25 thg 8, 2012

Cù lao Giêng ở An Giang

Nằm giữa sông Tiền, bốn bề sông nước mênh mang, cù lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, có chiều dài 12km, chiều rộng khoảng 7km với những khu vườn mướt xanh, sum sê cây trái. Trên cù lao này có nhiều công trình kiến trúc độc đáo từ thời Pháp thuộc vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.


Bến đò cù lao Giêng. Ảnh: Anh Việt

Nhà thờ cù lao Giêng ở xã Tấn Mỹ, là một tòa kiến trúc cổ, được linh mục Gafignol (thường gọi là cha Nho) khởi công xây dựng từ năm 1875, dưới thời vua Tự Đức. Việc xây dựng một công trình lớn trên đất cù lao lúc bấy giờ vô cùng khó khăn.

Kiến trúc nhà thờ cù lao Giêng mang phong cách Roman, phần lớn vật liệu được đem từ nước Pháp qua. Năm 1887, đời Đồng Khánh, công trình hoàn thành. Trải hơn 120 năm, qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhà thờ cù lao Giêng vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn.
Ngôi thánh đường uy nghi, thâm nghiêm với tháp chuông cao vút, các trụ cột tròn, vững chãi liên kết cùng các ô cửa, vòm gió và các tháp nhọn nhỏ hình khối đa giác, các cửa giả hình chữ U ngược, tạo thành một kiến trúc rất bề thế, ngoạn mục và hoành tráng.
Cù lao Giêng, còn có những ngôi nhà được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, theo kiến trúc truyền thống với rường gỗ ba gian hai chái, tường gạch bao quanh bốn phía. Sân nhà thường có những chậu kiểng cổ với nhiều dáng hình mang màu sắc triết lý cuộc sống như thế “tam cang ngũ thường”, “tam đa”, “Thái sơn”, “mẫu tử”, “cầu hiền"… rất đa dạng và phong phú.

Ngoài những nhà thờ, khách các nơi hay tìm đến những ngôi chùa ở cù lao Giêng để vãn cảnh, cúng viếng, đông nhất là trong các dịp rằm hay lễ lớn. Nổi tiếng khắp vùng có chùa Ông Đạo Nằm, còn gọi là Thành Hoa tự. Chùa Phước Minh (tức chùa Bà Vú) có ngọn tháp chín tầng và cổng tam quan nằm dọc theo con đường nhỏ như một bao lơn án ngữ tiền đình chùa tạo ra nét lạ về kiến trúc… Chùa Phước Thành uy nghi, hoành tráng, sừng sững giữa một vùng quê yên bình, tĩnh lặng.

Nhà thờ cù lao Giêng xây dựng hoàn thành năm 1887, đến nay đã tồn tại hơn 120 năm. Ảnh: Anh Việt

Ngay trước nhà lồng chợ Phủ Thờ xã Bình Phước Xuân trên cù lao Giêng, có di tích lăng mộ của “Ba quan thượng đẳng”, ấy là ba anh em người địa phương đã theo phò Nguyễn Ánh và lập nhiều chiến công, sau đó cả ba anh em đều hy sinh ngoài chiến trường. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long hạ chiếu phong tước Thư Ngọc Hầu cho người anh cả là Nguyễn Văn Thư.

Điều đặc biệt là ba ngôi mộ nầy có nấm mộ rất lạ lùng, thường gợi sự tò mò cho khách tham quan. Khu mộ không bia ký và chỉ chôn các hình nhân tượng trưng, kích cỡ như người thật, được chở từ kinh đô Huế về bằng ghe bầu đi biển. Nằm giữa (Thư Ngọc Hầu) nấm đắp hình cá lý ngư; bên phải (Nguyễn Văn Kinh) nấm mộ đắp hình con rùa và bên trái (Nguyễn Văn Diện) nấm mộ đắp hình con cá mực.

Phủ thờ hay còn gọi là Dinh Ba quan Thượng đẳng - Nguyễn Tộc, năm 1909, được trùng tu, xây dựng theo kiến trúc cổ, mặt hướng ra sông Tiền. Vào phủ, ta sẽ gặp các công trình chạm, lộng gỗ tinh xảo và các vật dụng trưng bày như khánh, biển, liễn thờ, đồ minh khí, một số đầu tứ linh bằng gốm sứ hãy còn khá nguyên vẹn. Có bảy bàn thờ, gian giữa là bàn thờ chính thờ ngài Thư Ngọc Hầu, có tàn lọng, bài vị, trên xiên ngang có tấm biển sơn son thiếp vàng lớn đề ba chữ Hán “Bắc Đẩu Quang”...

Hàng năm, vào các ngày 25, 26 và 27 tháng 6 âm lịch, có đến hàng ngàn người tụ hội về Phủ thờ Nguyễn tộc tham gia lễ giỗ với đầy đủ nghi lễ cổ truyền, sau đó là các màn trình diễn, vui chơi giải trí như là hát bội, rước sắc từ Cao Lãnh về, múa lân cùng với các trò chơi dân gian phổ biến...


Anh Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét