28 thg 9, 2021

Từ Năm Căn nhớ về... Cư xá 60 căn

Trước đây, đường bộ Việt Nam chỉ tới Năm Căn là hết. Nơi đây là vị trí hợp lưu của sông Cửa Lớn, là điểm giao thương thuận lợi, nên dần dần phát triển thành phố chợ bên sông.

Tượng đài Phan Ngọc Hiển ở Năm Căn

Người ta giải thích xuất xứ tên gọi Năm Căn như sau: Cách đây hơn 2 thế kỷ có một người Hoa tên Chệt Hột đến đây dựng lên 5 căn trại đáy, phía trên bờ thì làm rẫy (trại đáy là khu trại nơi dân chài phơi lưới và đóng đáy). Công việc làm ăn rất phát đạt do nguồn cá tôm dồi dào và chưa có người khai thác. Thấy có nhiều hoa lợi nên những người Hoa Kiều và người Việt cũng đến đây làm ăn sinh sống, lần hồi trở nên đông đúc. Vì có vị trí thuận lợi về đường sông nên ghe xuồng thường qua lại chỗ này, và người ta căn cứ vào dấu hiệu là dãy trại đáy 5 căn xuất hiện đầu tiên để gọi tên, lâu ngày thành địa danh Năm Căn.

Tui tới Năm Căn vài lần và nghe giai thoại này cũng nhiều lần nhưng nửa tin nửa ngờ. Lần gần đây, tui đi cùng anh Giang Huỳnh, một người bạn thân quen ngày xưa cùng sống ở quê nhà Long Khánh. Nơi anh Giang sống tại Long Khánh thuở còn nhỏ là Cư xá 60 căn. Tui liên hệ giữa 2 tên gọi Năm Căn và 60 Căn và gật gù: Ờ, có lý!

Bến tàu Năm Căn

Chợ Năm Căn

Tỉnh Long Khánh được lập theo Sắc lệnh 143-NV ngày 22/10/1956 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Để quân nhân, viên chức ở tỉnh nhà được an cư lạc nghiệp, đầu thập niên 1960 chính quyền tỉnh Long Khánh cho xây dựng những khu cư xá khang trang làm nơi trú ngụ cho họ.

Cư xá đầu tiên là Cư xá Thủy Lâm (chỉ khoảng 10 căn nhà), là khu nhà ở cho nhân viên Ty Thủy Lâm ở cạnh đó (nay là khu vực Bưu Điện và Chi nhánh điện Long Khánh). Kế đến là Cư xá Sĩ quan gồm 27 căn dành cho sĩ quan quân đội VNCH. Bên cạnh Cư xá Sĩ quan là Cư xá Công chức gồm 60 căn dành cho công chức trong tỉnh (nay nằm trên đường Hùng Vương, đối diện Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc). Có thể nói những người cư ngụ tại đây thuở ấy là những người công chức đầu tiên của tỉnh Long Khánh.

Người dân Long Khánh thường gọi Cư xá Công chức là Cư xá 60 căn, dĩ nhiên là vì ở đó có 60 căn nhà. Lâu dần thành quen, Cư xá 60 căn trở thành một địa danh dù đây không hề là một tên gọi hành chánh. 

Cư xá 60 căn ngày nay. Ảnh: longkhanh.dongnai.gov.vn

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, qua 2 chế độ, nơi đây không còn dành riêng cho công chức, và cũng không phải là 60 căn nhà nữa nhưng cái tên Cư xá 60 căn vẫn còn tồn tại. Người ta vẫn dùng tên gọi đó để chỉ vị trí đó, khu nhà ở đó, dù tên gọi không hề được công nhận bằng bất cứ văn bản hành chánh nào.

Nếu tên gọi 60 căn của một cư xá ở Long Khánh đã được hình thành như vậy thì tên gọi Năm Căn của một vùng đất xuất phát từ 5 căn trại cũng là hợp lý phải không? Ngoài ra, Cư xá 60 căn lớn hơn Thị trấn Năm Căn bởi vì 60 > 5, đúng không ạ?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét