20 thg 8, 2012

Theo chân các ngọn núi lửa Việt Nam - Phần 2

Đắm say với các kỳ quan của núi lửa

TTO - Một trong những “thành quả” nổi tiếng sau quá trình núi lửa phun trên khắp một “vành đai lửa” rộng lớn và suốt nhiều giai đoạn vận động tạo sơn cách nhau cả triệu năm, có lẽ là ghềnh Đá Đĩa ở tỉnh Phú Yên.

Ghềnh Đá Đĩa là một danh thắng đã được Nhà nước Việt Nam xếp hạng Thắng cảnh quốc gia từ lâu. Khi dung nham tuôn chảy gặp không khí bên ngoài, dần dà đông kết lại thành hàng vạn hàng triệu cột bazan hình lục lăng, ngũ giác, lục giác nằm đều chằn chặn và cũng khá tùy hứng. Các nhà khoa học gọi đấy là “bazan dạng cột”. Đến ghềnh Đá Đĩa, bạn sẽ chiêm ngưỡng các cột đá nằm ngang dọc, xiên xẹo thành cả ngọn núi trước biển rất kỳ thú. 



Các cột đá bazan nằm ngang dọc, xiên chếch



Có khi đều chằn chặn như... hạt lựu, cả một vách núi toàn những cột bazan đen nhoáy, xếp rỗng hình lục lăng đều nhau tăm tắp đến... ngỡ ngàng!


Kỳ quan ghềnh Đá Đĩa không chỉ đẹp ở từng viên đá, mà còn nổi tiếng bởi một không gian biển, đảo, đất, sắc màu đại dương... rất riêng của một thành tạo núi lửa độc đáo


Cả một ghềnh đá không giống bất cứ nơi nào, những cột bazan thò ngàn vạn cái tiết diện hình lục lăng của mình lên không gian, giống hệt những cái... đĩa “tròn một cách vuông vức” giăng xếp dọc bờ biển. Có lẽ vì thế thắng cảnh này có tên là ghềnh Đá Đĩa - một thắng cảnh cấp quốc gia

Còn ở vùng Ba Làng An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, PGS.TS Trịnh Dánh đã đề nghị làm một công viên địa chất quốc gia đặc biệt, bởi dấu tích núi lửa tràn ra biển, đá đen nổi trên mặt biển tuyệt đẹp, đẹp đến kỳ quái.


Dấu tích núi lửa tràn ra biển, đá đen nổi trên mặt biển với các lớp dung nham rõ rệt, cùng các “viên than núi lửa” đen và xốp ở vùng Ba Làng An (Bình Sơn, Quảng Ngãi)

Còn đây là những cột bazan thuôn dài, uốn lượn, gồ ghề, phần nhô lên mặt đất hơi vuốt nhọn, khá ấn tượng ở xã Đắc Phơi, huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc.

Các cột bazan xếp khít vào nhau tạo thành cả một mảng núi, thành nhiều bức tường thành kiểu... núi lửa phun. 

Nguồn nước cho đám trẻ nô đùa trong ráng chiều ám ảnh này đã được chảy trên những khối bazan dạng cột khổng lồ. Cả một thung lũng, cả nhiều dòng thác ra đời do bazan đông kết thành những bức tường kỳ vĩ giống như ai đó đã đổ một chảo bột mì khổng lồ đang sột sệt ướt ra, sau khi ngào nhuyễn, để rồi nó đông kết, vỡ bửa, cháy đen, hóa đá mãi đến ngày nay


Ở thác Trinh Nữ (trên sông Krông Nô, cách TP Buôn Ma Thuột 20km), nhiều phiến bazan dạng cột được quá trình phun trào và đông kết của nham thạch vuốt gọt tuyệt vời. Nó uốn lượn như một tà áo, như những nếp sóng đang tung tăng trước mắt du khách! Cạnh đó, tất nhiên là những khối bazan đen kịt, nó như những viên than củi khổng lồ của một cây gỗ khổng lồ vừa bị đốt, nằm án ngữ giữa dòng sông ghềnh thác!


Bazan cột tạo nên ngọn thác lớn, bazan cũng nằm dưới chân thác, đen nhánh, thăn thớ, thẳng băng và lớp lang như có bàn tay của người nghệ sĩ tài năng nào đó đã tạo tác

Cách đó không xa là thác Đray Sap nổi tiếng, các khối bazan cao như núi, màu sắc kỳ ảo đã chặn đứng dòng sông, thác chảy trên bazan, cả một thế giới những viên đá đen, xốp, nhẹ, lỗ chỗ như tổ ong ngập tràn xung quanh thắng cảnh. Điều đó khiến nhiều người gọi Đray Soap là con nước của núi lửa. 


Con thác được “vinh danh” nhất của các thành tạo núi lửa ở Việt Nam có lẽ là thác Gia Long. Thác chảy trên các khối bazan cột tuyệt mỹ, đẹp đến mức vua Bảo Đại phải mang tên vua Gia Long "bậc tổ phụ” khả kính của mình ra đặt tên cho ngọn thác, nhiều công trình lớn đang được ông vua ưa du lịch mạo hiểm kia xây dựng... đến nay vẫn còn dang dở đã chứng minh điều đó

Ở Tây nguyên, trên địa bàn huyện Cư M’Ga, có một ngọn núi duy nhất mang tên là Núi Lửa (các nhà địa chất đã chứng minh đây là một miệng núi lửa từng hoạt động), chúng tôi đã đến đó, phỏng vấn người dân, ghi nhận nhiều điều, nhưng đoàn làm phim tiếc hùi hụi vì Núi Lửa đã bị người dân phá tan hoang để lấy đất đá xây dựng san lấp suốt nhiều năm qua.

Đất đá trong lòng núi đen xám như... than đá

Kỷ lục nữa liên quan đến núi lửa: ở vùng núi huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, có một khu thành đá hình móng lừa được “xây” bằng những trụ đá hình lục lăng rất lớn, đá đều tăm tắp, thành xây cao vút lên đỉnh trời, xây kín cả một rông núi. Tòa thành đã được bà con Ba Na Kriêm kể vào trong sử thi của mình.


Khi chúng tôi có mặt, các nhà địa chất đã ghi nhận bằng văn bản: nó là một thành tạo núi lửa, các viên gạch “xây thành” là những cột bazan dựng đứng trong rừng sâu bí ẩn


Núi lửa ở Buôn Chóa (Đắc Lắc) lại được giới địa chất ghi nhận với nhiều kỷ lục khác: đá magma trải rộng trên một vùng rộng lớn, bà con leo trên magma như leo núi ở... Tây Bắc; với những ruộng ngô trồng trên đá magma đen trũi như ngoài cao nguyên đá Đồng Văn

Giữa cái dữ dội đó, chợt chúng tôi ước ao: núi lửa phun thì nó đã phun rồi, sao độ ấy nó không phun ra những gò đồi, thung lũng đất bazan vân vi phì nhiêu như ở Pleiku cho bà con đỡ khổ!

Ai đó bảo nhan sắc núi lửa lúc đang phun là thứ nhan sắc chết người, dung nham, đá magma của nó lắm lúc cũng khô cằn, khốc liệt đấy; song vẻ đẹp, sự quyến rũ của nó - cùng các thắng cảnh mà nó sinh ra - thật tuyệt vời. Thật là một thứ vưu vật của trời đất ban tặng cho thiên nhiên xứ sở.

Sau nhiều ngày đi theo chân núi lửa ở Việt Nam, trở về, tôi bắt đầu ngồi ước ao: ước gì các nhà làm du lịch ở Việt Nam sớm nghĩ đến những tour du lịch, học tập, nghiên cứu "về nguồn"... với các ngọn núi lửa cùng thành tạo của nó. Núi lửa là một phần không thể thiếu của quả đất này mà!

ĐỖ LÃNG QUÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét