30 thg 9, 2021

Tết So lộc của người Nùng

Cho dù đã trôi qua hơn một tháng kể từ khi người Nùng thôn Đăk Xuân, xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà) tổ chức Tết So lộc, nhưng trong tôi vẫn còn lưu lại những dấu ấn đẹp cùng những quan niệm hay của người dân về cái Tết độc đáo này.

Thôn Đăk Xuân có 84 hộ gia đình, trong đó có 74 hộ là người dân tộc Nùng. Vào ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch hằng năm, 100% các hộ người Nùng ở thôn Đăk Xuân thường tổ chức đón Tết So lộc. Đây là Tết truyền thống gắn liền với văn hóa người Nùng, diễn ra trong vòng 1 ngày.

Từng có dịp đến thôn Đăk Xuân vào dịp Tết So lộc, rảo bước từ đầu đến cuối thôn, tôi cảm nhận được bầu không khí tươi vui, lắng nghe những tiếng cười nói, chuyện trò rôm rả phát ra từ mỗi căn nhà. Theo người dân, ngày xưa sau khi kết thúc vụ mùa, cày, bừa, cuốc xẻng được lau sạch bùn đất, xếp gọn một chỗ, bà con ngưng việc đồng áng để tổ chức Tết So lộc.
Tết So lộc có nghĩa là xin lộc: lộc trời, lộc đất, lộc tổ tiên; những điều may mắn, điềm lành đến với gia đình và xua đi những điều rủi ro trong cuộc sống. Đồng thời thông qua lễ tết này, bà con bày tỏ lòng mình với thần linh, tổ tiên; nhìn lại những kết quả đạt được trong năm qua, thể hiện niềm tin, hi vọng và tinh thần lạc quan để tiếp tục sống, làm việc tốt hơn trong thời gian đến.

Bà con phấn khởi khoe thành quả trong vụ mùa vừa rồi. Ảnh: T.T

Để tìm hiểu sâu hơn về cái Tết này, ông Trương Văn Học - Bí thư Chi bộ thôn Đăk Xuân đưa tôi đến gặp già làng Luân Quang Phượng. Qua cách nói chuyện nhã nhặn, chậm rãi, già Phượng dần cuốn tôi vào câu chuyện: Tết So lộc bắt nguồn từ dân tộc Nùng ở tỉnh Cao Bằng. Sau này, khi di dân vào đây làm kinh tế mới, chúng tôi vẫn lưu giữ và duy trì ngày lễ Tết đặc biệt này. Chẳng biết từ bao giờ, người Nùng chúng tôi đã coi ngày Tết So lộc là dịp để gửi đến thần linh, tổ tiên lời xin, lời nguyện cầu gặp mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và bội thu.

Vào ngày Tết So lộc, các gia đình người Nùng thường dậy từ rất sớm để chỉnh trang bàn thờ, quét dọn nhà cửa và chuẩn bị lễ cúng. Cũng giống với Tết Nguyên đán, vào ngày Tết So lộc, mỗi gia đình đều chuẩn bị một mâm cỗ để cúng thần linh, tổ tiên.

Không cầu kỳ, hình thức, các nguyên liệu trên mâm cỗ là những món ăn dân dã như bánh tro, bánh gai, cùng với các loại hoa quả. Đối với thức ăn mặn, tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà bà con chuẩn bị heo, gà, vịt… sao cho phù hợp. Sau khi chuẩn bị xong, chủ nhà sẽ dâng cỗ và thành kính thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên và nguyện cầu những điều tốt đẹp. Bởi theo truyền thống của người Nùng, Tết So lộc là thời điểm để mỗi người hướng về cội nguồn.

Bà con vui vẻ trò chuyện trò sau khi đã chuẩn bị xong mâm cỗ Tết So lộc. Ảnh: T.T

Ngày Tết So lộc cũng là dịp để mọi người thắt chặt mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình. Những người đi học, làm ăn xa thường trở về quây quần bên nhau trong bữa cơm gia đình ấm cúng trong ngày Tết So lộc. Họ cùng nhau ăn uống, chuyện trò, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống và gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

Thông qua ngày Tết So lộc, tình làng nghĩa xóm cũng được gắn kết hơn. Bởi vào ngày này, từng nhóm hộ (khoảng từ 3 -5 gia đình) sẽ tập trung lại, cùng nhau làm nhân, gói bánh, chế biến các nguyên liệu… để vừa giúp nhau làm nhanh hơn, vừa chuẩn bị chu đáo cho mâm cỗ của mỗi gia đình thêm tươm tất, đủ đầy.

Tết So lộc còn là dịp để bà con bày tỏ lòng biết ơn đến loài vật gắn bó mật thiết đến cuộc sống của mình – con trâu. Già Phượng bày tỏ: Một trong những lý do mà ngày Tết So lộc được tổ chức sau khi vụ mùa kết thúc chính là để tỏ lòng biết ơn con trâu cày bừa, đồng cam cộng khổ với mình. Người ta thường nói, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, không chỉ có giá trị lớn về kinh tế, con trâu còn là người bạn đồng hành với mình trên đồng ruộng và cho phân bón để bón cây trồng. Chính vì vậy, trong ngày Tết So lộc, bên cạnh việc xin lộc, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người Nùng chúng tôi còn cầu mong cho trâu được khỏe mạnh, bình an để tiếp tục gắn bó với con người.

Đám trẻ quây quần ăn uống cùng nhau đón Tết So lộc. Ảnh: T.T

Chỉ tay về phía nhà mình, ông Trương Văn Học chia sẻ: Từ những ngày đầu đến đây lập nghiệp, tôi và nhiều gia đình trong thôn cũng phải nhờ đến sức trâu để vận chuyển các trụ, cột và vật liệu để làm nhà. Ngoài việc giúp chúng tôi có nơi an cư, con trâu giúp chúng tôi lập nghiệp. Con trâu đã đồng hành cùng gia đình tôi bao năm tháng… Không chỉ gia đình tôi, ở thôn Đăk Xuân, hầu như nhà nào cũng nuôi 1 – 2 con trâu, có hộ nuôi trên chục con.

Cũng bởi con trâu có vai trò và ý nghĩa như thế, người dân thường coi trọng con trâu. Trong ngày Tết So lộc, trẻ chăn trâu thường được hưởng một niềm vui riêng từ sự quan tâm đặc biệt của gia đình.

Đối với những em nhỏ tại thôn Đăk Xuân nói riêng và dân tộc Nùng nói chung, ngoài Tết Trung thu và Tết Nguyên đán, thì Tết So lộc chính là một trong những dịp đáng nhớ nhất trong năm. Vào ngày này, sau khi cùng gia đình ăn bữa cơm trưa, chúng sẽ được người lớn chuẩn bị một hoặc nửa con gà, vịt… để cùng trâu ra đồng. Thông thường, những nhóm trẻ sẽ tập trung lại một chỗ. Bọn trẻ sẽ cùng nhau dựng lên những chiếc lán lợp lá tạm bợ để có chỗ tập trung ăn uống, hò hét, vui chơi đến tận cuối ngày. Chính vì vậy, nhiều người vẫn thường tâm niệm rằng, Tết So lộc chính là tết trẻ trâu.

“Ngày Tết So lộc, đám trẻ trong làng tập trung cùng nhau cũng là dịp để những người già gần gũi, truyền lại cho chúng quan niệm về phong tục, tập quán, những giá trị văn hóa cần lưu giữ, kế thừa và phát huy của dân tộc mình. Giống với cách mà các thế hệ đi trước đã để lại cho chúng tôi, lớp trẻ sau này cũng sẽ tiếp nối những truyền thống đó…” - Già Phượng giãi bày.

Trên đường từ thôn Đăk Xuân trở về thành phố, tôi vẫn nhớ như in hương vị của chiếc bánh tro mà già Phượng mời tôi nếm thử. Hương thơm của lá đót, độ dẻo của nếp hòa quyện với vị mật ong đượm ngọt cùng với những quan niệm của người Nùng về Tết So lộc đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai.

TẤT THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét