9 thg 8, 2012

Chợ tình Khau Vai

Khau Vai thuộc địa bàn huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, nằm trong một thung lũng đẹp, xung quanh là những dãy núi cao chót vót, xa hơn một chút là đỉnh Mã Pí Lèng quanh năm mây phủ trắng. Khau Vai nổi tiếng với phiên chợ tình độc đáo (còn gọi là "chợ phong lưu", hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX), diễn ra mỗi năm một lần duy nhất từ chiều tối 26 đến chiều 27 tháng Ba âm lịch.

Từ một chuyện tình dang dở


Khau Vai, nơi có phiên chợ tình độc đáo hàng năm, nhìn từ trên núi cao. Ảnh: Phuot.vn. 

Gọi là chợ, nhưng nơi đây không phải là nơi mua bán hàng hóa mà là nơi hội ngộ cho những người từng yêu nhau nhưng vì những lý do nào đó họ không nên duyên vợ chồng.

Theo người địa phương, chợ tình có nguồn gốc từ chuyện tình dang dở của một chàng trai người Nùng với cô gái người Giáy, Do gia đình và dòng tộc ngăn cản, không cho họ đến với nhau nên đã cùng nhau bỏ lên núi. Chính sự trốn chạy của đôi trai gái làm cho mâu thuẫn hai dòng họ càng trầm trọng hơn. Cuối cùng họ quyết định chia tay và hẹn cùng nhau lên núi gặp gỡ, giãi bày tâm sự mỗi năm vào ngày 27/3 âm lịch.

Cảm phục trước tình cảm sắt son của đôi trai gái, hàng năm người dân nơi đây đã lấy ngày này để nhắc nhở về những chuyện tình dang dở, để những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau về đây để tâm sự, bày tỏ tình cảm, kể cho nhau nghe về cuộc sống riêng của mỗi người và chia sẻ nỗi niềm riêng trong cuộc sống thường ngày.

Phiên chợ tình Khau Vai độc đáo có một không hai đẹp như một huyền thoại này bắt đầu từ đêm 26 và kết thúc vào chiều tối ngày 27. Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đi chợ tình; đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng. Họ không ghen tuông mà tôn trọng sự riêng tư của nhau, coi đó là điều thiêng liêng trong cuộc sống tinh thần của người bạn đời. Nhưng sự cho phép đó, những phút giây phút "ngoài lề" đó chỉ có và chỉ được phép diễn ra ở đó và vào phiên chợ tình này, hết ngày 27/3 “cửa lòng” phải đóng lại, mọi hành vi tương tự đều bị coi là vi phạm luật tục xã hội và pháp luật.

Vùng đất của song mây

Những cô gái vui vẻ trên đường đến phiên chợ. Ảnh: Phuot.vn. 

 Theo tiếng địa phương thì Khau Vai có nghĩa là “song mây”, ý muốn nói đây là vùng đất có nhiều mây mù bao phủ, nhưng cũng có ý nói tình cảm của đôi trai gái gắn bó, quấn quýt như cây song, cây mây trên các ngọn núi quanh vùng. Câu chuyện hôm qua và cuộc sống hôm nay có cái gì đó hư hư thực thực, đã góp phần tạo nên sức lôi cuốn kỳ lạ của mảnh đất này.

Đợi anh hết mùa lanh 
Đợi anh qua mùa đào 
Vượt đỉnh Mã Pí Lèng 
Ta tìm về với chợ tình Khau Vai. 

Câu hát xưa như thôi thúc, mời gọi họ tới phiên chợ tình đầy quyến rũ này. Từ chiều 26/3 âm lịch, khắp các nẻo đường dẫn đến Khau Vai đều rộn ràng tiếng cười nói của người dân xuống chợ, trên những con đường quanh co rực rỡ những trang phục đầy sắc màu của các cô sơn nữ.

Tâm trạng người đi chợ rất háo hức. Những người ở xa đến chợ từ chiều ngày 26. Đến chợ là cuộc tìm kiếm, khi tìm được cố nhân thì cùng nhau trò chuyện. Chiều ngày 27 là lúc chợ tan, đôi bạn tình xưa bịn rịn chia tay, không ai biết trước có còn gặp lại nhau lần nữa. Chia tay bạn tình cũ, nhưng cặp vợ chồng lại cùng nhau che ô về nhà, kể cho nhau nghe những chuyện về người tình xưa. Nhưng có những người đến Khau Vai nhiều lần mà vẫn chưa gặp được cố nhân, sự tìm kiếm, ngóng đợi cứ vô vọng, đến khi chiều tà lại ngậm ngùi lẻ loi ra về, lòng càng day dứt, trĩu nặng.

Ngày nay, Khau Vai là vùng đất sinh sống của rất nhiều dân tộc như Nùng, Giáy, Mông, Dao… nên phiên chợ càng trở nên tấp nập, đông vui hơn. Ảnh: TL.

 Ngày nay, Khau Vai là vùng đất sinh sống của rất nhiều dân tộc, không chỉ người Nùng và Giáy mà còn có người Mông, người Dao… cùng sinh sống bên nhau. Do đó, phiên chợ càng trở nên tấp nập, đông vui hơn. Chợ tình Khau Vai không chỉ là nơi hẹn hò của những cặp tình nhân lỡ duyên mà còn là nơi kết bạn của biết bao cô gái, chàng trai mới lớn. Từ mỗi phiên chợ, đã có biết bao đôi “nên vợ nên chồng”, sống hạnh phúc bên nhau.

Đi chợ tình đã trở thành nét đẹp văn hóa, là điểm tham quan hấp dẫn du khách bốn phương. Khau Vai ngày càng thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước, không chỉ bởi phong tục độc đáo mà còn bởi vẻ đẹp của thiên nhiên làm đắm say lòng người.

Từ một sinh hoạt tự phát mang bản sắc văn hóa địa phương, phiên chợ tình đã bị khai thác thương mại bằng hình thức tổ chức lễ hội có sự can thiệp mang tính hành chính khiến chợ tình Khau Vai dần mất đi vẻ mộc mạc ngày nào. Xin hãy cứ để Khau Vai như nét nguyên thủy mà nó vốn của đồng bào miền núi. Sự thuần khiết của nét đẹp này sẽ hấp dẫn, mê hoặc khách thập phương, góp phần tôn vinh, lưu giữ đời sống tình cảm của vùng đất giàu sức sống văn hóa của các dân tộc thiểu số.


TBKTSG online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét