28 thg 6, 2018

Kẻ mộng mơ

Ở Đà Lạt, qua thời gian người ta chợt nhận ra rằng những nghệ sĩ tử tế xứ này đều là những kẻ đơn độc (có người chịu không nổi phải bỏ chạy!). Và kẻ đơn độc nhất hiện nay có tên là Lữ Trúc Phương, hành nghề vẽ nhà vẽ cửa...

KTS Lữ Trúc Phương

Ông là một kiến trúc sư “có tiếng” ở phố núi du lịch sang trọng này. Hằng ngày tôi thấy ông lầm lũi đi về trong bộ đồ nâu xám cũ kỹ, trên một ngọn đồi ở ấp Hồng Lạc, cạnh ngôi chùa sư nữ nhỏ rêu phong trên đường Phạm Hồng Thái.

Ông không nói chuyện với ai, kể cả khi ở quầy bán báo bà Chương (cửa hàng báo trên 40 năm ở đường Ba Tháng Hai), mà chủ yếu dồn tất cả cho cuộc độc thoại trường kỳ với căn phòng ngợp các bản thiết kế, tranh, tượng gỗ, sách, máy tính... Nhìn vào không gian sống ở căn phòng 20m2 kia đủ nhận ra nỗi cô đơn, tự kỷ, trầm tĩnh (và chịu đựng), cùng vẻ ẩn sĩ của một kiến trúc sư kỳ dị giữa buổi cuộc sống đang tốc hành, nhốn nháo thực dụng...

Cái dở dang nổi tiếng

Tổ ấm Âu Lạc (ngôi nhà trăm mái)

Cái gì Lữ Trúc Phương thực hiện dở dang là những cái du khách tìm đến xem, thành “sản phẩm du lịch”, thành “tour” để đưa khách đến, là cơ hội kiếm tiền của các hãng lữ hành, là “kiến thức” của các hướng dẫn viên du lịch, và người ta tranh nhau đưa vào những cuốn guidebook, kể cả xuất bản ra ngoài hay trong nước, ở Sài Gòn, Hà Nội hay ngay tại Đà Lạt.

Bên cạnh những cái tên Cam Ly, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở... nổi tiếng ở Đà Lạt, không thể bỏ qua những công trình dù dở dang của ông.

Đó là con gà chín cựa K’Long ở làng người Cill Darahoa, dưới chân đèo Prenn, là hồ nước Thống Nhất, hồ con rồng ở Đa Thiện, là nhà thờ dòng Don Bosco, là “ngôi nhà trăm mái” ở cận đồi Cù, là “con đường lên trăng” ở bên hông đồi thông dinh tỉnh trưởng...

Công trình con gà chín cựa (nặng 8 tấn, cao 6,6m, rộng 3m) ở Darahoa mới hoàn thành phần công năng cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào, kể từ năm 1978, còn mục tiêu văn hóa - nghệ thuật (hằng ngày từ trong lòng nó có thể phát ra những tiếng gáy thanh bình) phải bỏ dở; hồ Thống Nhất (những năm 1980) mới hoàn thành phần... biển Đông (tạo ra một hồ nước rộng lớn nằm trên ngọn đồi cao ở miền cao nguyên để cung cấp nước tưới cho 240ha trồng rau ở vùng Đa Thiện), còn con tàu mơ ước đất nước lao ra đại dương hòa vào thế giới vẫn rêu phong neo trong sự dang dở từ nhiều chục năm qua (mới xong thân tàu).

“Con đường lên trăng” bay bổng đưa con người đi từ bí ẩn của lòng đất lên bầu trời mới tạm xong những hạng mục dưới lòng đất... Tương tự là công trình “Nhập cùng nguồn cội” (biến những ngọn đồi, dãy núi cùng thác nước ở khu Prenn thành một vùng khám phá thuở ban sơ của loài người, với sơn động, núi thờ thần mặt trời; và khi vượt qua chín tầng trời, chín tầng mây sẽ gặp đồi xe duyên, đồi báo hiếu, đồi nghĩ về tổ tiên, đất mẹ...) và “Ngôi nhà Việt Nam” (làng du lịch qui tụ những tinh túy bản sắc kiến trúc, văn hóa dân gian, lễ hội... của ba vùng Bắc - Trung - Nam) bị gạt ra ngoài vì mơ mộng hão huyền...

Bây giờ đã 65 tuổi, kiến trúc sư họ Lữ vẫn cứ đeo bám những mơ mộng xa xăm của mình, cự tuyệt những lời mời vẽ nhà ở (mặc dù đã vẽ nhiều biệt thự, nhà phố khá đẹp) dễ kiếm tiền, để phiêu du về vùng Mã Đà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) để vẽ “Nhà nổi trên hoang đảo ngầm”, “Đền thờ tổ tiên Âu Lạc trên con thuyền” cho dự án khu du lịch sinh thái - văn hóa rộng cả ngàn hecta mang tên “Cầu treo bến nước” do Hàn Quốc và Công ty du lịch Phú Mỹ Hòa liên doanh đầu tư... Ở Lâm Đồng ông làm cái gì cũng dở dang, nên phần còn lại của cuộc đời ngắn ngủi phải đặt hi vọng ở xứ Đồng Nai hào phóng...

Lữ Trúc Phương thiết kế theo ý mình chứ không theo đơn đặt hàng, nên tác phẩm nào của ông cũng lênh đênh, trầm luân. “Mình nghĩ ra thế đấy, vẽ theo hướng đấy, ai thấy thích, chia sẻ thì nhận về triển khai, không thì thôi...”.

Năng lượng nỗi buồn


Lữ Trúc Phương có một sức mạnh kỳ lạ, vì cuộc đời đơn độc của ông là một chuỗi dài của bi kịch: dở dang và bị tẩy chay. Khi ông muốn đưa yếu tố nghệ thuật của mình vào những công trình phục vụ dân sinh thì bị cho là mơ hồ: “Cấp nước thì lo mà cấp nước, chứ nghệ thuật, văn hóa gì những chỗ này!”. Những cái chưa thành hình lẫn cái đã hoàn thành cũng thế, mặc dù chúng là sản phẩm của kiến trúc biểu hiện đầu tiên xuất hiện ở thành phố cao nguyên Đà Lạt và cũng là của cả VN.

“Ngôi nhà trăm mái” được giới kiến trúc lẫn du khách thập phương tán thưởng thì bị chính quyền sở tại thẳng tay xóa sổ (vì cái tội chưa đủ giấy tờ hợp pháp và xây dựng trái phép). Có lẽ bi kịch là một thứ năng lượng của Lữ Trúc Phương, nên ông mới có thể gượng dậy để cố mà lao động, mà sáng tạo. Ở Đà Lạt, người ta dễ thấy vẻ “man man”, lập dị trên đường phố của ông, nhưng người ta không biết ông sống đạm bạc, nghèo mọn đến cỡ nào trong từng bữa ăn, lại còn không biết ông nợ nần hàng tỉ đồng cho những công trình lãng mạn bị người đời chê cười “thiếu thực tế” của mình.

Trước sau Lữ Trúc Phương vẫn cứ bền bỉ da diết với Đà Lạt. Ông yêu Đà Lạt nên từ bỏ Pnom Penh, Campuchia (học kiến trúc ở Campuchia thuộc Trường Mỹ thuật Đông Dương những năm 1950 và 1960, chuyên viên thiết kế công trình cho đại sứ Pháp ở nước này) và cả miền Tây bản quán (quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp) để tìm đến đây định cư suốt hơn 40 năm qua. Ông yêu Đà Lạt nên khi người ta chỉ chú tâm lo hạt bắp, khoai sắn thì ông đã nghĩ đến sản phẩm du lịch cho Đà Lạt.

Yêu Đà Lạt nên từ năm 1978 ông đã tháo sắt thép, lưới B40 của gia đình... để đi làm con gà chín cựa, bán cả xe máy để mua ximăng. Yêu Đà Lạt nên ông mới dám liều chết vay nợ để làm “ngôi nhà trăm mái”, “đường lên trăng”... Vì Đà Lạt nên suốt 10 năm qua, nhiều nhà đầu tư du lịch, văn hóa ở TP.HCM lẫn nhiều tỉnh thành khác tìm lên mời ông mang bản vẽ "nhà trăm mái", "đường lên trăng"... về xuôi thực hiện, họ Lữ vẫn từ chối.

Cũng vì Đà Lạt nên từ năm 1977 ông đã tự đứng ra qui hoạch để vùng núi đồi ở thung lũng Tình Yêu trở thành tổ hợp du lịch liên hoàn, tôn vinh thiên nhiên Đà Lạt. Người ta sẽ không ngờ được kẻ “man man” họ Lữ này từ những năm 1980 đã dành tâm nghĩ về qui hoạch Đà Lạt (năm 1992 ta mới triển khai được qui hoạch tổng thể lại đô thị Đà Lạt).

Lữ Trúc Phương đi trước sự vận động của đời sống, bằng những ý tưởng, những tác phẩm bị cho là “quái dị” của mình. Không biết có phải vì quá mơ mộng mà thiên hạ không thể (hay không muốn) thừa nhận ông. Mà cái gì không được thừa nhận thì làm sao có cơ hội được tôn vinh.

Ngay cả “biệt thự kỳ dị” của KTS Đặng Việt Nga (con của cố Tổng bí thư Trường Chinh) xuất hiện đã nhiều năm còn chưa được thừa nhận, chưa cấp phép xây dựng (dù chính quyền cho phép bán vé vào cổng tham quan, cho khai thác lưu trú, cho quảng cáo và in vào sách du lịch...). Dù thế nào thì Lữ Trúc Phương cũng được nhìn nhận bởi các “chiến hữu anh em” của mình. Người ta bảo rằng Đà Lạt có ba người khùng nổi tiếng mà ông là một, hai người còn lại là MPK và ĐVN.

NGUYỄN HÀNG TÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét