1 thg 6, 2014

Địa danh Thủ Dầu Một

Thủ Dầu Một đầu tiên là địa danh vùng, rồi là địa danh chỉ các đơn vị hành chính các cấp: hạt Thủ Dầu Một (1869), tỉnh Thủ Dầu Một (1899), thị xã Thủ Dầu Một (1975), thành phố Thủ Dầu Một (2002) của tỉnh Bình Dương.

Chợ Thủ Dầu Một đầu thế kỷ XX

Trước nay có 3 cách giải thích về nguồn gốc địa danh này. Thuyết thứ nhất cho rằng, địa danh Thủ Dầu Một có nguồn gốc từ tiếng Khmer “Thun Đoón Bôth” có nghĩa là “gò có đỉnh cao nhất”[1]

Vương Hồng Sển đã bác bỏ giả thiết trên khi cho rằng:”Chữ “đoán” không đúng giọng Thổ, phải nói “doeum” có nghĩa là cây. Bôth,  theo từ điển, pannetier viết doeum pou là “banian” tức cây lâm vồ, cây bồ đề, nơi Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, và người Miên trọng nể cây lâm vồ lắm. Thul là gò”[2]

Thuyết thứ hai giải thích địa danh Thủ Dầu Một là địa danh thuần Việt, được ghép theo phương thức: thủ (đồn, trạm) + tên thực vật + số từ [3].

Trong Gia Định thành thông chí (1820) đã thấy ghi nhận về địa danh Dầu Một như sau:”Nay Lý (Lý Tài-NTL chú) được tin thật bèn sai 4 thuộc tướng là Tân, Hổ, Hiền, Nam đem cả bổn bộ binh mã thẳng xuống Bến Nghé để bái nghinh Mục vương về đồn Dầu Miệt (Một)” [4]. Trong Đại Nam nhất thống chí cũng có chép về địa danh này:”Chợ Phú Cường ở thôn Phú Cường, huyện Bình An, tục danh chợ Dầu Một ở bên lỵ sở huyện, xe cộ ghe thuyền tấp nập đông đảo[5]. Như vậy, địa danh Dầu Một đã tồn tại trước địa danh Thủ Dầu Một.

L. De Grammont, sĩ quan quân đội Pháp, từng chỉ huy đồn binh Thủ Dầu Một những năm 1861, 1862 đã có những ghi chép về chợ Phú Cường hay chợ Thủ Dầu Một, đoạn bến sông Sài Gòn:”...Những thân cây dầu trần và rất cao tạo thành vòng đai của cảng. Dưới chân chúng, một cây đa đã có hơn trăm tuổi đứng hùng vĩ như hình ảnh kẻ vươn tay che chở bảo vệ vùng đất này”.[6]

Tác giả Sơn Nam cho biết, ở địa điểm chợ Thủ Dầu Một ngày nay, trước kia là một bến xe trâu, thuận lợi để tắm trâu và rửa xe. Nơi đây có quán trà Huế, quán cơm, dần dần thành chợ. Chỗ mé sông (ngang dinh chủ tỉnh)[7] có một cây dầu lớn, trốc gốc sau cơn bão (bão năm Giáp Thìn 1904-NTL), ngọn cây gây cản trở giao thông tận giữa lòng sông. Người Pháp phải huy động dân phu để giải tỏa, gốc to “đôi ba người ôm”.[8]

Hiện nay, trong khuôn viên của Tỉnh ủy Bình Dương và Trường Sĩ quan Công binh (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một) cũng còn một số cây dầu. Hay như đoạn đường Bạch Đằng, chỗ gần Trường Trung học Mỹ thuật Bình Dương trước đây có một số cây dầu bị đốn hạ khi mở rộng con đường này.

Ở ngã ba đường Nguyễn Tri Phương - Bùi Quốc Khánh, thuộc phường Chánh Nghĩa hiện vẫn còn cây dầu đôi với tên gọi đã trở thành địa danh Dầu Đôi.[9] Theo ông Chín Bé (77 tuổi, cư ngụ tại khu 9, phường Chánh Nghĩa) cây dầu này do ông Năm Phe trồng cách nay trên 60 năm. Xưa vùng đất này thuộc làng Phú Cường, quận Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một. Con đường này trước có tên là đường Bà Lụa. Hai bên đường có nhiều cây dầu, năm 1946 chúng bị chặt ngã ngang đường để ngăn bước tiến của quân Pháp. Trước đây, ở gần cầu Thủ Ngữ có trại đóng ghe của ông Út Gần và ông Năm Chọn, chuyên đóng ghe chài, sử dụng dầu rái từ thân cây dầu. Đến năm 1946 hai trại ghe này bị Pháp đóng cửa.

Theo Đại Nam nhất thống chí, trên địa bàn tỉnh Biên Hòa còn có nhiều thủ như: Bình Lợi, Định Quán, Phước Vĩnh, Long An, Phước Khánh.[10] Ở địa bàn tổng Bình An có 4 thủ chính: Thủ Thiêm, Thủ Đức, Thủ Dầu Một, Thủ Băng Bột[11]; trong đó quan trọng nhất là Thủ Dầu Một.[12]

Cách cấu tạo địa danh Dầu Một này cũng tương tự như các địa danh: Xoài Đôi (Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh), Xoài Đôi, Quéo Ba (Long An), Tràm Một, Xoài Tư (Tiền Giang)…

Như vậy, địa danh Thủ Dầu Một có thể hiểu là “cây dầu lớn/cả (duy nhất), mọc vượt lên trên, nằm bên cạnh đồn/thủ”.

Người Hoa gọi địa đanh Thủ Dầu Một là Cổ Long Mộc. Dầu rái gọi là mãnh hỏa du, còn gọi là dầu chai dùng để trét thuyền, nhúm lửa, trét thùng cây.[13]

Đây là cách giải thích được đa số ý kiến các nhà nghiên cứu chấp nhận nhất.

Và thuyết thứ ba cho rằng địa danh Dầu Một là do Dầu Miệt (vùng có cây dầu) mà ra. Nếu chữ miệt có nghĩa là “vùng”, thì kiểu kết hợp trong địa danh Dầu Một/Miệt là không phù hợp. Ví dụ, phải nói là miệt vườn, miệt giồng, miệt biển, miệt trên, miệt dưới, miệt thứ, miệt U Minh, miệt Đồng Tháp...chứ không nói theo thứ tự ngược lại.[14]

Thủ Dầu Một ngày nay

Nguyễn Thành Lợi
 ____________



[1] Lê Văn Đức, Việt Nam tự điển, tập 2, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, tr.236.
  Trong bài Thủ Dầu Một-Bình Dương, tên đất, tên làng (Văn nghệ Bình Dương, số 5, 1998), Trương Chi ghi là”Tuln Phombôt” với nghĩa là “đỉnh đồi cao nhất”.
  Lê Trung Hoa, Nguồn gốc và ý nghĩa một số địa danh ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam những vấn đề kinh tế-văn hóa-xã hội, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr.282.
  Sách Bình Dương miền đất anh hùng (Nhiều tác giả, Nxb Trẻ-Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương, 2006, tr.17) chép là “Thun Đoán Bôth” với nghĩa là “gò có đỉnh cao nhất”

[2] Vương Hồng Sển, Sđd, tr.645.

[3] Bùi Đức Tịnh, Sđd, tr.66; Lê Trung Hoa, Bđd, tr.282; Bình Dương miền đất anh hùng, Sđd, tr.17.

[4] Trịnh Hoài Đức, Sđd, tr.53. Chú thích ở cuối trang, Lý Việt Dũng ghi về địa danh này:”Tức Thủ Dầu Một, nay là thị xã tỉnh lỵ Bình Dương”. Bản dịch của Nguyễn Tạo ghi là “đồn Dầu Một” (Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Tập thượng, Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa xb, Sài Gòn, 1972, tr.52). Và bản dịch của Viện Sử học cũng ghi là “đồn Dầu Một” và chú thích thêm:”Đồn Dầu Một, cũng gọi là thủ Dầu Một. Về sau đến đời Pháp thuộc thì có tên tỉnh Thủ Dầu Một” (Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch; Đào Duy Anh hiệu đính và chú thích, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.40)

[5] Đại Nam nhất thống chí-Lục tỉnh Nam Việt, Tập thượng, Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa xb, Sài Gòn, 1973, tr.35.

[6] Huỳnh Ngọc Đáng, Phú Cường lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng, Sông Bé, 1990, tr.20.

[7] Nay là địa điểm của trụ sở Ủy ban Nhân dân và Tỉnh ủy Bình Dương, trên đường Bạch Đằng, nhìn ra sông Sài Gòn, thuộc phường Phú  Cường, thị xã Thủ Dầu Một.

[8] Trần Bạch Đằng (chủ biên), Địa chí tỉnh Sông Bé, Sđd, tr.337.

[9] Ở ngã ba Thành (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), sát quốc lộ 1A hiện nay vẫn còn cây “Dầu Đôi” mấy trăm tuổi, được xem như chứng tích xưa của xứ “Trầm Hương”. Cây dầu cao trên 30m, nằm bên cạnh miếu Trịnh Phong.

[10] Trần Bạch Đằng (chủ biên), Địa chí tỉnh Sông Bé, Sđd, tr.148.

[11] Tức thủ An Lợi hay thủ Thị Tính (Trần Bạch Đằng (chủ biên), Địa chí Sông Bé, Sđd, tr.187).

[12] Trần Bạch Đằng (chủ biên), Địa chí Sông Bé, Sđd, tr.163.

[13] Trịnh Hoài Đức, Sđd, tr.337, 271. Trong sách này, Lý Việt Dũng chú là:”Dầu Miệt: Thủ Dầu Một, nay là tỉnh lỵ Bình Dương, còn được người Hoa đọc là Cổ Long Mộc (NTL nhấn mạnh)”(tr.337). Nhưng trong mục từ “Thủ” của một cuốn từ điển, địa danh Thủ Dầu Một được phiên âm thành “Thổ Long Mộc” (Việt Hán từ điển tối tân, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1990, tr.821). Và chúng cũng thấy cách phiên âm này phổ biến trên thực tế hơn.

[14] Miệt Trên (Biên Hòa, Gia Định, Bà Rịa, Tân An), miệt Cao Lãnh, miệt Đồng Tháp Mười, miệt Dưới (Rạch Giá, Cà Mau), miệt Xà Tón, Bảy Núi (Thất Sơn, Tri Tôn thuộc Châu Đốc), miệt Hai Huyện (Chợ Thủ, Ông Chưởng), miệt Vườn (vùng cao ráo, vườn cây ven sông Tiền, sông Hậu thuộc các tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ) (Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long hay là văn minh miệt vườn, An Tiêm xb, Sài Gòn, 1970, tr.16-17).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét