Giữa không gian làng quê yên bình, cây mít cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Đích (73 tuổi) sừng sững một góc xóm Nội Cả (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Tán cây mít sum suê, vươn cao lên khỏi mái nhà ngói cổ kính.
Ngồi tiếp chuyện với khách, bà Minh - vợ ông Đích tự hào kể: “Năm 16 tuổi, tôi về làm dâu đã thấy cây mít mọc sừng sững ở đây. Cây này do các cụ trồng, từ đó đến nay trở thành báu vật của gia đình”.
Cây mọc sát ngay cổng nhà, xòe tán rộng khiến bất cứ ai khi tới cũng phải chú ý. Theo ông Đích, trước kia tán cây mít tròn xoe, tuy nhiên một phần tán ảnh hưởng mái bếp của gia đình nên phải chặt đi.
Vườn của ông Đích từng có rất nhiều cây mít, tuy nhiên hiện chỉ giữ lại cây mít mật này. Ông Đích cho biết cây mít đã trải qua ba thế hệ, ước tuổi đời hơn 100 năm. Bao mùa gió, bão khốc liệt, gia đình không chăm bón nhưng cây vẫn phát triển tươi tốt và cho quả ngọt mỗi năm.
Rễ cây mít nổi to trên mặt đất.
Cây mít cổ của gia đình cao khoảng 2,3 m. Hàng năm, bà Minh thu hoạch quả đếm không xuể từ cây này, vừa để bán vừa để ăn. Quả ra sai trĩu trịt từ gốc, cho đến các cành to, cành nhỏ. Quả mít to nhất, theo bà Minh còn nhớ, nặng khoảng 15 kg.
Nhiều phần vỏ cây mít già cỗi, bong thành từng mảng lớn.
Mít mật khi chín cây tỏa mùi thơm phức, múi mềm, màu vàng ươm và có vị ngọt thanh. Vào mùa quả chín rộ khoảng từ tháng 7 - tháng 8, thấy hương thơm thoang thoảng đầu cổng cùng tiếng chim chóc tíu tít về làm tổ, ông Đích lại bắc thang trèo lên cây kiểm tra. Trái nào vỏ căng, gai không còn nhọn hoắt, vỗ kêu bộp bộp là hái xuống.
Dù có người đã ngỏ ý mua cây mít của gia đình, vợ chồng ông Đích nhất định không bán. Với ông bà, cây mít đã trải qua bao mùa mưa, bão để gắn bó với gia đình đến tận nay. “Bán cây mít này lấy tiền tiêu cũng hết, để cây ở lại cho con, cháu, hàng xóm láng giềng sang chơi có bóng mát“, bà Minh chia sẻ.
LÊ TUYẾN - ÁNH TUYẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét