2 thg 8, 2012

Một Bát Tràng cổ xưa



Trong làng cổ Bát Tràng có nhiểu mảng tường “than” phục vụ cho việc nung gốm như thế này.

Thời sinh viên, tôi hay đến Bát Tràng chơi. Mỗi lần có bạn bè từ nơi xa đến thăm Hà Nội, tôi và mấy đứa bạn lại sắp xếp một chuyến đi thăm Bát Tràng. Hầu như lần nào cũng vậy, chúng tôi làm một vòng từ chợ Gốm vào các ngõ nhỏ trong làng, ghé qua ngôi đình cổ nằm cạnh bờ sông Hồng.

Nói thực lòng, tôi thấy Bát Tràng không có gì nhiều ngoài đồ gốm - tất nhiên, Bát Tràng là một làng nghề sản xuất gốm nổi tiếng. Trước kia người ta đến Bát Tràng chủ yếu để mua đồ gốm hoặc tìm hiểu về nghề gốm. Nay đến Bát Tràng, mỗi người khách đều có thể tự mình trải nghiệm các công đoạn làm ra một chiếc bát, một chiếc đĩa hay một bình hoa...


Nhiều nhà ở Bát Tràng nay không còn sản xuất gốm nữa. Họ chuyển sang mở các xưởng nặn, vẽ gốm dành cho khách du lịch. Hầu hết du khách khi đến Bát Tràng đều háo hức muốn thử trở thành một người thợ gốm. Giá cho mỗi lần “nghịch đất” khá rẻ, chỉ vào khoảng mười ngàn đồng.


 Du khách chăm chú theo dõi người thợ làm gốm. Đây là xưởng để du khách có thể “nghịch đất” và thử làm “thợ gốm”. 

 Nhìn người thợ tạo ra chiếc bình hoa xinh xắn từ một nắm đất dễ như trở bàn tay, ai nấy đều khấp khởi hy vọng về “tác phẩm đầu tay” của mình đem về tặng bạn bè, người thân. Tuy thế, cũng nắm đất ấy, qua tay mình bỗng trở nên méo mó, kỳ cục.

Rút cuộc, nhiều người lựa chọn một phương cách: nhờ thợ nặn và nung giúp “tác phẩm”, sau đó tự vẽ trang trí. Mỗi món đồ mang về như vậy cộng giá “nghịch đất” sẽ mất khoảng ba mươi ngàn đồng. Đây có lẽ là cái giá không hề đắt cho một trải nghiệm thú vị. Hầu như lần nào đến Bát Tràng chơi, tôi đều “nghịch đất” hoặc chí ít cũng ngồi tô tượng. Tất nhiên, không thể thiếu việc thưởng thức món bánh tẻ ngon tuyệt cú mèo thường được bày bán ở các hàng nước gần cổng chợ Gốm.

Điều hấp dẫn nhất đối với tôi ở Bát Tràng là hình ảnh của một ngôi làng cổ với những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo sâu hun hút. Đợt rét đậm khó quên vào mùa đông năm 2008, tôi cùng ba đứa bạn nữa vẫn lên xe buýt đi chơi Bát Tràng. Mấy đứa sù sụ trong những khăn áo dày cộm đi bộ qua các con ngõ của làng Bát Tràng. Cơ chừng nhiều ngõ nhỏ chỉ rộng bằng hai cô gái nhỏ nhắn xinh xắn đứng cạnh nhau. Ngõ này nối tiếp ngõ kia tựa mê cung. Những xưởng gốm nằm khuất trong các cánh cổng nhỏ.

Các lối đi chỉ rộng đủ cho hai người sát vai sánh bước bên nhau.


Nhiều con ngõ nhỏ trong làng với các bức tường gạch phủ rêu in dấu thời gian.

Phần nhiều các ngôi nhà ở Bát Tràng đều mang đậm dấu ấn đặc trưng về một làng quê Bắc bộ truyền thống. Những mái ngói cũ kỹ, những mảng tường gạch phủ rêu hay vữa tróc loang lổ, những khung cửa sổ gỗ mòn vẹt, bạc màu… Tất cả gợi về các mảnh ghép ký ức sống động của thế hệ 8X từng trải qua tuổi thơ trên làng quê yên bình như chúng tôi.

Tôi thích cái cảm giác đi xuyên qua những con ngõ nhỏ ở Bát Tràng. Nó giống như hành trình trở lại những ngóc ngách kỷ niệm tươi tắn, dung dị của một quãng thời gian thơ ấu. Bước một bước là trở về với nhịp quạt nan của bà, bước thêm một bước là trở về với nhịp gánh gồng của mẹ…

Trong cái lạnh se sắt của mùa đông, chúng tôi nối nhau bước lặng lẽ giữa những bức tường cũ kỹ dường như xám xịt hơn mọi ngày. Qua tận cùng một con ngõ nhỏ xíu, gió từ sông Hồng lùa tới khiến ai nấy đều lạnh tê tái. Đình làng cổ của Bát Tràng nằm ngay cạnh sông Hồng, thoáng rộng và uy nghi. Vào mùa hạ, khoảng sân trước đình ngập nắng, gió lồng lộng thổi. Sông Hồng phía trước mặt đỏ màu phù sa, những con thuyền chở cát đá nhộn nhịp qua lại. Làng cổ Bát Tràng luôn thổi vào trong mỗi người những ngọn gió trong trẻo, bình yên của ngày xưa cũ!


Bài và ảnh: Gia Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét