7 thg 6, 2018

Vẻ đẹp nguyên sơ ở con suối có hòn đá Chữ nổi tiếng đất võ



Suối Hố Giang tuyệt đẹp với những tảng đá nằm nối tiếp, chồng lên nhau và có những tảng dựng đứng như một tấm bia khổng lồ. Ở đây có hòn đá Chữ viết bằng chữ Chăm Pa cổ khá bí ẩn.

Từ đập Hố Giang (thôn Thành Sơn Tây, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) ở dưới chân núi, đi xe máy khoảng 1km đường dốc đá, vòng vèo là sẽ đến suối Hố Giang. Đập vào mắt du khách đầu tiên là hình ảnh một bức tranh sơn thủy hữu tình. Hố Giang nằm trong lòng núi có tên Mạch Vàng từ xa xưa. Tên Hố Giang là do người dân trong vùng phát âm “v” thành “d”, chứ tên thật là Hố Vang vì quanh năm mọi người nghe tiếng nước suối chảy.

Nằm giữa lòng suối Hố Giang có một hòn đá mà dân gian gọi là hòn đá Chữ. Hòn đá này chỉ lộ thiên vào mùa nước cạn, rộng khoảng 2m, dài hơn 3m, khắc đầy minh văn viết bằng chữ Chăm Pa cổ. Có tổng cộng 15 hàng chữ nhưng do bị nước xói mòn, rêu phủ đen nên rất khó nhận diện.

Quanh hòn đá Chữ còn vô số những dấu vết như bàn chân của một người và nhiều dấu vết, nhiều lỗ tròn trên bề mặt phiến đá. Người dân trong vùng giải thích đó là dấu chân và dấu gậy của người khổng lồ ngày xưa gánh đất, vật liệu đi xây kho báu.

Theo ông Đinh Bá Hòa (nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định), hòn đá Chữ ở suối Hố Giang chính là bia Thành Sơn, được người Pháp thống kê từ năm 1932 cùng với 18 văn bia Chăm Pa khác ở tỉnh Bình Định. Dựa vào đặc điểm nét chữ vuông (nét chữ Chăm tròn ra đời muộn hơn nét chữ vuông) trên hòn đá Chữ, các nhà khoa học cho rằng văn bia này được ghi từ thế kỷ XII.

Dựa vào những dấu tích của người Chăm Pa còn lưu lại trên những vùng núi hiểm trở của dải đất Bình Định, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết, vùng núi hiểm trở được Indravarman V chọn làm kinh đô sơ tán có thể là hai nơi đáng lưu ý. Một là, vùng núi Bà án ngữ phía Đông thành Đồ Bàn (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) nơi có Hòn Chuông nổi tiếng. Hai là, vùng Hố Giang nằm về phía Bắc kinh đô Đồ Bàn khoảng 70km, với rất nhiều đèo dốc hiểm trở. 

ĐÌNH PHÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét