựng/Núi sông vạn dặm xa/Hồng Bàng thuở lập quốc/Nghiêu Thuấn vững sơn hà”. Chính vì vậy mà Huế sống mãi trong lòng dân tộc với hôm qua, hôm nay và cả mai sau…

Bài: Mạnh Thường - Ảnh:Trang Linh, Mạnh Thường

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét