18 thg 9, 2021

Đua thuyền Tứ linh ở Lý Sơn

Lễ hội đua thuyền Tứ linh không chỉ nhằm tưởng nhớ Đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa (TK17) đã có công bảo vệ lãnh hải Tổ quốc mà còn là hiện thân của khát vọng chinh phục biển khơi của người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Với đường đua lên đến hơn 4 hải lý (gần 8km), Lễ hội đua thuyền Tứ linh được giới nghiên cứu công nhận là đường đua thuyền truyền thống dài nhất Việt Nam.


Lễ hội đua thuyền Tứ linh là hiện thân
của khát vọng chinh phục biển khơi
của người Lý Sơn.
Ðến Lý Sơn vào cận ngày Lễ hội đua thuyền Tứ linh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, khi đại dịch COVID-19 chưa lan rộng, có thể dễ dàng nhận ra không khí rộn ràng khác biệt hiện diện khắp nơi. Ở sân đình các xã An Vĩnh, An Hải, người dân quây quần trang trí, sơn phết để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng chuẩn bị sẵn sàng cho ngày thuyền đua được hạ thủy. Dưới nắng gió đượm vị mặn mòi của biển, sắc mầu của những chiếc thuyền Tứ linh càng lung linh, rực rỡ hơn. Tất cả đều háo hức chờ đón lễ hội đua thuyền bắt đầu.

Trước khi tham dự hội đua thuyền, đại diện các tộc họ ở đội 5 thôn Tây, xã An Vĩnh đến Âm Linh Tự (Nơi thờ tự Hải đội Hoàng Sa) làm lễ cáo Thành hoàng và các vị tiền hiền, xin phép mở Lễ hội đua thuyền Tứ Linh. Ảnh: Trịnh Thông Thiện/VNP

Đội đua thuyền là những chàng trai mạnh khỏe, giỏi nghề biển. Mỗi đội đua có 21-24 người, đều là nam giới, tuổi từ 18 đến 55, trong đó có 1 tổng lái, 1 tổng khoan (lo việc tát nước) và các tay chèo. Ảnh: Công Đạt/VNP

Các bô lão ở xã An Vĩnh chuẩn bị trang phục, vật dụng cho đội đua. Ảnh: Trịnh Thông Thiện/VNP

Các tay chèo thôn Tây, xã AnVĩnh đưa thuyền xuống trường đua. Ảnh: Trịnh Thông Thiện/VNP

Các đội đua trình diện trước sự cổ vũ, động viên của người dân huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Trịnh Thông Thiên/VNP

Sở dĩ gọi là “đua thuyền Tứ linh” vì trong cuộc đua có sự tham gia tranh tài của 4 con thuyền, mỗi thuyền mang tên một con vật trong bộ tứ linh, đó là: Long, Ly, Quy, Phụng. Ảnh: Trịnh Thông Thiện/VNP

Người khởi đầu hồ sơ đề nghị công nhận lễ hội đua thuyền Lý Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi. Về thời điểm lễ hội ra đời, ông Vũ cho rằng: "Từ thời tuân mệnh triều Nguyễn dong thuyền mở cõi Hoàng Sa, người Lý Sơn tại các làng đã chọn ra những chàng trai khỏe nhất và giỏi bơi lội nhất tham gia tranh đua giữa các làng. Từ cuộc tranh đua này chọn ra những người giỏi nhất để đi Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi cho rằng lễ hội này phải xuất hiện trước cả năm 1827 được ghi chép lại trong các dòng tộc ở Lý Sơn".

Hải đội Hoàng Sa là tên gọi đội tàu hàng hải do chính quyền chúa Nguyễn xứ Đàng Trong lập ra từ hồi đầu thế kỷ 17 để làm nhiệm vụ đi khai thác sản vật, đo đạc hải trình, bảo vệ và cắm mốc chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo nhiều nguồn sử liệu chính thống, Hải đội Hoàng Sa ra đời vào khoảng trước năm Tân Mùi (1631), tức dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (trị vì 1613 - 1635), vị chúa thứ hai của nhà Nguyễn.
Trong cuốn sách "Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi", ông Nguyễn Đăng Vũ từng dành 20 trang đúc kết tầm vóc và ý nghĩa của lễ hội đua thuyền Lý Sơn, trong đó ông nhấn mạnh: "Chính yếu tố tín ngưỡng làm nên sức mạnh của cộng đồng, người Lý Sơn luôn đoàn kết và thẳng tiến về phía biển. Khát vọng chinh phục biển khơi, với niềm tin tín ngưỡng đã đưa người Lý Sơn đi xa hơn".

Ở Lý Sơn có 13 họ tộc là hậu duệ của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Ông Phạm Thoại Tuyền, 72 tuổi, hậu duệ đời thứ 7 Chánh cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, người am hiểu văn hóa Lý Sơn cho rằng, Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn không đơn thuần là một môn thể thao mà còn mang tính tâm linh, bởi các thuyền đua được chọn đều là những con vật tượng trưng cho sức mạnh. “Thuyền đua cũng có linh hồn và là yếu tố quyết định sự thành bại trong một cuộc đua. Việc đóng thuyền mới và sửa chữa thuyền cũ phải hoàn thành vào đầu tháng chạp, sau đó chọn ngày lành để làm lễ hạ thủy trang nghiêm với đầy đủ các nghi thức cổ xưa”, ông Tuyền cho biết.

Lễ hội đua thuyền Tứ linh không chỉ hấp dẫn bởi sự kịch tính, khí thế thi đua giữa các đội thuyền mà còn thu hút bởi những trang trí tinh xảo của mỗi thuyền đua, nhất là phần đầu và đuôi tứ linh của thuyền. Người dân nơi đây cho rằng, thuyền trang trí càng đẹp càng mang lại may mắn, hứng khởi cho đội đua nên người được giao vẽ và trang trí thuyền đua phải là các nghệ nhân có tay nghề cao để có thể thổi hồn vào linh vật.

Theo lệ xưa, Lễ hội đua thuyền Tứ linh thường có tám thuyền đua. Mỗi thuyền đua là của một xóm trong xã và được lựa chọn trang trí theo hình ảnh "tứ linh" (Long - Ly - Quy - Phụng). Các thuyền này thường được đặt ở các lăng, miếu để thờ cúng. Trước khi tham gia đua, tối hôm trước hoặc sáng sớm hôm sau, mỗi đội thuyền đều tổ chức cúng tế thần linh theo những nghi thức riêng.

Trong cuộc đua, các tay chèo phải phối hợp nhịp nhàng để con thuyền lao đi nhanh hơn. Ảnh: Thông Thiện/VNP

Tổng khoan lo việc tát nước trong long thuyền của thuyền Phụng thôn Tây xã An Vĩnh hoạt động hết sức trong cuộc đua. Ảnh: Công Đạt/VNP

Vào ngày hội đua thuyền Tứ linh, toàn bộ tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn đều tập kết trước bãi biển khu vực trường đua để cổ vũ cho các đội đua. Ảnh: Công Đạt/VNP

Trường đua thuyền Từ linh là bãi biển trước đình làng An Hải và làng An Vĩnh kéo dài hơn 4 hải lý. Ảnh: Công Đạt/VNP

Ngư dân Lý Sơn chèo thuyền thúng ra khu vực trường đua cổ vũ cho các đội đua. Ảnh: Công Đạt/VNP

Người Lý Sơn cho rằng, người được tuyển vào đội đua phải được lựa chọn kỹ càng để bảo đảm có cả sức khỏe và sự khéo léo. Thuyền đua được đóng theo dáng thon, nhẹ sao cho có thể lướt nhanh trên sóng nước. Trước đây, mỗi thuyền chỉ đóng cho 14 trai làng ngồi đua, nhưng gần đây, do nhu cầu được tham gia thuyền đua, mỗi thuyền thường có tới 24 chàng trai tham dự. Ðội nào cũng có đồng phục riêng với khăn đỏ chít trên đầu.

Mỗi lần diễn ra hội đua, không khí sôi nổi, náo nhiệt khắp một vùng biển với tiếng reo hò cổ vũ và hình ảnh những tay chèo ra sức tăng tốc để sớm về cán đích. Ðây không phải hội đua thuyền duy nhất nhưng có lẽ là trường đua thuyền lớn nhất và quy củ nhất của nước ta. Trường đua thay vì trên sông như ở các nơi, ở Lý Sơn thì là đua thuyền trên biển gần bờ, gần với đình làng. Đường đua là khoảng đường biển mà thuyền đua phải vượt qua trong một cuộc đua gồm 4 vòng (8 dạo), với tổng chiều dài khoảng hơn 4 hải lý.

Vì vậy, với người dân Lý Sơn, Lễ hội đua thuyền Tứ linh không chỉ là hoạt động thể thao truyền thống mang tính cộng đồng mà còn là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng độc đáo, tưởng nhớ và gửi gắm sự tri ân, lòng biết ơn của cư dân vùng biển đối với các bậc tiền nhân và đội hùng binh Hoàng Sa khi xưa đã vượt biển đo đạc thủy trình, cắm mốc, bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Việt, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: "Tinh thần đoàn kết là những gì chúng ta thấy ở Lễ hội đua thuyền Lý Sơn. Ở đó, không chỉ tranh tài mà trai tráng Lý Sơn thể hiện ý chí biển khơi, thể hiện sự tài giỏi của con cháu hùng binh Hoàng Sa".
Ngày 27- 4/2021, khi dịch Covid - 19 chưa bùng phát tại Quảng Ngãi, người dân huyện đảo Lý Sơn nô nức  đón nhận Lễ hội đua thuyền
Tứ linh ở Lý Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Bài: Công Đạt - Ảnh: Công Đạt, Thông Thiện
(Bộ ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét