13 thg 8, 2012

Lên đỉnh đèo chiêm ngưỡng Hải Vân quan

Từ năm 2005, khi có hầm đường bộ xuyên núi, các phương tiện giao thông hầu như không còn lên đèo Hải Vân nữa, trừ những xe bồn chở xăng dầu hay chất dễ cháy nổ. Đường đèo Hải Vân nay trở thành một cung đường du lịch hấp dẫn những du khách mê say cảnh sắc thiên nhiên, núi rừng và biển cả; đặc biệt là di tích Hải Vân quan trên đỉnh đèo.


Đèo Hải Vân với chiều dài 21 cây số vượt qua những rặng núi thuộc dãy Trường Sơn vươn ra sát biển, nằm giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế ở phía bắc và thành phố Đà Nẵng ở phía nam. Ở độ cao 496 mét so với mực nước biển, hầu như lúc nào trên đỉnh đèo cũng có sương mù bao phủ, những lô cốt với màu đen xám xịt ẩn hiện trong làn sương tạo sự tò mò cho du khách, nhất là du khách nước ngoài, họ len lỏi vào từng lô cốt để xem và chụp ảnh



Đỉnh đèo là một điểm dừng lý tưởng cho du khách ngắm biển xanh, mây trắng quanh năm


Theo sách Đại Nam thực lục chính biên, Hải Vân quan được xây dựng vào năm Bính Tuất (1826), niên hiệu Minh Mạng thứ 7. Mặt trước khắc ba chữ “Hải Vân quan”, mặt sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Trang bị cho biền binh trấn thủ gồm 5 cỗ thần công và ống phun lửa, pháo thăng thiên... Đây là cửa ngõ của kinh kỳ nước Đại Nam ta thời ấy


Chẳng cần làm thêm điều gì để thu hút khách, chỉ với cái cũ kỹ rêu phong gợi nhớ đến nhiều điều từ lịch sử mở cõi về phương Nam của tiền nhân cũng đủ làm du khách xao lòng. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra lo lắng cho việc bảo tồn di tích dường như đang bị bỏ quên


Vị du khách người Mỹ này với cái máy ảnh trên tay, say mê leo trèo chui vào ra các ngõ ngách của di tích để chụp ảnh


Cạnh khi di tích là một bãi đất rộng cho các xe qua đèo dừng nghỉ. Tuy không còn cảnh nườm nượp xe cộ qua đèo như xưa nhưng vẫn có hàng quán và những người bán dạo tập trung chờ du khách ghé lại để chào bán đồ lưu niệm và nước giải khát


Những người lái xe ôm chở khách du lịch lên đèo xem đây là một trong những điểm dừng gây ấn tượng nhất cho du khách từ Huế vào Đà Nẵng, Hội An và ngược lại. Hải Vân cùng với Lăng Cô và Non Nước hợp thành một khu du lịch trọng điểm quốc gia của Việt Nam


Dù chưa từng quen biết, gặp nhau trên đỉnh đèo với cùng sở thích nhiếp ảnh, du khách "Ta" và Tây" dễ dàng làm quen nhau. Một nhóm "Tây ba lô" chuẩn bị lên đường sau khoảng một tiếng đồng hồ dừng chân trên đỉnh đèo để chụp ảnh và nghỉ ngơi

Huỳnh Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét