20 thg 11, 2014

Gặp thầy cúng miền Tây Bắc

Cuối tháng 9, tôi theo hai người bạn đi thăm vài làng bản ở Tuyên Quang theo chương trình nghiên cứu những thầy then, thầy tào (*) và tranh thờ miền núi của họ.

Tác giả cùng thầy Thạch Đức Điện (phải), người Cao Lan 


Tác giả và ông Trương Văn Đàm nghiên cứu tranh thờ 

Huyện Hàm Yên cách thành phố Tuyên Quang hơn 30km, rừng xưa không còn nhiều, nhưng rừng trồng lại và tái sinh chen lẫn những khoảng đồi núi đang khai phá. Nhiều nơi đường giao thông liên xã và thôn đang được làm, đường đất ngổn ngang chen lẫn đường bêtông.

Bản sắc và tâm linh

Dấu ấn trước tiên là những làng bản người Tày rất đẹp với những nếp nhà sàn bám theo các thung lũng và triền núi. Lối kiến trúc nhà sàn người Tày nơi đây ảnh hưởng đến các sắc tộc xung quanh, nhà người Dao, người Cao Lan cũng ở theo lối nhà sàn như vậy.

Mặc dù khung nhà gỗ tương đối tốt, nhưng rất nhiều nhà hầu như không có tường vách, mà để thông thống bốn bề, chỉ có che chắn vài tấm liếp đơn sơ. Đây cũng là điều lạ.

Nếu trước đây ta đi tìm những thầy then, thầy tào tương đối khó khăn, ngày nay hầu hết họ đều kiêm nhiệm cán bộ thôn xã, hoặc từng trải qua như vậy, nên cứ đến trụ sở UBND là có thể hỏi được.

Dẫu vậy đi từ sáng đến 5g chiều chúng tôi mới lần được tới nhà ông Trương Văn Đàm, một cán bộ xã kiêm một thầy người Dao.

Trong cách giải thích của ông, những thầy được phép làm nghề tâm linh của người Dao có hai loại là thầy và đạo, đại khái như đảng và chính quyền, thầy thì nắm đường lối, đạo thì thực hiện. Có những khoa cúng cần đến thầy, có những khoa cúng cần đến đạo, ví dụ tang ma nhất thiết phải là đạo mới thực hiện được.

Cũng theo ông, thời chiến tranh và bao cấp những tín ngưỡng văn hóa này không được phép hoạt động.

Nhưng sau những năm 2000, nhất là sau cuộc gặp với tổng bí thư Nông Đức Mạnh, người nói những gì mê tín dị đoan nên loại bỏ, những gì thuộc về bản sắc văn hóa cần bảo tồn, phát huy thì từ năm 2003 trở lại đây, lễ cấp sắc của người Dao và những tín ngưỡng trong văn hóa căn bản của người Dao đã được những người như ông dần phục hồi.

Trên thực tế, những tín ngưỡng cổ xưa của người Dao chưa bao giờ mất đi, nó là phần hồn của một sắc tộc, nâng đỡ con người từ lúc chào đời đến khi về trời, không thể thiếu.

Người Dao, theo như nhiều nghiên cứu hiện nay thuộc tộc người có nhiều sách vở truyền thống nhất, ít nhất dưới ba dạng: sách tín ngưỡng, nghi lễ, sách thuốc và lịch pháp. Riêng trong nhà ông Đàm, tôi thống kê được 36 cuốn sách, trong đó có 10 cuốn sách gốc (bản chép tay cổ), còn lại đều là sách photo.

Tất cả đều được viết bằng chữ Hán và Nôm Dao, có thể đọc theo tiếng Hán Việt, tiếng Trung Quốc hiện đại và tiếng Dao, một vài cuốn ông Đàm đã phiên sang tiếng Dao (theo âm quốc ngữ).

Những sách vở của người Dao được truyền từ đời này sang đời khác, nhất là trong quá trình thiên di của họ từ miền nam Trung Quốc sang Việt Nam, theo nhiều đợt và nhiều đường. Nghi lễ, tri thức, tập tục của một tộc người đã được gìn giữ phần căn bản từ văn tự.

Phần quan trọng khác trong lễ cấp sắc và những nghi lễ khác của người Dao là tranh thờ. Người ta thường gọi là tranh thờ miền núi của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chỉ…

Cho đến nay cũng không ai phân biệt tranh thờ của từng dân tộc ra sao, vì trong quá khứ những tranh thờ của từng tộc người này ảnh hưởng nhau về mẫu mã, đến mức khó phân biệt, nhất là về lối vẽ dân gian, mặt khác có phần các sắc tộc đã thuê thợ vẽ miền xuôi vẽ, nên kết quả cũng tương đối giống nhau.

Có lẽ chỉ khác ở một vài loại tranh do nghi lễ khác nhau thôi. Trong một thời gian dài khoảng những năm 1960 đến nay, công tác sưu tầm văn hóa dân tộc, nạn buôn bán tranh thờ đã tàn phá hoàn toàn gia tài này của các sắc tộc.

Tất nhiên, một phần chúng được lưu giữ ở các bảo tàng, như bảo tàng Việt Bắc, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, phần khác trôi nổi trên thị trường, có mặt ở cả New York. Vào những năm 1990, một bức tranh thờ cũng đạt giá tới gần 1 triệu đồng, không kém gì tranh của họa sĩ, nhưng nếu mua của một gia đình dân tộc nào đó thì có thể mua cả mớ rất rẻ.

Tôi từng thấy cả khoản ước, bằng sắc cấp cho thầy cúng cũng được bán trên thị trường, điều này nói lên sự suy thoái nghiêm trọng ngay trong lòng xác tín nội tâm, vì đây là loại bằng sắc tâm linh, không mấy ai tự bỏ như vậy.

Ba thầy tào mà chúng tôi thăm viếng cũng có tranh thờ, nhưng chất lượng thấp, không kể nhiều bức tranh được in bằng photo màu hoặc ảnh màu, nghĩa là chỉ cần có một thứ đại khái giống như tranh thờ là được. Nhiều bức còn được ép platic y như ảnh truyền thần nông thôn. Giá trị thẩm mỹ giảm sút. 

Tranh mặt nạ của thầy Đàm 

Hai trang trong một cuốn sách của thầy Ụt 

Một bộ tranh thờ người Tày, của thầy Ụt 

Chấp nhận thất bại tâm hồn hơn là thất nghiệp

Theo như tôi biết, người Dao và người Mông là hai sắc tộc gìn giữ ngôn ngữ khá tốt trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhưng ở những bản làng tôi đến hiện nay, trẻ em không học tiếng mẹ đẻ trước, mà học tiếng Việt trước, vì chỉ thế chúng mới bắt kịp được việc học hành ở trường phổ thông.

Sau 5-6 tuổi, chúng mới học lại tiếng mẹ đẻ và kết quả là tiếng mẹ đẻ của chúng là hạn chế trong sinh hoạt thông thường, bị pha trộn tiếng Việt, tỉ lệ pha trộn ngày càng nhiều.

Tôi nghĩ đây là một sai lầm lớn về giáo dục, điều này cũng giống như nhiều đứa trẻ trên thế giới hiện nay nói tiếng Anh trước tiếng mẹ đẻ, chúng nhanh chóng trở thành công dân quốc tế và là người lai đối với văn hóa dân tộc.

Ngược lại, điều này lại là hoàn toàn đúng xét dưới góc độ dễ kiếm việc làm và thành công chức văn phòng cho các hãng lớn. Trong hoàn cảnh sống hiện tại, vô hình trung người ta chấp nhận sự thất bại về tâm hồn hơn là thất nghiệp. Tiến xa hơn, một bộ phận người Mông cho con em học luôn tiếng Anh và bỏ qua tiếng Việt.

Tiếng Dao là một thứ tiếng dùng chữ Hán làm văn tự và có thể đọc theo âm Dao, còn có cả Nôm Dao, nên thực chất ngôn ngữ này phong phú không kém gì tiếng Việt, trong khi đó rất nhiều các thứ ngôn ngữ sắc tộc khác chỉ dừng lại ở hơn 3.000 từ căn bản cho đời sống.

Song trong quá trình sinh sống và tín ngưỡng, những ngôn ngữ sắc tộc tách rõ làm hai phần, một phần chỉ phổ biến trong nghi lễ tín ngưỡng, một phần dùng thông thường trong sinh hoạt. Phần ngôn ngữ tâm linh chết dần theo tín ngưỡng và các thầy tâm linh.

Thầy Đàm giới thiệu cho chúng tôi đến một thầy khác người Cao Lan, mà theo ông thuộc loại rất “cao tay”. Ông tên là Thạch Đức Điện sống gần ngay UBND xã Thành Long. Khi chúng tôi đến căn nhà sàn nhỏ đẹp sạch sẽ của ông thì chỉ gặp mỗi bà vợ.

Bà cụ ngoài 60 tuổi nhưng vẫn còn xinh đẹp, nhanh nhẹn. Bà rút ngay điện thoại di động triệu ông chồng về. Trong khi chờ đợi bà nói với tôi chuyện ngôn ngữ Cao Lan gần với tiếng Tày, Nùng hơn là tiếng Dao.

Ông Điện, ngoài 80 tuổi, là người rất niềm nở vui tính. Ông rút cho tôi xem một bản tự thuật tiểu sử tiếng Hán, viết bằng một lối văn rất sinh động, ông miêu tả mình thuở sơ sinh đầu chưa mọc tóc, mồm chưa mọc răng, 17 tuổi theo học làm thầy, 24 tuổi lấy vợ xinh đẹp và vợ chồng ông như một đôi uyên ương.

Qua những dòng này tôi phát hiện ra bà vợ trong tiểu sử không phải là bà hiện tại, cả hai cười và nói sau khi bà đầu chết, bà vợ sau thương ông ấy là ông thầy nên lấy. Họ đều có con riêng, và một cô con gái chung hiện đang học cao học ở Hà Nội.

Sau đó ông đọc lại cho tôi nghe bản tiểu sử bằng tiếng Cao Lan giọng rất diễn cảm và thiêng liêng như trong buổi tế lễ. Phần thử thách đã xong, ông lấy tất cả sách và tranh cho chúng tôi xem. Bộ tranh của ông cũng không xa xưa lắm, nhưng cũng được vẽ theo mẫu tốt.

Hóa ra sách khấn Cao Lan rất phức tạp, thậm chí cho riêng từng người.

Đi thêm vài xã nữa chúng tôi đến thầy Sầm Văn Ụt, người Tày ở xã Minh Hương khi ông đang xem ngày giờ tốt cho một gia đình. Sách của thầy Ụt rất cổ và nguyên bản, khi dùng hành lễ, xem giờ ông bấu giở theo lối cổ (người ta gọi là bấu Kinh) nên nhiều trang đầu bị rách.

Ông cũng rất vui vẻ nói chuyện với tôi và cho xem thêm vài cuốn khác cũng cổ kính chép tay như vậy, và cho biết sách này đã được dùng bảy đời, tức khoảng 200 năm. Tôi cũng nghĩ là như vậy.

Ông để tranh thờ trong một cái cặp bằng tre và dây mây - một bộ tranh thờ được vẽ cẩn thận, tuy chỉ là vài chục năm nay, được quét dầu bóng và bồi trên bìa dày, rất chuyên nghiệp.

Có thể nói chuyến đi này là một cơ hội của người nghiên cứu. Những người thầy xưa của các sắc tộc cởi lòng nói chuyện và tất cả đều hẹn tôi ngày quay lại. Bản sắc văn hóa của những sắc tộc ít người này nằm ở nhà, ở ngôn ngữ và y phục.

Nhưng cả ba thứ này hiện đang bị phá hủy, thay đổi nghiêm trọng và có lẽ trong một tương lai không xa nhiều sắc tộc biến mất và trở thành một thứ người Việt nói chung. Đó là một hiện thực mà tôi đã thấy ở nhiều nơi với người Tày, người Nùng, người Mường, người Dao… họ hoàn toàn chỉ là người dân tộc trong lý lịch.

Ở mặt khác là một số thanh niên người Việt, người Hoa, người Hàn, người Mã Lai… đang trở thành người phương Tây theo một cách khác. Không biết người ta nghĩ gì, nhưng đối với tôi đó là nỗi buồn không thể tưởng tượng được. 
________

(*): Thầy cúng của các dân tộc miền núi phía Bắc. Trong đó thầy tào là khái niệm của người Dao, thầy then là của dân tộc Tày, Nùng. Thầy mo là của người Mường (then và mo đều có nghĩa là trời). Ba loại thầy này không phân cao thấp, vì hoàn toàn của ba dân tộc khác nhau. Tín ngưỡng của người Dao, người Tày, Nùng, người Cao Lan, Sán Chỉ... chịu ảnh hưởng của Đạo giáo từ Trung Quốc, sau có pha trộn đạo Phật chút ít và tất nhiên mang màu sắc dân tộc và địa phương. Trong quá trình tín ngưỡng, các sắc tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chỉ... có ảnh hưởng lẫn nhau và đôi khi, gọi là thầy cúng, thầy then, thầy tào, ông thầy, bà thầy, thậm chí gọi là thầy mo người ta cũng chấp nhận.
PHAN CẨM THƯỢNG 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét