13 thg 6, 2014

Bà Đen

Đi núi Bà Đen ở Tây Ninh là đi du lịch sinh thái, du lịch leo núi. Nhưng núi Bà Đen thu hút nhiều khách du lịch không phải là du lịch sinh thái mà là du lịch tâm linh: đi chùa trên núi Bà Đen, hay là đi chùa Bà Đen. Lễ hội chùa núi Bà Đen đã được Tổng cục Du lịch xác nhận là một trong ba lễ hội tín ngưỡng thu hút đông khách nhất Việt Nam (2 lễ hội còn lại là lễ hội Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc và lễ hội chùa Bà ở Bình Dương).

Trên núi Bà Đen có nhiều chùa, nhưng ngôi chùa chính được gọi là chùa Bà Đen là ngôi chùa có tên chính thức là Linh Sơn Tiên Thạch (còn gọi là chùa Thượng). Giống như miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc hay chùa Bà Bình Dương, người ta đến viếng chùa đông vì tin vào sự linh thiêng của chùa.

Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (Chùa Bà Đen). Ảnh: Võ văn Tường

Có lẽ bạn sẽ khá ngạc nhiên nếu biết rằng nhiều người dân Sài Gòn đi viếng chùa Bà Đen không phải ở Tây Ninh, mà là ở ngay tại Sài Gòn, tại số 45 Trương Định, quận 1. Vậy sao? Vậy đó là chi nhánh của chùa Bà Đen tây Ninh tại Sài Gòn à? Không phải! Chẳng những không phải mà giữa 2 ngôi chùa chả có gì liên quan với nhau ráo trọi!

Chùa Bà Đen ở 45 Trương Định là một ngôi chùa... Ấn Độ giáo, có tên chính thức là Đền Bà Mariamman, được xây dựng cách đây hơn trăm năm. Ngôi đền hiện nay được xây dựng lại năm 1958-1960 do một Ấn kiều của hội Ấn kiều hoạt động tại khu vực chợ Bến Thành.

Đền Bà Mariamman. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

Kiến trúc trên nóc tháp đền Bà Mariamman. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

Mariamman là thần Mưa trong Ấn độ giáo. Theo tín ngưỡng của người Ấn, thì đây là vị thần của mùa màng bội thu, đất đai màu mỡ, sức khỏe dồi dào, hôn nhân suôn sẻ, con cháu đông vui... Kiến trúc của ngôi đền mang đậm nét Ấn Độ giáo. Hiện nay đây là ngôi đền Ấn độ giáo cổ xưa nhất tại TPHCM và thường xuyên được đông đảo người Ấn đến cúng bái.


Thế nhưng không chỉ người Ấn theo Ấn giáo đến cúng bái ở đây, mà có rất đông người Việt theo Phật giáo, Công giáo hoặc không theo đạo nào cả đến đây thành tâm cúng bái. Trong bài Tản mạn về người Sài Gòn, đăng trên tạp chí Xưa và Nay, nhà văn Sơn Nam viết rằng: vì trùng tên gọi, nên đồng bào Sài Gòn xem chùa Bà Đen ở Sài Gòn là kiểu "hộp thư" để đệ đạt nguyện vọng nguyện vọng đến Bà ở tây Ninh, vì đi Tây Ninh thì xa xôi, tốn kém. Chùa Bà Đen Ấn Độ đường Trương Định tấp nập lạ thường vì lý do ấy.

Bàn thờ Bà Mariamman trong chánh điện. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

Sơn Nam còn viết thêm: Nếu bà nội ngày xưa đã đi thì sau này con cháu tiếp tục đi khấn vái, như là báo hiếu.

Vậy là hai bên chẳng liên quan gì với nhau cả. Một đàng thì là chùa Phật giáo, đàng này là đền Ấn Độ giáo. Một đàng thì là người Việt (theo truyền thuyết, Bà Đen là một thiếu nữ Việt tên Lý thị Thiên Hương), đàng này là nữ thần Ấn giáo. Có hề chi! Miễn có chỗ giống nhau là Bà và Đen là được rồi! (Nhìn tượng Bà Mariammatrong hình thì thấy đúng là... đen!). 

Hai bên khác nhau như vậy thì nghi thức cúng bái có khác nhau không? Khác chứ sao không!

Khác nhau như vậy làm sao người Việt biết cách cúng bái? Dễ thôi mà, người này chỉ người kia. Các bạn đọc lời chỉ dẫn này là biết ngay (trích từ 1 comment trả lời trên webtretho):

Ở trước cổng chùa có mấy người bán đồ cúng đó bạn, bạn cứ nói với họ là muốn mua đồ lễ bà, họ sẽ bán cho bạn 1 set đồ cúng có sẵn bao gồm nhang, dừa, dầu để thắp, hoa và những thì gì gì khác, nói chung là đồ cúng lễ theo đúng phong tục của chùa đó, 1 set như vậy hình như 80k (giá năm ngoái), mua xong bạn mang vô trong chính điện có mấy người họ trông coi ở đó, bạn đưa đồ lễ cho họ, họ sẽ hướng dẫn tiếp cho bạn phải cúng như thế nào, để đồ lễ ở đâu...đại khái thế.

Câu chuyện này nói lên một đặc điểm trong tính cách của người Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung, đó là tính dễ dãi, phóng khoáng, ngay cả trong lĩnh vực tâm linh. Tôn giáo nào cũng được, thánh thần chi cũng được, cứ tin và cứ cúng. Có lòng thành ắt sẽ được chứng giám mà! Đây cũng là một tính cách đáng yêu, phải không bạn?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét