Trước đây, muốn đến lăng phải qua đò nên nhiều khách du lịch thường bỏ qua điểm tham quan này. Hiện nay, đường đến lăng Gia Long rất thuận tiện do có cầu phao, không phải qua đò, xe máy đi một mạch đến nơi.
Có hai cách đi đến lăng Gia Long. Có thể thuê thuyền đi đường sông bắt đầu từ trung tâm thành phố. Theo cách này có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp của sông Hương và sông Tả Trạch. Tuy nhiên, khi cập bến đò phải đi bộ khoảng 2km mới đến khu vực lăng. Cách thứ hai là đi xe máy đến tận nơi. Xe ôm từ trung tâm thành phố Huế đến lăng với giá khoảng 150.000đ/lượt đi-về.
Có hai cách đi đến lăng Gia Long. Có thể thuê thuyền đi đường sông bắt đầu từ trung tâm thành phố. Theo cách này có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp của sông Hương và sông Tả Trạch. Tuy nhiên, khi cập bến đò phải đi bộ khoảng 2km mới đến khu vực lăng. Cách thứ hai là đi xe máy đến tận nơi. Xe ôm từ trung tâm thành phố Huế đến lăng với giá khoảng 150.000đ/lượt đi-về.
Cầu phao
Bậc cấp lên điện Minh Thành
Chúng tôi đi theo đoàn (xe ô tô) theo đường Lê Lợi, rẽ qua Điện Biên Phủ, qua cầu Tuần, đi đường Minh Mạng khoảng 6km đến cầu phao. Tại đây chúng tôi thuê xe máy với giá 100.000đ/xe để qua cầu phao đi đến lăng (ô tô không qua cầu được). Con đường làng dẫn vào lăng rất nên thơ, bình yên. Đi khoảng 4km, đến một ngã ba có tấm bia, rẽ trái đi thêm 1km nữa, thấy rừng thông trùng điệp, đồi nối tiếp đồi và hai trụ biểu thật cao nổi lên trên nền trời là vào khu vực lăng.
Điện Minh Thành
Theo các tài liệu, lăng Gia Long còn gọi là Thiên Thọ lăng là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến. Toàn bộ khu lăng là một quần sơn với 42 ngọn đồi, núi lớn nhỏ trong đó trong tâm là khu lăng mộ vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (Hoàng hậu thứ nhất). Tất cả đều được quy hoạch trong khu vực quan phòng rộng hơn 28 km2, tạo thành một cảnh quan hùng tráng chạy dài từ chân dãy Trường Sơn đến bờ Tả Trạch - một hợp lưu của Hương Giang. Đích thân vua Gia Long đã thám sát, duyệt định vị trí, quy hoạch và chỉ đạo công tác thiết kế cũng như giám sát tiến độ thi công. Cũng theo Sử sách, thầy Địa lý Lê Duy Thanh (con trai nhà bác học Lê Quý Đôn) là người tìm được thế đất này, nơi mà theo ông “đã tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh”, và theo L. Cadière, “ảnh hưởng tốt lành sẽ còn mãi mãi trong suốt 10 ngàn năm”.
Bên trong điện Minh Thành
Chúng tôi bắt đầu tham quan từ điện Minh Thành là nơi thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất. Nghe rằng, ngày trước nơi đây thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của vua Gia Long như cân đai, mũ, yên ngựa…, nhưng hiện tại chỉ có bàn thờ và lư hương đơn sơ.
Sau đó chúng tôi qua bên khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Qua khỏi sân chầu với các hàng tượng đá uy nghiêm và 7 cấp sân tế là Bửu Thành. Bên trong Bửu Thành có hai ngôi mộ đá, dạng thạch thất, được song táng theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức” - một hình ảnh đẹp của hạnh phúc và thủy chung.
Bên trái lăng mộ là Bi Đình, có một tấm bia lớn ghi bài văn bia “Thánh đức thần công” của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha, được chạm khắc tinh tế và sắc sảo.
Ngoài ra còn một nơi có thể tham quan là lăng Thiên Thọ Hữu, nơi chôn cất và thờ bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, mẹ vua Minh Mạng. Nơi này cũ kỹ, đã xuống cấp nhiều.
Từ khu lăng mộ nhìn xuống
Lăng Gia Long không hoành tráng, không cầu kỳ và đẹp bằng lăng Minh Mạng, Khải Định, Tự Đức.. nhưng nét đẹp ở đây là cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng với rừng thông xanh bao bọc chung quanh, hồ nước êm ả, bãi cỏ chạy dài xanh mướt, những con bò thong thả gặm cỏ tạo nên một bức tranh đẹp và bình yên; vị trí lăng mộ có thế núi trước mặt, kiến trúc lăng đơn giản nhưng toát ra vẻ uy nghiêm, khiến khách cảm nhận được cuộc đời bôn ba của vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, thành cũng nhiều mà bại cũng không ít và để lại cho đời sau khá nhiều tranh cãi.
Trên đường về, chúng tôi ghé Lăng Thiệu Trị, cũng là một lăng đẹp, đến để cảm nhận sự tàn phá của thời gian và sự vĩnh cửu của những tác phẩm chạm trổ bởi bàn tay tài hoa của người thợ xưa.
BÌNH AN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét