7 thg 2, 2013

Chiếu dời đô

Cuộc thiên đô vĩ đại của vua tôi nhà Lý vào mùa thu năm 1010 từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (Hà Nội ngày nay) gắn liền với câu chuyện ra đời của bản "Chiếu dời đô" nổi tiếng do chính tay vua Lý Công Uẩn ban hành.

Sử cũ kể rằng, mùa xuân năm Canh Tuất (1010), nhân chuyến xa giá về châu Cổ Pháp (nay thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để ban tiền, lụa cho các bậc bô lão trong vùng, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn đã tự tay viết "Chiếu dời đô" bàn về việc dời đô từ Hoa Lư lên thành Đại La. Cũng theo sử cũ kể lại, mùa thu, tháng 7 năm 1010, vua Lý Công Uẩn từ thành Hoa Lư dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La. Lúc đoàn thuyền ngự vừa cập bến thành Đại La thì thấy rồng vàng bay lên, vua thấy thế cho là điềm lành nên ra lệnh đổi tên Đại La thành Thăng Long.

Tượng vua Lý Công Uẩn (tại Hà Nội) trong tư thế tay phải cầm “Chiếu dời đô”, tay trái chỉ về đất Thăng Long. 


Bản Chiếu dời đô trên bình phong của đền Đô (Bắc Ninh), nơi thờ các vị vua nhà Lý. 

Bản Chiếu dời đô (ngoài cùng bên phải) trên bức tranh thêu khổng lồ của các nghệ nhân làng thêu Văn Lâm (Ninh Bình) tặng Thủ đô Hà Nội nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. 

Sách "Đại Việt sử ký toàn thư", bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697), có in lại nguyên văn bài "Chiếu dời đô" của vua Lý Công Uẩn. Trong bài chiếu có đoạn như sau: “Huống chi thành Đại La… ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. 

Nội dung bài chiếu dời đô cho thấy, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn không chỉ có tài nhìn xa trông rộng, ngoài việc phát hiện ra cõi đất có thế “rồng cuộn hổ ngồi” hợp với nghiệp đế vương, vững bền cho việc dựng kinh đô, mà còn có lòng thương dân khi tìm ra mảnh đất Thăng Long cao ráo, sáng sủa, không thấp trũng tối tăm, muôn vật tốt tươi… để cho trăm họ dễ bề an cư sinh sống. 

Bàn về giá trị của "Chiếu dời đô", một trong những văn bản hành chính đầu tiên của thời kì phong kiến Việt Nam, nhiều học giả cho rằng, "Chiếu dời đô" không chỉ là một văn kiện lịch sử quan trọng, thể hiện được những ý tứ sâu sắc, tầm nhìn vượt thời đại, cũng như tính dự báo tuyệt vời của vua Lý Công Uẩn khi chọn đất Thăng Long làm kinh đô mà nó còn có giá trị cả về mặt nghệ thuật. 

Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, "Chiếu dời đô" đã khẳng định được vai trò của kinh đô Thăng Long, nó được coi là tác phẩm khai sáng nền văn học Hà Nội và triều Lý. 

Lịch sử đã tròn đúng 1000 năm kể từ ngày bản "Chiếu dời đô" ra đời. Vạn vật có thể đổi thay, nhưng những giá trị dự báo siêu phàm của bản thủ chiếu chỉ vỏn vẹn có 214 chữ Hán do vua Lý Công Uẩn viết ngày nào thì dường như vẫn không hề thay đổi. Bởi, sau thời Lý đóng đô được 215 năm (1010-1225), Thăng Long tiếp tục là kinh đô của nhiều triều đại như: nhà Trần đóng đô 175 năm (1225-1400), nhà Lê Sơ 99 năm (1428-1527), nhà Mạc 65 năm (1527-1592, nhà Lê Trung Hưng 196 năm (1592-1788). Và hiện nay là Hà Nội, Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thủ đô của "lương tri và phẩm giá", thủ đô của "hòa bình", thủ đô dấu yêu của hơn 80 triệu người dân Việt Nam. Điều đó cho thấy, Thăng Long xưa, Hà Nội nay, đúng là chỗ “thắng địa”, là nơi “quan yếu bốn phương”, vì thế nó xứng đáng là mảnh đất của “kinh sư muôn đời bền vững”.


Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Tất Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét