25 thg 6, 2018

Mê hoặc điệu Bài Chòi miền Trung bộ

Loại hình nghệ thuật dân gian Bài Chòi đã phát triển thành một loại hình sân khấu ca kịch đặc sắc với các hình thức Hô Bài Chòi, Hội đánh Bài Chòi, Bài Chòi chiếu, Bài Chòi ghế... được các tầng lớp nhân dân miền Trung vô cùng yêu thích và đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Điệu hát sáng tạo của người lao động
 


Theo lưu truyền, từ xa xưa, người nông dân vùng Trung bộ dựng những cái chòi trên đồng ruộng có treo trống, mõ, phèng la... để canh giữ thú rừng ra phá hoại hoa màu. Khi có thú rừng tới thì đồng loạt các chòi đánh trống mõ đuổi thú và khi yên tĩnh thì họ hò hát với nhau cho vui. Trên cơ sở ấy, đã hình thành hát Bài Chòi, tức là ngồi trên chòi hát theo tên con bài. Từ đó nhân dân lao động miền Trung phát triển thành Hội Bài Chòi và hát có bài bản, có nhạc đệm.

Theo tiến trình lịch sử, Bài Chòi trở thành hội của người dân miền Trung mỗi dịp lễ, Tết. Bộ Bài Chòi có 30 thẻ, thường có 9 chòi được dựng lên. Anh Hiệu (người diễn xướng trong Bài Chòi) bốc trúng thẻ bài nào sẽ hát kể một câu chuyện vui để đưa đến đích là tên thẻ bài đó. Ai trúng được cả 3 thẻ bài sẽ là người thắng cuộc, được nhận bao lì xì, được chúc rượu…


Nghệ thuật dân gian Bài Chòi là loại hình sân khấu ca kịch đặc sắc được các tầng lớp nhân dân miền Trung yêu thích và được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh Tất Sơn

Ống bài của anh Hiệu. Đây là dụng cụ để anh Hiệu hát tương ứng với thẻ bài khách cầm. Ảnh: Thanh Giang

Có thể hiểu nôm na rằng hội bài chòi là sân chơi của những ván cờ. Mỗi ván gồm có 30 quân cờ với 30 tên gọi khác nhau chia thành 10 loại thẻ gỗ (3 quân cờ là một thẻ) và người chơi sẽ được chọn phát các loại thẻ đó. Ảnh: Thanh Giang 

Khi các bài hát đối đáp càng dài thì các quân bài xuất hiện càng nhiều và chú lính lại có nghĩa vụ treo hết 30 quân lên giữa sân chòi để người chơi biết. Ảnh: Thông Thiện 

Du khách tham gia chơi Bài Chòi tại khu vực trung tâm phố cổ Hội An – Quảng Nam. Ảnh: Tất Sơn 
Trong nghệ thuật Bài Chòi, vai trò anh Hiệu cũng vô cùng quan trọng. Đó là nghệ nhân vừa diễn, vừa ứng tác, hoặc đã thuộc lòng những câu hát có mang tên con bài như: Cửa Chùa, Ông Ầm, Học Trò, Tứ Cẳng, Bạch Huê, Chín Gối, Sáu Ghe, Ba Gà, Tứ Tượng... Anh Hiệu hát bất kỳ câu gì nhưng cuối câu phải kết tên một con bài mà người chơi đang cầm trên tay. Bên cạnh đó, nội dung hầu hết các câu hát đều là vui vẻ và góp phần phê phán thói hư tật xấu trong xã hội, thí dụ câu: "Cửa chùa, cửa phật tu hành - Tu nhà cha mẹ sẵn dành cho con" là con Cửa Chùa. Hoặc câu: "Vai mang bì bạc kè kè, nói quấy nói quá nẩu nghe ầm ầm" là con bài Ông Ầm...

Lúc 15h10 ngày 7/12/2017, phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003, lần thứ 12 của UNESCO tại Hàn Quốc, Di sản nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chính vì thế NSƯT Nguyễn Kiểm (Đoàn Ca kịch Bài Chòi Bình Định) đã khẳng định rằng: “Nhạc bài chòi nằm trong óc người hát chứ không nằm trên giấy. Điều thú vị là nó hết sức linh hoạt và tiếp cận người hát một cách chặt chẽ, người nghe một cách nhanh chóng”.

Cũng theo NSƯT Nguyễn Kiểm, khi Bài Chòi phát triển hình thức Bài Chòi chiếu là đỉnh cao của nghệ thuật Bài Chòi. Chỉ cần một chiếc chiếu với những khán ngồi xung quanh, anh Hiệu đã có thể trình diễn. Một mình anh Hiệu có thể trình diễn nhiều vai khác nhau và tất cả các nội dung Bài Chòi khác nhau.

Một trong những nét độc đáo nhất của Bài Chòi là tức hứng và độc diễn. Tức hứng là ứng khẩu thành lời hát ngay tại chỗ, còn độc diễn là người nghệ sĩ đóng nhiều vai khác nhau, lúc tướng, lúc quân, lúc ông, lúc cháu… và diễn nhiều cảnh khác nhau. Người trình diễn không cần về sân khấu, hóa trang, trang phục… Nói chung, về hình thức biểu diễn không cần những đạo cụ phức tạp, những nhân vật trong chuyện kể thì bình đẳng, lời thơ, câu hát phụ thuộc vào sự ngẫu hứng của người diễn xướng.

Hát Di sản trong lòng Di sản

Không tiếng động cơ, không có ánh đèn neon, chỉ có tiếng rao vọng lại qua từng con phố già nua, Di sản Thế giới Hội An (Quảng Nam) hiển hiện trở về không gian xưa hòa quyện dưới ánh sáng mở tỏ của những chiếc đèn lồng. Và đông đảo du khách lại về bên bờ sông Hoài để cùng thưởng thức trò chơi dân gian hát Bài Chòi. Đêm hát Bài chòi phố Hội từ lâu đã trở thành một sân chơi quen thuộc của người dân và khách du lịch quốc tế. Chính sân chơi này đã đem lại không khí sôi nổi giúp khu Phố cổ thêm phần sinh động mà vẫn không làm mất đi vẻ đẹp yên bình rất đặc trưng của Hội An. Vì rằng, đêm hội Bài Chòi vừa mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện đại, vừa chứa đựng vẻ dịu dàng, duyên dáng - một nét văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa của người dân xứ Quảng.

Hầu như du khách khi đến với Phố cổ Hội An cũng đã một lần biết đến Bài Chòi và nghe giọng hát của “anh Hiệu phố cổ” Lương Đáng. Với sự hài hước, dí dỏm và lối hát biến hóa, sáng tạo, không ít người đã bị nghệ nhân Lương Đáng chinh phục ở ngay lần đầu tham gia hội Bài Chòi.

Du khách đắm mình trong điệu hát ngọt ngào mang đậm âm hưởng dân ca của người dân xứ Quảng của anh Hiệu. Ảnh: Tất Sơn 

Chú lính phát thẻ cho người chơi và thu hồi các thẻ khi một cuộc hát bài chòi kết thúc. Ảnh: Thanh Giang

Hai du khách người Hàn Quốc thích thú với lối chơi và những điệu hát sáng tạo của nghệ thuật Bài Chòi. Ảnh: Tất Sơn 

Chú lính – Một thành viên trong đội hát bài chòi hướng dẫn cho du khách luật và cách hát bài chòi. Ảnh: Thông Thiện 

Chia sẻ cái duyên đến với Bài Chòi, nghệ nhân Lương Đáng cho biết: “Khi nhỏ tôi đã quen nghe, bởi lúc nào bà ngoại đi chơi Bài Chòi cũng bồng tôi theo. Từ lúc lên 10 tuổi, Bài Chòi đã nhiễm vào trong máu, thấm vào trong con người mình”.

Ở nhiều nước trên thế giới, có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian có nét tương đồng với Bài Chòi như pansori (Hàn Quốc), cổ từ (Trung Quốc), hát nói (Angieri và Ấn Độ)… nhưng những lời thơ, làn điệu, âm nhạc, từ ngữ, cấu trúc… trong Bài Chòi là độc nhất. Bởi thế, Bài Chòi khá thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian nước ngoài.
Không chỉ chia sẻ về cái duyên đưa mình đến với Bài Chòi, ông còn tâm sự về quãng thời gian mình đi tìm và khôi phục loại hình nghệ thuật đặc sắc này: “Năm 1998 lần đầu tiên thử nghiệm khôi phục trò chơi dân gian Bài Chòi ở Hội An. Trước đó, tôi cùng các bác lãnh đạo đi tìm một số bậc cao niên ở các xã như Cẩm An, Cửa Đại rồi lên những vùng trên như Thanh Hà nghe hát để tìm hiểu về loại hình dân gian này”.

Bài Chòi đã trở thành món ăn tinh thần với du khách khi đến thăm phố Hội. Còn với nghệ nhân Lương Đáng, hơn 30 năm làm nghề, điều ông mang lại cho mọi người không chỉ là niềm vui mà còn là sự tự hào bởi nét văn hóa của quê hương vẫn đang được bảo tồn và phát triển và đã trở thành Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Không chỉ ở Di sản Thế giới Hội An, ở Cố đô Huế, nghệ thuật hát Bài Chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của người dân địa phương và du khách, là một lễ hội ở các kỳ Festival Huế.

Làng Thanh Thủy Chánh, xã Thuỷ Thanh là nơi duy nhất của Thừa Thiên Huế còn giữ được sinh hoạt mở hội Bài Chòi. Bài Chòi là báu vật dân gian của làng Thanh Thủy Cháng, đem lại cho con người niềm vui sống, thêm yêu quê hương đất nước, gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Vào một dịp lễ hội, làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy thường diễn ra hội Bài Chòi ở địa điểm Cầu Ngói Thanh Toàn phục vụ dân trong vùng và khách du lịch. Ảnh: Tất Sơn 



Mỗi hội bài được chia thành 9 ván, mỗi ván người chơi phải đánh hết 5 quân bài. Kết thúc mỗi ván, người thắng sẽ được cắm một cờ vào chòi của mình. Ảnh: Thanh Hòa - Tất Sơn

Ông Hiệu Trần Duy Chựa là một nghệ nhân hát Bài Chòi nổi tiếng của Huế hát và phát thẻ bài cho người chơi. Ảnh: Tất Sơn 

Ông Trần Duy Chựa là một nghệ nhân hát Bài Chòi nổi tiếng của Huế. Suốt mười mấy năm qua, Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh thường mời ông làm Hiệu trong hội Bài Chòi vào dịp Festival hay Tết cổ truyền. Với nghệ nhân Trần Duy Chựa, hát Bài Chòi không khó, nhưng cái khó là biết làm sao luyến láy để chạm trái tim người nghe. Hát Bài Chòi cũng có rất nhiều làn điệu và tiết tấu riêng, khi thì da diết, xúc động, cũng có khi sôi động, giục giã, mới có thể chuyển tải hết nội dung một câu chuyện trọn vẹn.

Khác với ở Hội An, ở Huế, Hát Bài Chòi có đặc trưng bởi các làn điệu ngọt ngào, đượm tình. Du khách đến xem không chỉ thích thú bởi tính giải trí mà còn gật gù bởi giá trị truyền thống được đan xen. Người chơi như đắm chìm trong sự miên man của những câu hò khoan dìu dặt bên những thành quách, lâu đài ngã bóng bên dòng Hương giang thơ mộng.

Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Ebsjorn Watermark (Thụy Điển) cho rằng, Bài Chòi có sự đa dạng và khả năng lai ghép giữa các loại hình với nhau là một sức mạnh, không có dấu hiệu của sự suy yếu. Trong đó, tuồng và cải lương có ảnh hưởng đến hình thức Bài Chòi ngày nay.
    

Bài: Thông Thiện - Ảnh: Thanh Hòa, Tất Sơn, Thanh Giang, Thông Thiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét