Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Ảnh VN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Ảnh VN. Hiển thị tất cả bài đăng

2 thg 12, 2021

Sắc màu Suối Tiên

Du khách đến Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận không những được thưởng thức đồi cát bao la ngút ngàn, bờ biển đẹp say đắm lòng người, mà còn thưởng lãm Suối Tiên xinh đẹp, có một không hai ở Việt Nam.

Suối Tiên hay còn gọi là Suối Hồng là một danh thắng tọa lạc tại đường Huỳnh Thúc Kháng phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Dòng suối nhỏ dài khoảng 4 km chảy róc rách cạnh Hòn Rơm, khuất sau những đồi cát cháy nắng. Không gian Suối Tiên nổi bật bởi một màu đỏ rực của cát và những hình nhũ nhấp nhô, gồ ghề tự nhiên dọc hai bên bờ suối.

Hàng nghìn những hình nhũ hình thành nên từ cát, theo năm tháng trở nên cứng như đá, bị gió mưa mài mòn nên mang trên mình một vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú vô cùng. Màu đỏ nâu của đất cát cùng với những hình nhũ đủ hình thù, đủ kích cỡ làm cho bờ suối trở nên hùng vĩ như những đền tháp, như một thành quách bị lãng quên… Suối Tiên mang một vẻ đẹp bồng lai tiên cảnh, bởi thế mà hàng loạt các tour du lịch Mũi Né đều chọn suối Tiên là điểm dừng chân tham quan hấp dẫn.

Suối Tiên hay còn gọi là Suối Hồng là một danh thắng tọa lạc tại đường Huỳnh Thúc Kháng phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Kim Phương/VNP

1 thg 12, 2021

Gốm sứ Bình Dương – Tinh hoa gốm Việt

Gốm sứ có xuất xứ từ Bình Dương trong thời gian qua đã gắn liền với nhiều sự kiện đối ngoại và đối nội quan trọng của quốc gia như làm quà tặng trong các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, APEC 2006 và 2017 được tổ chức tại Việt Nam, 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Hội nghị ASEAN 17… Đặc biệt, các sản phẩm sứ cao cấp Bình Dương với thương hiệu gốm sứ Minh Long 1 được chọn làm quốc phẩm trong chuyến công du của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng cho hơn 40 nguyên thủ các nước trên thế giới. Chúng tôi đã về Bình Dương, sau đợt dịch Covid lần thứ 4 để tìm hiều về nghề gốm nổi danh trên “bản đồ gốm sứ thế giới” ở vùng đất này.

Đất Bình Dương bén duyên nghề làm gốm

Được biết, nghề làm gốm ở Bình Dương xuất hiện vào cuối thế kỉ 18 đầu thế kỷ 19 do các di dân người Hoa đến lập nghiệp ở vùng đất này. Ở Bình Dương có ba làng nghề làm gốm lâu đời và nổi tiếng, đó là Tân Phước Khánh, Lái Thiêu và Chánh Nghĩa. Đặc điểm chung của gốm Bình Dương chính là sử dụng nguồn nguyên liệu từ loại đất sét có độ dẻo, độ kết dính cao nằm dọc theo những con sông ở địa phương để nhào nặn, cùng với đó là kỹ thuật làm gốm gia truyền của những nghệ nhân gốc Hoa và bí quyết canh nung chín gốm bằng củi để ra được những mẻ gốm hoàn hảo.


Trong giai đoạn 1910-1930, ở Bình Dương chỉ có khoảng 40 lò gốm với khoảng 1.000 lao động, đến năm 1985 có 273 cơ sở gốm thu hút 6.700 lao động. Đến nay có gần 300 cơ sở sản xuất gốm với khoảng 500 lò gốm thu hút hơn 15.000 lao động, cung cấp cho thị trường từ 130 -150 triệu sản phẩm/năm.
Theo ông Quách Hữu, thợ làm gốm có kinh nghiệm hơn 40 năm ở làng gốm Tân Phước Khánh cho biết: “Nghề làm gốm là nghề cha truyền con nối, đến tôi đã là đời thứ ba. Nghề này thường được ví von là một công việc suốt ngày “chơi” với đất sét, từ các công đoạn lấy đất, chọn lọc, pha trộn và nhồi nặn…, đôi bàn tay lúc nào cũng bị bao phủ bởi lớp đất sét”.

30 thg 11, 2021

Kết nối du lịch Long An

Là tỉnh thành duy nhất ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long giáp với Tp. Hồ Chí Minh, là cửa ngõ nối liền các tỉnh phía Đông và phía Tây Nam bộ, cùng với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, Long An được xem là thị trường có tiềm năng và lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch đặc trưng.

Long An mang đầy đủ các đặc trưng của một tỉnh miền Tây với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng như: du lịch gắn với sông nước miệt vườn, du lịch khám phá, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch ẩm thực… được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Hiện nay, Long An đang tận dụng khai thác tối đa các tour du lịch ngắn ngày có điểm khởi hành từ Tp. Hồ Chí Minh.

20 thg 11, 2021

Tháp ốc Bảo Tích

Đến chùa Từ Vân (đường 3/4, phường Cam Linh, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) nghe tiếng kinh kệ, tiếng chuông chùa được khếch âm vọng từ hàng triệu con ốc biển trang trí quanh tháp Bảo Tích mang lại cho du khách một cảm giác khoan thai, an nhiên đến kỳ lạ.

Chùa Từ Vân hay còn được gọi với tên khác như Chùa Ốc hay Chùa San hô là những cái tên thân thương, bình dị được người dân nơi đây đặt cho ngôi chùa này.Chùa được hai vị sư thầy Thích Đức Minh và Thích Hạnh Minh xây dựng từ năm 1968. Để tạo nên kiệt tác độc nhất vô nhị là tháp ốc Bảo Tích, các nhà sư đã phải mất 5 năm thực hiện, từ năm 1995 đến năm 2000 mới hoàn thành. Trải qua thời gian và mưa nắng, những vỏ ốc và san hô ở đây đã nhuốm màu thời gian, tạo cho không gian ngôi chùa một dáng vẻ xù xì nhưng cổ kính.

Mây luồn trên đèo Khau Phạ

Địa danh đèo Khau Phạ (huyện Mù Căng Chải – Yên Bái) không chỉ hút hồn du khách vào mùa nước đổ hoặc lúa chín mà còn đẹp đến độ diễm lệ khi mây đến vờn bay trên núi rừng, ruộng bâc thang và bản làng của người Mông, người Thái.

Theo các chỉ dẫn du lịch của dân phượt, các hãng du lịch lữ hành thì mùa mây Tây bắc chỉ giới thiệu ở các vùng nổi tiếng như Tà Xùa, Mộc Châu (Sơn La), Hoàng Liên Sơn, Y Tý (Lào Cai) nhưng ít nhắc đến vẻ đẹp của mùa mây ở đèo Khau Phạ. Chúng tôi đã có gần 10 năm, mỗi năm 2 lần lên nơi này nhưng để gặp cảnh mây tràn vào bản làng, vào ruộng bậc thang chỉ có một lần duy nhất.
Mùa mây ở đèo Khau Phạ thường xuất hiện từ tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm sau.

Người Mông ở bản Lìm Mông xã Cao Phạ cho biết, ở dãy núi Khau Phạ này, mù nhiều hơn mây, có nghĩa là, có những tháng, cả con đèo huyền thoại này chìm trong màn mù khổng lồ, người đứng cách người vài mét là không nhìn thấy nhau.

6 thg 11, 2021

Huế - Nơi lưu giữ tinh hoa nghề Việt

Trong hơn 300 năm (1636-1945), Huế đóng vai trò là thủ phủ rồi kinh đô của các triều đại quân chủ, trong đó có 13 triều vua nhà Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam - nên đây là nơi hội tụ của rất nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó có những nghề đặc biệt vốn có nguồn gốc từ các quan xưởng, hay làng nghề cổ chuyên phục vụ cho triều đình, giai cấp quan lại… Có lẽ vì thế mà nghề truyền thống Huế hình thành nên hai hình thái khá rõ rệt là nghề cung đình và nghề dân gian. Đến nay, dù trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, cố đô Huế vẫn bảo tồn được một hệ thống làng nghề phong phú, độc đáo và được xem là nơi lưu giữ nhiều tinh hoa nghề Việt.

Dấu ấn quan xưởng triều Nguyễn

Dẫu đã qua hàng trăm năm sương gió, Huế vẫn rực rỡ vàng son với lớp lớp cung vàng điện ngọc, thành quách, lăng tẩm đền đài và vô số bảo vật của các triều đại phong kiến để lại, góp phần tạo nên một di sản văn hóa thế giới có một không hai của nhân loại.

4 thg 11, 2021

Thị trấn Địa Trung Hải ở đảo Ngọc

Ở phía Nam đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang), nơi biển trời giao thoa, cảnh sắc hài hoà, đang có một thị trấn Địa Trung Hải phiên bản Việt do Sun Group dày công kiến tạo, vun đắp suốt hơn nửa thập kỷ qua, với “dung mạo, hình hài mỹ miều”.

Sự tinh tế, khác biệt và bài bản trong chiến lược phát triển của Sun Group đã khiến cả vùng đất bờ Tây Nam đảo Ngọc thực sự lột xác, trở thành một thị trấn Địa Trung Hải thực thụ dù nằm cách miền Nam nước Ý đến cả nửa vòng trái đất xa xôi.
Từ 20/10/2021, Tp Phú Quốc triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế sử dụng “hộ chiếu vaccine”. Thị trấn Địa Trung Hải là một địa điểm được nhiều du khách quốc tế lựa chọn trong hành trình khám phá đảo Ngọc Phú Quốc.

Trên diện tích gần 40ha, chủ đầu tư đã thiết kế gần 100 công trình tiện ích, dịch vụ lớn nhỏ, bao gồm 2 dự án: Sun Premier Village Primavera và Sun Grand City Hillside Residence ghép nối, bổ trợ và cộng hưởng tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh. Tại đây đã xuất hiện nhiều công trình dịch vụ F&B, khách sạn Hilton, bar đêm Teatro… do các tên tuổi lớn vận hành.

19 thg 10, 2021

Bún chả ở Sài Gòn

Bún chả Hà Nội là một trong số các món ăn, đặc trưng của người miền Bắc. Ngày nay bún chả đã có mặt ở các thành phố như TP.HCM, là địa điểm thưởng thức món Bắc quen thuộc của người Sài Gòn.

Nguyên liệu làm bún chả bao gồm,thịt ba chỉ thái thành những miếng.Thịt nạc vai đem thái mỏng và băm rối. Hành tím, đầu hành, tỏi đập dập, băm nhuyễn rồi chia thành đôi, cho vào 2 phần thịt lợn.

Thịt, chả nướng và nước mắm là 3 yếu tố quyết định đến phần lớn độ ngon của món bún chả. Thịt và chả nướng phải có hương thơm đậm đà, nước mắm cũng phải có vị chua, cay, mặn, ngọt hài hòa thì món bún chả mới ngon miệng được. Tiếp tục cho vào mỗi phần thịt lợn một thìa canh nước hàng hoặc xì dầu đen, 1 thìa canh dầu hào, 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa canh đường vàng, 1 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh mật ong và 1 chút tiêu xay.

Thịt và chả nướng phải có hương thơm đậm đà, nước mắm cũng phải có vị chua, cay, mặn, ngọt hài hòa.

9 thg 10, 2021

Làng bích hoạ Cảnh Dương

Nằm bên núi Phượng, sông Loan thơ mộng, làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) như một chiếc thuyền neo bình yên bên bờ biển biếc. Ngôi làng cũng là một trong “bát danh hương”, tức 8 làng cổ có danh tiếng lâu đời của vùng đất Quảng Bình bỗng thơ mộng thu hút du khách bởi những bức bích họa độc đáo tuyệt đẹp.

Làng bích họa Cảnh Dương là thành quả của dự án “Bích họa tương lai” của nhóm bạn trẻ, xuất phát từ mong muốn hỗ trợ người dân có cơ hội phát triển du lịch cũng như tạo nên những giá trị nghệ thuật. Họa sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Việt Dũng (SN 1984), là người phụ trách nhóm họa sĩ trẻ thực hiện dự án “Bích họa tương lai” chia sẻ: “Phần lớn các bức họa ở Cảnh Dương do chúng tôi tìm kiếm tư liệu từ Nhà truyền thống làng Cảnh Dương, ảnh của một số nhiếp ảnh gia và sưu tầm, sau đó được thiết kế đổ 3D để các vẽ”.

30 thg 9, 2021

Lễ cúng Bàn Vương của người Dao ở Hoàng Su Phì

Lễ cúng là dịp người Dao ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) tỏ lòng biết ơn Sư tổ Bàn Vương, người sinh ra 12 tộc họ, đồng thời cầu nguyện cho mưa thuận, gió hòa.

Truyền truyết người Dao kể rẳng, Bàn Vương vốn là Long Khuyển Bàn Hồ, nhờ lập được công lao to lớn giết được Cao Vương (xâm lược nước Bình Vương) nên được vua Bình Vương trọng thưởng và gả công chúa cho. Bàn Vương và công chúa sinh được 6 trai 6 gái, Bình vương ban cho mỗi người một họ, trở thành 12 họ sớm nhất của người Dao. Khi Bình Vương chết, Bàn Vương lên làm vua của người Dao.

Trong những bản làng người Dao ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) còn lưu truyền câu chuyện về cái chết của Bàn Vương như sau: Tuy đã lên làm vua nhưng Bàn Vương vẫn giữ nếp sống giản dị, hay truyền dạy người Dao cách trồng cấy, dệt vải, săn bắn. Một lần vào tháng 2 âm lịch, Bàn Vương lên núi săn bắn, đuổi theo một con sơn dương, chẳng may bị sơn dương húc, ngã vào cây gù hương và mất. Từ đó người Dao làm lễ cúng giỗ Bàn Vương vào tháng hai âm lịch.

Người Dao ở Hoàng Su Phì nổi kèn trống thông báo buổi lề cúng Bàn Vương bắt đầu. Ảnh: Việt Cường/VNP

18 thg 9, 2021

Đua thuyền Tứ linh ở Lý Sơn

Lễ hội đua thuyền Tứ linh không chỉ nhằm tưởng nhớ Đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa (TK17) đã có công bảo vệ lãnh hải Tổ quốc mà còn là hiện thân của khát vọng chinh phục biển khơi của người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Với đường đua lên đến hơn 4 hải lý (gần 8km), Lễ hội đua thuyền Tứ linh được giới nghiên cứu công nhận là đường đua thuyền truyền thống dài nhất Việt Nam.


Lễ hội đua thuyền Tứ linh là hiện thân
của khát vọng chinh phục biển khơi
của người Lý Sơn.
Ðến Lý Sơn vào cận ngày Lễ hội đua thuyền Tứ linh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, khi đại dịch COVID-19 chưa lan rộng, có thể dễ dàng nhận ra không khí rộn ràng khác biệt hiện diện khắp nơi. Ở sân đình các xã An Vĩnh, An Hải, người dân quây quần trang trí, sơn phết để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng chuẩn bị sẵn sàng cho ngày thuyền đua được hạ thủy. Dưới nắng gió đượm vị mặn mòi của biển, sắc mầu của những chiếc thuyền Tứ linh càng lung linh, rực rỡ hơn. Tất cả đều háo hức chờ đón lễ hội đua thuyền bắt đầu.

Trước khi tham dự hội đua thuyền, đại diện các tộc họ ở đội 5 thôn Tây, xã An Vĩnh đến Âm Linh Tự (Nơi thờ tự Hải đội Hoàng Sa) làm lễ cáo Thành hoàng và các vị tiền hiền, xin phép mở Lễ hội đua thuyền Tứ Linh. Ảnh: Trịnh Thông Thiện/VNP

23 thg 8, 2021

Pải Lủng - Những con dốc mang hình dấu hỏi

Ở Việt Nam có lẽ không có con đường nào mang lại nhiều cảm xúc cho những người yêu xê dịch như cung đường 4C. Với chiều dài hơn 180km, đường 4C từ Tp. Hà Giang ngược lên Cao nguyên đá Đồng Văn với vô số đèo vực quanh co, vắt qua núi non hùng vĩ. Nhưng trên cung đường ấy còn có một con dốc đặc biệt mang hình những dấu hỏi có tên Pải Lủng. Dừng chân ở dốc Pải Lủng để khám phá khung cảnh tuyệt đẹp và cũng để du khách tìm hiểu vì sao con đường 4C còn mang tên Con đường Hạnh Phúc.

Dốc Pải Lủng thuộc địa phận xã Pải Lủng, huyện Đồng Văn. Theo người dân địa phương Pải Lủng nghĩa là rồng trắng. Nhìn từ trên cao xuống, khúc cua tay áo lọt thỏm giữa bốn bề núi đá ở độ cao hơn 1400m so với mặt nước biển giống hệt một con rồng.

Nằm ở vị trí cửa ngõ chuẩn bị tiến vào đại đỉnh đèo Mã Pì Lèng, những góc cua thay đổi đến chóng mặt tại dốc Pải Lủng đủ hiểm trở tạo nên một thử thách thực sự cho những tay lái miền xuôi trước khi bất chợt thấy trước mặt sừng sững cụm tượng đài tưởng niệm những người mở đường.

16 thg 8, 2021

Trứng chiên cốm xanh

Hà Nội được biết đến với những món ăn theo mùa. Khi những cơn gió heo may của mùa Thu xuất hiện cũng là lúc báo hiệu mùa cốm đã về. Cốm là món ăn được ví như tinh hoa của đồng quê bởi cách chế biến của nó từ khi là hạt lúa nếp non trải qua nhiều công đoạn mới trở thành hạt cốm.

Ở Hà Nội có 2 địa điểm nổi tiếng làm cốm, đó là cốm làng Vòng (Cầu Giấy) và Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Theo những người làm nghề cốm lâu năm thì nơi này có rất nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như lúa lương phượng, lúa nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp hoa, nhưng lúa nếp cái hoa vàng sẽ cho ra hạt cốm ngon với vị thơm và dẻo đặc biệt.

Cốm tươi được bán ngay tại cổng làng hoặc theo quang gánh của các chị, các mẹ len lỏi vào từng con phố. Cốm luôn được bọc bởi 2 lớp lá, bên trong là lá ráy giữ cốm luôn dẻo và mềm, bên ngoài là lá sen giúp tạo mùi thơm thoang thoảng và buộc bên ngoài là sợi rơm vàng chứa đầy hình ảnh của đồng quê Việt Nam. Cốm có thể được ăn trực tiếp, có thể chế biến thành chè cốm, bánh cốm… và có một món ăn đơn giản nhưng dễ làm, rất đưa cơm trong mỗi bữa ăn đó là món trứng tráng cốm.

Cốm được chọn là cốm tươi đầu mùa của làng cốm Mễ Trì với hạt dai, dẻo.

21 thg 7, 2021

Bok-Lo-Hong: Món ăn độc, lạ của xứ biển Hà Tiên

Thành phố Hà Tiên có vị trí tiếp giáp nước bạn Campuchia và là nơi sinh sống của nhiều dân tộc (Kinh, Khmer, Hoa...)vì thế trong văn hoá ẩm thực ở địa phương có nhiều sự giao thoa, pha trộn từ đó cho ra đời nhiều món ăn độc đáo mà nơi khác không có.

Bok-Lo-Hong, người dân địa phương hay phát âm là Bốc lò hồng, Bốc lơ hông - là một món ăn của người Khmer sống ở thành phố Hà Tiên biến tấu từ món gỏi (nộm) đu đủ có nguồn gốc từ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, nhưng có pha trộn thêm nhiều thành phần và gia vị có sẵn ở địa phương, làm cho món ăn thêm đậm đà, nhiều hương vị.

Nguyên liệu chính của món Bok-Lo-Hong gồm đu đủ xanh sắc sợi dài và Ba khía muối (một đặc sản của miền sông nước Tây Nam Bộ), cùng với rất nhiều loại nguyên liệu và gia vị khác, như: Tôm khô, mắm ruốc, đậu phộng, ớt, tỏi, nước mắm me, chanh, rau thơm...

Nguyên liệu tôm khô không thể thiếu trong gia vị của món Bok-Lo-Hong.

4 thg 7, 2021

Rau diếp cuốn bỗng rượu, tôm thịt

Rau diếp cuốn bỗng rượu, tôm thịt là món ăn cầu kỳ, tinh tế của người Hà Nội, thường được làm vào mùa hè để giải ngấy và tăng độ tươi mát cho bữa ăn.

Món ăn Rau diếp cuốn bỗng rượu, tôm thịt là món của người Hà Nội xưa, nó thể hiện sự tinh hoa, khéo léo, của người làm bếp, trong cách lựa chọn nguyên liệu và các gia giảm, trong quá trình chế biến, để làm món ăn này cần phải chọn được rau diếp với lá dày, tàu to và hơi đắng, (nếu không có thì có thể dùng rau xà lách để thay thế).

Nguyên liệu phải chọn được hành củ tươi, giống hành Láng ngắn cây, nhỏ củ nhưng rất thơm. tiếp đến là bún được chọn là loại bún răng bừa, loại bún được làm thành các vắt dài (hoặc có thể sử dụng bún rối). Khó nhất của cuốn diếp là giấm bỗng chưng. Phải chọn được bỗng nếp vừa vớt từ nồi nấu rượu ra. Hạt nếp lúc ấy vẫn còn mọng và ngậm rượu, sau đó đem cái bỗng để nguyên cả hạt vắt khô rồi chưng lên với mật mật mía.Thịt lợn là thịt thịt ba chỉ (có lẫn cả nạc và mỡ) sau đó đem đi luộc chín và thái miếng vừa ăn, tôm phải là tôm tươi, thịt săn chắc được đem rang với một chút muối cho vừa miệng.

Tôm để làm món cuốn nhất hạng phải là tôm tươi bắt ở HồTây.

Cự Đà: "bảo tàng sống" về kiến trúc làng nghề ven đô

Làng cổ Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Tp. Hà Nội là một "bảo tàng sống" về kiến trúc làng nghề ven đô.

Theo cụ Vũ Văn Thân (87 tuổi) người làng Cự Đà thì những tài liệu khảo cứu lịch sử và gia phả các dòng họ ở đây cho thấy làng đã hình thành từ 4 thế kỷ trước do các hoàng thân trong gia tộc chúa Trịnh khởi lập. Sau đó, các nhà tư sản tài ba như Cự Doanh, Cự Chân, Cự Phát… (chủ những xưởng dệt, nhà máy, tiệm buôn, hãng vận tải lớn của Hà Nội giai đoạn 1920-1940) đã thổi hồn kiến trúc Pháp vào ngôi làng này.

Người dân tự hào về làng Cự Đà đến nỗi khi ra Hà Nội lập hiệu, tạo được uy tín, tất cả đều lấy tên làng ghép với tên mình. “Những nhà tư sản nổi tiếng của Hà Nội thời ấy mà có tên bắt đầu bằng chữ Cự là người ta biết ngay quê ở làng Cự Đà chúng tôi” - cụ Thân giải thích.

Làng cổ Cự Đà là một điểm đến du lịch Hà Nội dành cho những ai yêu thích tìm hiểu kiến trúc làng nghề truyền thống. Ảnh: Khánh Long/VNP

26 thg 6, 2021

Thủy Trung Tiên - ngôi đền cổ 1000 năm tuổi ở hồ Trúc Bạch

Ai đã từng đi qua hồ Trúc Bạch (Tây Hồ - Hà Nội) chắc hẳn không khỏi một lần thắc mắc về sự tồn tại của ngôi đền nhỏ với những hàng cây xanh cổ thụ um tùm soi bóng. Đó là ngôi đền Thủy Trung Tiên từ xa xưa đã gắn liền với văn hóa tâm linh thờ Thần Chó của người Việt và tên gọi ban đầu của đền là Cẩu Nhi.

Đền Cẩu Nhi xưa với tên gọi là đền Thủy Trung Tiên nằm cách đường Thanh Niên khoảng 30m với khuôn viên đẹp, xung quanh được bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ với một cây cầu bằng đá xanh chạm nổi rồng phượng hình vòng cung nối từ đườngThanh Niên vào cổng tam quan.

Sự tích xưa kể rằng, ngôi đền gắn truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian liên quan đến sự kiện vua Lý Thái Tổ (974 - 1028) lên ngôi và dời đô về Thăng Long. Theo một số sách thì trước khi Lý Công Uẩn lên làm vua, có con chó ở châu Cổ Pháp, (nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đẻ ra con sắc trắng có đốm đen thành hai chữ “Thiên tử” ứng với việc này (vì vua Lý tuổi Tuất). Từ đó, được Vua cho dựng miếu thờ sau miếu chuyển ra đảo hồ Trúc Bạch và tồn tại đến ngày nay.

Ẩm thực Hà Nội:Từ làng ra phố

Từ bao đời nay, những làng nghề ẩm thực truyền thống của người dân đất Kinh kỳ đã tạo ra những món ăn quyến rũ rồi lan tỏa và hình thành nên hệ sinh thái ẩm thực Việt. Những món ăn đã không còn khoảng cách, từ làng nghề đã ra phố rồi ghi danh trên bản đồ ẩm thực quốc tế. Ẩm thực Hà Nội cứ thế thấm vào lòng du khách bốn phương mang theo hoài bão, khát vọng của người Việt Nam hướng đến cuộc sống hòa bình, an vui.

Làng nghề: “Cái nôi” của ẩm thực Hà thành

Thủ đô Hà Nội có nhiều làng nghề ẩm thực nổi tiếng có chiều dài lịch sử. Mỗi món ăn lại gắn liền với tên gọi của từng làng quê như: Bánh Cuốn - Thanh Trì, Xôi Nếp - Phú Thượng, Cốm Thơm - Làng Vòng, Bún Ngần- Phú Đô, Bánh chưng- Lỗ Khê, Giò chả- Ước Lễ… Không gian của làng nghề ẩm thực luôn gắn liền với không gian của từng hộ gia đình. Từ đời ông - cha - con - cháu cứ tiếp nối nghề truyền thống và luôn giữ gìn những bí quyết riêng trong cách chế biến món ăn để làm nên bản sắc.

Mới đây, Chúng tôi đã về Làng giò chả Ước Lễ, huyện Thanh Oai để cùng trải nghiệm không khí làng nghề nức tiếng. Nghề làm giò chả ở thôn Ước Lễ đã có cách đây khoảng 500 năm. Dưới thời phong kiến, món ăn này rất cao quý và chỉ xuất hiện trong các bàn tiệc của giới thượng lưu. Thời Pháp thuộc, giò chả Ước Lễ đã nổi tiếng với nhà hàng Tân Việt ở Phố cổ, Tân Lợi ở Hà Đông. Vào năm 1958, thương hiệu giò chả Tuyên Thành của làng Ước Lễ đã xuất khẩu giò sang Pháp. Thời bao cấp, giò giả Ước Lễ còn được coi là món ăn xa xỉ.

28 thg 5, 2021

Bí ẩn nhà cổ ở Há Súng

Khi nói về các kiệt tác kiến trúc nổi tiếng tại Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) du khách thường nghĩ tới Dinh thự vua Mèo hay dãy Phố cổ Đồng Văn và Phố Cáo. Nhưng căn nhà cổ của dòng họ Vừ ở thôn Há Súng, xã Lũng Táo là cái tên được dân đam mê du lịch, yêu khám phá nhắc tới nhiều nhất bởi còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn.

Thôn Há Sùng nằm khuất nẻo sau một dãy núi cách đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc không xa. Từ Dinh thự vua Mèo, đi theo đường lên Cột cờ Quốc gia Lũng Cú khoảng 4km thì rẻ phải, đi tiếp khoảng 1,5km trên con đường nhỏ trải bê tông vòng vèo, dốc đứng là đến được Há Súng.

Căn nhà cổ bề thế của dòng họ Vừ được dựng trên một gò đất hình mai rùa giữa bốn bề núi đá. Cửa hướng nhìn thẳng ra một võng núi hình mắt ngựa. Theo quan niệm truyền thống của người Mông, khu đất ấy rất đắc địa để dựng nhà.Trước nhà là một dãy bậc đá dài dẫn thẳng lên cửa chính. Đứng trước căn nhà cổ, ai cũng sẽ trầm trồ trước công trình kiến trúc đồ sộ, khác biệt với tất cả các căn nhà khác trong vùng. Bức tường mặt trước, phần dưới xây bằng những tảng đá lớn được gọt đẽo kỹ càng. Phần trên đá là tường trình đất dày. Chính giữa có cửa chính trang trí cầu kỳ, trên cao hai bên là hai cửa sổ nhỏ. Bức tường này là phần nhô cao nhất, như một lá chắn vững chắc bảo vệ cho toàn bộ căn nhà.

24 thg 5, 2021

Quảng Trị: Từ DMZ đến Hành lang kinh tế Đông - Tây

Từng là một trong những khu vực có vùng giới tuyến quân sự khốc liệt nhất trên thế giới, được ví là “túi bom”, là “vùng đất lửa”, là “tọa độ chết”... do sức tàn phá khủng khiếp của bom đạn Mỹ, Quảng Trị hôm nay đang bền bỉ và mạnh mẽ vươn lên trở thành một điểm sáng ở khu vực Trung Trung Bộ và đặc biệt là trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) về tiềm năng phát triển du lịch, năng lượng tái tạo, kết nối thương mại quốc tế và hướng tới trở thành trung tâm dịch vụ logistic, trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực.

Dấu ấn tour DMZ và tiềm năng du lịch biển

Trước 1975, trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, vĩ tuyến 17 ở Quảng Trị được cả thế giới biết đến là khu khu phi quân sự hay còn gọi là giới tuyến quân sự tạm thời (DMZ - Demilitarised Zone) chia cắt hai miền Nam – Bắc đáng sợ nhất trên thế giới.