7 thg 6, 2020

Chợ hải sản 600 năm tuổi bên bờ kè

Hàng chục thuyền đánh cá ngày đêm ra vào tấp nập tại chợ Cồn Gò, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên.

Chợ Cồn Gò có lịch sử 600 năm là nơi bán hải sản tươi, phục vụ người dân địa phương và khách du lịch. Cứ 4h sáng, tàu thuyền đánh bắt về neo đậu cách bờ biển khoảng 300 m sau khi ra khơi từ chiều hôm trước. Do tàu không thể vào sát bờ, ngư dân phải bốc hải sản vào rổ, đặt lên thuyền thúng rồi vận chuyển vào khu chợ bên mép bờ kè chắn sóng. 


Trên bờ, tiểu thương và người nhà chủ tàu chờ sẵn, hợp sức kéo và đổ từng rổ hải sản vào những tấm bạt trải sẵn giữa bờ kè. 

Ngư dân, tiểu thương trang bị đèn pin để soi đường đi trong màn đêm. Mỗi ngày, khoảng 200 người dân tập trung tại bờ kè, mua bán, trao đổi. 

Hải sản đưa ra khỏi thuyền thúng được rửa ngay dọc bờ biển, trước khi đem nhập cho tiểu thương hoặc bán lẻ. 

Chợ Cồn Gò bán đủ loại hải sản tươi sống gần bờ như mực, tôm, cá cơm, cá nục, cua, ghẹ... Tất cả được bỏ vào rổ nhựa hoặc đổ đống trên bạt cho người mua thoải mái lựa chọn. 

"Một buổi sáng tôi bán được khoảng 50 kg mực tươi, lời hơn 500.000 đồng sau khi trừ hết các chi phí", một tiểu thương tại chợ Cồn Gò cho biết. 
Hải sản ở đây được thực khách ưa chuộng bởi độ tươi ngon và đa dạng. Theo ngư dân, vùng biển huyện Cẩm Xuyên có nhiều đảo nhỏ và tảng đá ngầm, nên tôm cá đánh bắt có vị đặc trưng khác nhau. 

Tháng 6 là mùa bề bề, dân địa phương gọi là tôm tít. Mỗi lần ra khơi, ngư dân đánh bắt được khoảng 300 kg. Họ xếp từng rổ nhựa dọc kè để tiểu thương đưa xe đông lạnh tới chở đi phân phối cho các quán ăn, nhà hàng trong tỉnh, hoặc vận chuyện đi các tỉnh phía Bắc. 

Bề bề bán với 50.000 đồng/kg. Loài này thường được đánh bắt lẫn với cua, ghẹ. Tiểu thương Trần Thị Nguyệt, 42 tuổi, ở xã Cẩm Nhượng, cho biết: "Mỗi ngày tôi thức dậy từ lúc 3h đến chợ chờ thuyền về. Để mua được hải sản ngon nhất thì phải đón chủ tàu từ lúc họ bưng lên bờ rồi chốt giá luôn, lưỡng lự sẽ bị người khác giành mất ngay". 

Chợ Cồn Gò cách khu du lịch biển Thiên Cầm khoảng 2 km. Vào sáng sớm, ban quản lý sẽ thông báo tới du khách, ai có nhu cầu tới chợ mua hải sản thì bố trí xe điện đưa đi, mỗi lần chở 5-7 người. Du khách tới chợ ngoài mua hải sản còn tranh thủ ghi lại cảnh mua bán nhộn nhịp của người dân. 
"Tôi rất thích mực và tôm tại chợ, mỗi lần tới đây thường mua 5-7 kg mang về nấu ăn, làm quà biếu", một du khách đến từ Thanh Hóa nói. 

6h sáng, bình minh ló rạng là lúc hoạt động mua bán tại chợ Cồn Gò tạm ngừng. Tiểu thương lái xe chở hải sản tới chợ, ngư dân chèo thuyền ra gom ngư cụ nhằm chuẩn bị cho một ngày ra khơi mới, bắt đầu vào lúc 3h chiều. 

Chợ Cồn Gò có lịch sử hoạt động từ 600 năm trước, ngay khi hình thành làng Nhượng Bạn, là xã Cẩm Nhượng ngày nay. Xưa chợ nằm trên một cồn cát sát biển, quá trình biển xâm thực xóa cồn cát, ngư dân di chuyển vào họp trên bờ kè chắn sóng dài hơn 1 km dọc xã. 
Dưới bờ kè, nhà chức trách dựng nhiều lu nước để rửa hải sản khi chuyển từ thuyền lên. Ngày nay ngư dân thường rửa tại bờ biển cho tiện, song các lu nước vẫn được giữ lại, trở thành một đặc trưng nhận biết riêng của chợ. Chếch về phía nam khoảng 1 km là cầu Cửa Nhượng dài 1,4 km, nối xã Cẩm Nhượng và Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên), khánh thành từ năm 2014. Công trình này giúp người dân di chuyển tới chợ Cồn Gò dễ dàng hơn, thay vì trước kia muốn đến chợ phải đi đường vòng, mất nhiều thời gian.

Đức Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét