Tượng đài các bà mẹ bên xác con.
Theo các tư liệu lịch sử, chỉ trong vòng 2 năm (1946 – 1947), những kẻ cầm quyền tại bót Dây Thép đã sử dụng nhiều hình thức tra tấn dã man, thảm sát tổng cộng hơn 700 người, là những chiến sĩ cách mạng ở địa phương, kể cả những nông dân vô tội. Tội ác của thực dân đã được mô tả lại một cách tượng hình nhất thông qua các bức phù điêu lớn bằng đồng đặt trong đền tưởng niệm Bến Nọc hiện nay. Các bức phù điêu như tái hiện sinh động và chân thật nhất những tội ác mà bè lũ thực dân đã thực hiện, như: lính thực dân đi lùng sục, cướp của, hãm hiếp phụ nữ và bắt thanh niên đưa về Bót giam giữ, tra tấn; Các hình thức tra tấn dã man khi đó; hình ảnh tù nhân bị thực dân xử tử đồng loạt và ném xác xuống cầu Bến Nọc. Đặc biệt, khu vực giữa sân đền tưởng niệm là tượng đài tạc hình ảnh những người mẹ bên xác con, mang biểu tượng “tiếng kêu xé lòng” thể hiện sự đau đớn, phẩn uất của những người mẹ mất con trong giai đoạn này. Bên cạnh đó là bức phù điêu còn khắc lại những hình ảnh về hoạt động kháng chiến của quân và dân ta; hình ảnh về các hoạt động mít-tinh, xuống đường của người dân địa phương, công cuộc kháng chiến giành thắng lợi của quân và dân Thủ Đức anh hùng…
Móc sắt thực dân Pháp dùng để treo tù nhân khi tra tấn.
Dùi sắt dùng để nung đỏ rồi xiên vào bắp chân tù nhân.
Những ai đến viếng đền, xem qua những hình ảnh đầy chua xót và cay đắng trên hầu như đều chung một tâm trang bi phẩn, căm ghét cái ác, căm ghét chiến tranh và lên án những hình vi man rợ, phi nhân tính, lên án chiến tranh.
Từ năm 1948, lực lượng giải phóng quân phối hợp với các lực lượng du kích xã Tăng Nhơn Phú liên tục tổ chức đánh bót Dây Thép, thu được nhiều súng đạn, gây cho địch những thiệt hại nặng nề, cho đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi. Để ghi nhớ những đau thương, mất mát và vinh danh sự hy sinh cao cả của đồng bào, chiến sĩ năm xưa, năm 2009, Tp.Hồ Chí Minh đã xây dựng Đền tưởng niệm Bến Nọc, đồng thời xây sửa lại cầu Bến Nọc thuận tiện cho giao thông tại địa phương. Bót Dây Thép cũng được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử quốc gia ngày 18-1-1993.
Dây thừng dùng để trói tù nhân.
Chiếc mũ cai ngục dùng múc nước xà phòng đổ vào miệng tù nhân để tra tấn.
Ngày nay, Đền tưởng niệm Bến Nọc là “địa chỉ đỏ” nổi tiếng ở Tp.Thủ Đức, Đây không chỉ là nơi linh thiêng thu hút người dân và du khách trong các hoạt động văn hóa tâm linh, tín ngưỡng mà còn là nơi để tổ chức các sự kiện như: Về nguồn của học sinh-sinh viên, kết nạp đảng viên, giáo dục truyền thống, tổ chức các hội thao, hội thi…
Đến viếng đền Bến Nọc, ông Nguyễn Trí Dũng, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Thủ Đức cảm nhận: Mỗi lần đến viếng đền là thêm một lần bày tỏ sự trân trọng, ghi nhớ và biết ơn sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ và đồng bào đã không tiếc máu xương anh dũng chiến đấu hy sinh cho nền độc lập dân tộc, đồng thời, cũng để nhắc nhở, tuyên truyền, giáo dục về lịch sử truyền thống cách mạng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trong việc thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Đặng Kim Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét