10 thg 2, 2013

Bí ẩn mồ ma Đống Thếch

Ở xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, cách trung tâm thành phố Hoà Bình chừng hơn 20 cây số về phía Đông Nam, có khu mộ cổ Đống Thếch của dòng họ Đinh, một dòng họ quan lang có thế lực của người Mường Động xưa… được đánh giá là một di chỉ khảo cổ và văn hóa có giá trị đặc sắc.

Khu mộ cổ Đống Thếch nằm ở đầu thung lũng Mường Động, một thung lũng nhỏ quang đãng, bằng phẳng, trong đó nhấp nhô hàng trăm bia mộ được làm bằng các tảng đá trồng chỉa thẳng lên trời. Vây quanh ba mặt khu mộ là những quả đồi thấp. Theo cách lí giải của cư dân trong vùng, trong tiếng Mường, “Đống” là nơi mồ mả, chôn cất người chết, “Thếch” là địa danh chỉ vùng đất, vì thế khu mộ này mới có tên là Đống Thếch.

Khu mộ cổ Đống Thếch của dòng họ Đinh nằm trong một thung lũng nhỏ và bằng phẳng ở Mường Động.


Những cột đá này chính là bia mộ, nó được làm bằng loại đá xanh lấy từ tận Thanh Hóa. 

Khu đất Đống Thếch có địa thế hình dáng miệng Rồng, một thế đất quý theo thuật phong thủy của người xưa, cho nên từ lâu dòng họ Đinh ở xứ Mường Động đã độc chiếm để làm nghĩa địa cho dòng họ của mình. 

Với thế đất rộng vài vạn mét vuông, trải qua nhiều đời, khu Đống Thếch có hàng trăm ngôi mộ của nhiều thế hệ kế tiếp nhau. Trong đó có nhiều ngôi mộ được cắm những hòn đá cao làm bia mộ như dấu ấn quyền lực của người chết. Qua bao năm, Đống Thếch trở thành thánh địa của nhà lang, bị cây rừng phủ lên rậm rạp nên ngày càng trở nên bí hiểm và linh thiêng trong con mắt của người dân.

Tại nhà ông Đinh Văn Dũng, hậu duệ thứ 21 của dòng họ Đinh hiện vẫn còn lưu giữ một cuốn gia phả viết bằng chữ Hán do ông Đinh Công Bàng soạn vào năm 1724. Theo gia phả, người sáng lập ra dòng họ Đinh ở xứ Mường Động là ông Đinh Như Lệnh. Trải qua nhiều đời, đến thời ông Đinh Công Kỷ nhờ có công giúp nhà Lê diệt nhà Mạc (cuối thế kỉ XVI) nên dòng họ Đinh được vua Lê chúa Trịnh phong tước cho cai quản vùng Mường Động. Từ đó dòng họ này cha truyền con nối cai quản vùng đất miền sơn cước này.

Ông Đinh Văn Dũng (ngoài cùng bên trái), hậu duệ đời thứ 21 của dòng họ Đinh, người đang nắm giữ cuốn gia phả của dòng họ từng là tầng lớp quan lang ở xứ Mường Động, Hòa Bình.

Cuốn gia phả được viết vào khoảng những năm đầu của thế kỉ XVIII.

Trong đó có ghi lại lịch sử và chiến tích của dòng họ Đinh.

Ông Bùi Minh Liễu, cán bộ văn hóa xã Vĩnh Đồng bên một tấm bia mộ làm bằng đá, trên bia có những dòng chữ Hán ghi tên tuổi và công trạng của người đã khuất, nay vẫn còn khá nguyên vẹn. 

Theo truyền thuyết còn lưu truyền trong dân gian, ông Đinh Công Kỷ (đời thứ 8 dòng họ Đinh, 1582 - 1647) là người có công giúp vua Lê xây dựng triều chính và là tướng tài của chúa Trịnh Kiểm. Do có công với nước nên khi chết ông được mai táng theo tước hầu, quan tài làm bằng gỗ trám đen (một loại gỗ quý trong vùng), ngoài sơn son thếp vàng và được chôn theo nhiều đồ đạc quý. Đặc biệt, nhà Lê đã cho chuyển nhiều phiến đá xanh từ Thanh Hóa ra làm cột mồ. 

Tấm biển công nhận di tích của khu mộ nay đã bị cỏ cây che phủ gần hết. 

Từ năm 1972 đến năm 1975, Viện Khảo cổ Việt Nam đã có những bước đầu nghiên cứu và tìm hiểu về các khu mộ Mường ở bốn vùng Mường lớn là Mường Bi (Tân Lạc), Mường Vang (Lạc Sơn), Mường Thàng (Kỳ Sơn), Mường Động (Kim Bôi) thuộc tỉnh Hòa Bình. Trong bốn khu mộ đó thì khu mộ cổ Đống Thếch có quy mô và giá trị nghiên cứu hơn cả. Khu mộ cổ Đống Thếch hiện được chia làm hai khu nhỏ, khu A với 15 ngôi mộ có dạng tròn hoặc vuông với các hòn đá bao quanh. Phía đầu mộ thường chôn ba hòn đá cao, to nhất thành một hàng thẳng. Trên các hòn đá đó thường có ghi tên tuổi, công trạng ngày mất của người nằm dưới mộ. Khu B có 7 ngôi mộ nhưng quy mô không lớn bằng khu A. Trong các lần khảo cổ, các nhà khoa học còn tìm thấy rất nhiều vật tùy táng là đồ trang sức, đồ dùng bằng gốm sứ, đồng… rất có giá trị lịch sử và khảo cổ học. Hiện nhiều cổ vật khai quật được từ các khu mộ này đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình.

Từ những nghiên cứu trên, khu mộ cổ Đống Thếch đã mở ra rất nhiều điều còn bí ẩn trong phong tục, tập quán, sinh hoạt, đồ dùng, trang phục… của người Mường, đặc biệt trong tầng lớp lang đạo ngày xưa. Hơn thế, nó còn trở thành một khu du lịch, điểm tham quan tìm hiểu những nét văn hóa đặc biệt của xứ Mường đã tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỉ nay.

Với những giá trị như trên, năm 1996, khu mộ cổ Đống Thếch đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.


Bài: Hữu Tuấn - Ảnh: Trần Huấn

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét