3 thg 6, 2018

Sâu muồng - món quà của núi rừng Trường Sơn

Ðến với núi rừng Trường Sơn thuộc huyện Đông Giang (Quảng Nam), bạn sẽ được thưởng thức các món chế biến từ sâu muồng (a’đhoọp chơ bhăn) - món ăn dân dã mà bất kỳ người Cơ Tu nào cũng ưa thích.

Sâu muồng đặc sản của người Cơ Tu


Người Cơ Tu có một món ăn rất đặc biệt đó là sâu muồng. Sâu muồng là loại sâu có màu xanh. Tháng Tư khi những cơn mưa giông đầu mùa đổ về tưới mát cho những cánh rừng muồng (Chơ bhăn) hai bên con suối đâm chồi nảy lộc thì có loài bướm đến đây đẻ trứng nở thành sâu ăn lá muồng non, sau đó sâu biến thành những con nhộng muồng thoát xác thành bướm bay đi...

Sâu muồng được đồng bào Cơ Tu chế biến thành món ăn đặc sản, đậm chất truyền thống của người dân miền núi. Sâu muồng (chỉ ăn lá muồng non) xuất hiện vào mùa Xuân, sâu có chiều dài khoảng 5cm, thân tròn, mềm, bụng màu trắng ngà, da dọc theo lưng có một vạch (lớn) màu xanh hay vàng kèm theo hai vạch đen nâu (nhỏ) nằm hai bên vạch mà vàng. Điều đặc biệt, sâu muồng không phủ trên mình lớp lông như các loài sâu khác nên không gây ngứa. Đây là một trong những lý do giải thích vì sao loài sâu này ăn được, trở thành đặc sản của đồng bào vùng cao. Sâu muồng còn gọi là “sâu xanh” do da của chúng đổi màu theo màu xanh lá cây để ngụy trang các loài chim, chuột ăn côn trùng. Với người Cơ Tu, từ lâu sâu muồng là một món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng.



Già Đinh Văn Bớt (74 tuổi, trú thôn Tà Lâu, xã Ba, huyện Đông Giang) cho hay, ngày xưa món z’rúa được làm từ sâu muồng rất có giá trị và thường được đồng bào Cơ Tu làm quà biếu nhau, nhất là trong mối quan hệ sui gia, bạn bè thân thiết. “Cùng với một số món ẩm thực truyền thống khác, z’rúa sâu muồng cũng trở thành tặng phẩm rất có giá trị của nhà gái dành cho nhà trai, nhằm gắn kết tình cảm hai bên gia đình. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn.

Độc đáo các món ăn từ sâu muồng

Các món ăn từ sâu muồng được chế biến khá đơn giản. Sâu bắt về, để chừng nửa buổi cho sâu tiêu hết phân trong ruột rồi rửa “nhẹ nhàng” qua cho sạch rồi được luộc chín bằng nước sôi, sau đó mới mang ra chế biến thành các món ăn phù hợp khẩu vị.

Sâu muồng xào: Để chế biến món ăn này, đồng bào phi dầu ăn với tỏi cho thơm, sau đó cho sâu vào xào, đảo nhẹ tay để tránh sâu bị giập nát. Nêm một chút muối và bột ngọt và tiêu rừng (amất) cho thơm. Khi xào để nhỏ lửa, thấy mình sâu săn lại là được. Sâu muồng xào, ăn mềm và hơi dai, có vị bùi, béo và ngọt rất đặc trưng. 


Lá sắn xào với sâu muồng: Cách chế biến món này cũng giống như món sâu muồng xào, trước hết là phi tỏi cho thơm, rồi trút sâu muồng vào xào cùng với gia vị. Sau đó cho tiếp lá sắn đã vò vào xào tiếp. Khi ngửi thấy mùi thơm ngạt ngào từ nồi bốc lên thì món xào đã chín. Dọn ra ăn với cơm gạo nương nóng dẻo thì rất đưa cơm.

Khi xào món này, người Cơ Tu thường bỏ vào nồi vài đọt non của cây thiên niên kiện (pvân) thì vị thơm ngon sẽ tăng lên nhiều lần và còn làm cơ thể khỏe mạnh. Bởi vậy, đây là món ăn quý và công phu được đồng bào làm để đãi bạn bè, khách quý hoặc làm quà tặng của những chàng rể muốn thể hiện tình cảm với bố mẹ vợ.

Nhộng sâu muồng: Nhộng sâu muồng là do những con sâu già lột xác hóa thành, nằm trong tán lá xanh. Nhộng có hình thoi, nhỏ hơn đầu đũa một chút, màu xanh ngọc thạch. Nhộng sâu muồng ngon nhất vẫn là nướng trên than hoa hoặc rang với dầu ăn. Nhộng sâu muồng nướng chín có màu vàng ươm, thơm như châu chấu nướng, vỏ ngoài giòn giòn, ăn ngậy, béo và bùi. Khi những cơn mưa giông đầu mùa đổ xuống, những con nhộng muồng thoát xác thành bướm bay đi để lại nỗi “tiếc ngẩn ngơ” cho những đệ tử “lưu linh”.


“Đồng bào Cơ Tu thường chế biến sâu muồng thành các món rang, xào hoặc làm món z’rúa (ủ chua trong thân cây tre, nứa) rất đặc trưng và bổ dưỡng. Bởi loài sâu này sau khi chín có mùi vị thơm ngon, ăn hơi giòn, béo nhưng không ngấy, được xem như liều thuốc quý chống lại các loại bệnh sốt rét của người vùng cao. Tuy nhiên, do thời tiết bất thường nên những năm gần đây sâu muồng xuất hiện ít dần, món ăn đặc sản này cũng ngày càng khan hiếm…” - Bà Bhríu Alươi (77 tuổi, trú tại thôn BhơơHồng 2, xã Sông Kôn, H. Đông Giang, T.Quảng Nam) cho hay.

Ngày nay, nhờ chủ trương quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất của người Cơ Tu ở miền Tây xứ Quảng đã khá dần lên, những nồi lá sắn xào với sâu muồng trong những giai đoạn khó khăn, thiếu thốn cũng đã lùi vào dĩ vãng. Tuy nhiên, trong bữa cơm của gia đình, người Cơ Tu vẫn thường nấu các món ăn từ “sâu muồng - lá sắn” để tưởng nhớ về những ngày “đói cơm lạt muối” trên dãy Trường Sơn. Và sâu muồng, nhộng sâu muồng vốn chỉ là món ăn dân dã của người Cơ Tu giờ đã trở thành đặc sản trên dãy Trường Sơn được nhiều thực khách ưa thích.

Tiên Sa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét