17 thg 1, 2013

Những ngôi nhà dài hơn một tiếng chiêng ngân


Một ngôi nhà dài ở Tây nguyên. Ảnh: Lê Nam.

Ở vùng đất Tây Nguyên, tiếng chiêng là mối liên kết linh thiêng giữa con người với thần linh, với núi rừng. Mỗi người đều được nghe tiếng chiêng đầu đời trong lễ thổi tai để nhận biết bộ tộc, và rồi từng hồi chiêng giòn giã ngân vang trong lễ bỏ mả giúp cho linh hồn người chết nhận ra tiếng nói bộ tộc khi bước vào thế giới thần linh.

Nếp sống cộng đồng là tính chất cơ bản của con người Tây Nguyên, không chỉ thể hiện nơi cấu trúc mẫu hệ và tập tục hôn nhân nối nòi mà cả trong những ngôi nhà “dài hơn một tiếng chiêng ngân”.


Cho tới đầu những năm 1970, nhà dài vẫn còn là biểu tượng của lối sống cộng đồng cư dân Tây Nguyên. Hơn nữa, đó là di tích của nếp sống nhà-thuyền vốn là nét chung của những con người thoát ly khỏi vườn địa đàng vào thời hải xâm nhận chìm các vùng biển cạn ở Đông Nam Á.

Mỗi buôn gồm từ 5-7 nhà dài, có khi đến hơn 10 cái ứng với con số gia tộc tại đó. Mỗi ngôi nhà thường dài 60-80 mét, có khi đến hơn trăm mét tùy vào số người sống chung trong đó, bao gồm gia đình bà chủ nhà và gia đình các chị em gái cùng các đứa trẻ. Các anh em trai của bà chủ sẽ đến ở trong các ngôi nhà dài khác của bên vợ và rồi mãi mãi nối nòi tại đó.

Mỗi ngôi nhà dài gồm ba phần riêng biệt bao hàm ý nghĩa nhân sinh. Phần giữa là lòng con thuyền - nơi ở chung của mọi người đang sống; phần mái là cánh buồm - nơi ngự của thần linh tức hồn những người đã khuất; và phần sàn hay hạ giới để chỉ địa đàng nơi khai sinh thủy tổ loài người nay không còn nữa.

Trải qua hàng ngàn năm cấu trúc nhà-thuyền đã biến đổi chỗ này chỗ khác. Nhưng trong các ngôi nhà dài người ta vẫn giữ được thói quen lên xuống ở hai đầu thuyền, cột treo lưới và dây dọi đặt trước mũi nhà, những bức tranh thêu hình trăng non, những con vật vẫn được nuôi chung dưới sàn như thể ở trong lòng thuyền, và nhất là nghi lễ đâm trâu để nhờ con vật vốn đi lại trong nước dẫn dắt linh hồn kẻ chết về với người sống.

Bước lên đầu cầu thang cửa chính là một căn phòng trang trọng gọi là gal làm chỗ hội họp tiếp khách, nơi cất giữ chiêng trống cùng các ché rượu và là chỗ ngủ của các cậu trai chưa vợ. Phía trong cửa gal là một dãy các buồng ngăn chia lớn nhỏ gọi chung là ôk dùng làm chỗ ở cho các gia đình: Bắt đầu là căn phòng của bà chủ gọi là khoa sang, tiếp theo là của người con gái sau này sẽ thay mẹ coi sóc gia tộc, rồi mới đến gia đình các chị em chủ nhà.

Bên trong mỗi ngôi nhà dài là một thế giới gia tộc mẫu hệ, nơi đó các chị em họp bàn nương rẫy hay việc trọng đại, những người chồng ở rể lo dạy lũ trẻ sử thi, pháp ca, lễ nghi cùng kỹ thuật sử dụng nhạc khí. Lần đầu tôi được sống trọn vẹn trong một ngôi nhà dài ở Buôn Hồ cách nay 40 năm nhân chuyến du khảo miền Tây Nguyên và nghiên cứu luật tục của người Ê Đê.

***

Qua khỏi bán đảo Cam Ranh, chiếc Dakota bỗng rung mạnh, gia tăng độ cao, rồi đảo về phía Tây vượt qua ngọn núi Phụng Hoàng nơi cửa ngõ tiến vào thảo nguyên M’Đrắc. Làn nắng sớm như những sợi tơ vàng chải nghiêng trên đầu ngọn cây, nhưng tiếng máy bay đã làm núi rừng Tây Nguyên thức dậy. Những đoàn ngựa nhanh chân phi nước đại băng qua động tranh, mấy con nai ngơ ngác chạy trốn bên dưới tán cây gần suối, trong khi bầy voi rừng vẫn chậm rãi nhổ từng nắm cỏ non cho vào miệng, nghiêng đầu nhìn lên, đưa vòi chỉ chỏ như thể bực mình, thách thức.

Ở trên tầm cao này, thảo nguyên M’Đrắc nối tiếp thảo nguyên, kéo dài như thể vô tận về phía trời Tây. Ở phía Bắc, những ngọn núi lửa mọc lên bên dòng Srê Pôk như các đồn lũy, mờ mờ, ảo ảo, để lại dấu tích xưa cũ của khu thành cổ H’Leo. Ở chân trời phía Nam, cánh đồng thảo nguyên dừng lại đâu đó dưới chân cao nguyên Lang Biang và rặng Yang Sin, nơi tương truyền có hang Ađrêch xuất thân thủy tổ của các tộc người.

Mặt trời cao nguyên mọc lên rất nhanh và chẳng mấy chốc hiện rõ ngọn suối Êa Đê - tên gọi xuất xứ các bộ tộc Ê Đê. Rồi hàng chục, hàng trăm ngọn suối khác đổ về phía Đông, phía Nam, hợp lưu vào dòng sông cái Krông Ana chảy về phía Tây, vượt thác Drây Ling đổ về sông mẹ Mêkông.

Khi máy bay đáp xuống phi trường thì bác sĩ Y Kreck Knul đã chờ ở đó. Chúng tôi lên chiếc jeep Willis trở lại thành phố Buôn Ma Thuột, rồi theo quốc lộ 14 đi về phía Bắc để đến Buôn Hồ nơi sinh tụ lâu đời của người dân tộc vùng Tây Nguyên. Vượt qua mấy đồn điền cà phê, xe bắt đầu chạy giữa những cánh rừng tre vàng ngút ngàn, rồi đột ngột chui vào dưới rừng nguyên sinh Đạt Lý cho tới khi bầu trời xuất hiện trở lại trên đỉnh đèo Buôn Kuăng.

Chúng tôi dừng lại một lát để ngắm nhìn thung lũng Hà Lan đúng lúc biển sương vừa tan, kỳ ảo, thần tiên, thơ mộng. Nơi đây đầu những năm 1950 vẫn còn là một cánh rừng lan hàng chục cây số, mọc bám lên cây cổ thụ với vô vàn cánh hoa xanh biếc trong mùa đông, trở thành màu vàng sặc sỡ, tím nhạt hay đỏ thẫm giữa các tháng hè. Chiếc áo Tây Nguyên, bao gồm các mảng rừng già và các trảng tre nối tiếp động tranh, luôn thay đổi theo từng mùa, từng tháng, và cả từng kỳ lễ hội.

Mải vui trò chuyện, không ai để ý đến bầy voi đi lên từ bờ suối nước, và khi nhìn thấy chiếc xe màu trắng chúng đồng loạt bước nhanh về phía đoàn người. Tôi ôm vội cháu bé đặt lên xe trong khi Y Kreck nổ máy. Chiếc xe chỉ kịp lao đi khi chiếc vòi voi mẹ quờ tới. Những bước chân rung chuyển mặt đất của chúng chỉ dừng lại bên trên vách núi phía dưới chân đèo.

Không chút sợ hãi, H’Bia vẫn luôn miệng kể về những ngày đầu học trường nội trú. Mười hai năm trước, tên cô bé được đặt trong một nghi thức liếm giọt sương mai - nơi đọng lại linh hồn các tổ tiên ông bà - và rồi xướng danh những người đã khuất. Hàng chục cái tên được xướng, cuối cùng cô bé cũng mỉm cười khi nghe đến tên H’Bia của người bà năm đời trước đó.

Ra đón chúng tôi nơi cây đa đầu làng là Gru già Y Mngăm. Ông được phong Gru từ thời trai tráng do đã có công săn bắt và thuần dưỡng hàng chục voi rừng. Chính nơi cây đa đầu suối (mnut ko êa) mà mỗi dịp lễ cưới khách làng đến đó cột voi, treo chiêng đánh mừng tân hôn “lắp cánh ná vào báng ná” (bi kuôl ka brei kniêt). Ở vùng đất thảo nguyên này, lễ hội là của mọi người, là niềm vui chung, là trách nhiệm chung, và tiếng chiêng là mối liên kết linh thiêng giữa con người với thần linh, với núi rừng. Mỗi người đều được nghe tiếng chiêng đầu đời trong lễ thổi tai để nhận biết bộ tộc, và rồi từng hồi chiêng giòn giã ngân vang trong lễ bỏ mả giúp cho linh hồn người chết nhận ra tiếng nói bộ tộc khi bước vào thế giới thần linh, khi phiêu du trên những cánh đồng thảo nguyên.

Trong ngôi nhà dài, khoa sang (chủ nhà) đang chờ chúng tôi bên ché rượu băng gri, và trong số khách mời có vị pô khan (học giả) danh tiếng mà tôi muốn gặp. Thực ra bà chủ nhà xinh đẹp ngày xưa nay đã là trưởng tộc sau khi người mẹ qua đời. Tuy vậy bà vẫn giữ nụ cười hóm hỉnh như lần đánh cá với tôi về “ngôi nhà dài hơn một tiếng chiêng ngân”.

Lần đó tôi đã không thể đi đến đầu cuối ngôi nhà dài hai trăm heh (cùi tay, khoảng 0,42 mét) trước tiếng chiêng dứt. Nếp sống cộng đồng là tính chất cơ bản của con người thảo nguyên, nơi mà thế giới chỉ gồm hai phần qua lại, của người đang sống và của người đã chết, tức các thần linh. Tính cộng đồng không chỉ là những nếp sống chân thực, các ngôi nhà dài, mà quan trọng hơn cả là ở cấu trúc mẫu hệ và tập tục hôn nhân nối nòi vốn được hình thành từ thuở xa xưa.

Triết lý căn bản của tập tục hôn nhân nối nòi (cuê nuê) là “dầm nhà gãy thì phải thay, giát sàn nát thì phải thế, chết người này thì phải thế bằng người khác” (joh adrung lo hrua, ti tria lo hrô, djiê pô anei lo cuê hong pô anăn). Khi người chồng chết thì phải thế cho nhà vợ bằng một người anh hay em chồng, khi người vợ chết thì phải thay vào đó một người chị hay em vợ.

Nguyên tắc này được quy định đến từng chi tiết trong các bản pháp ca, vì “sợ rằng gia đình sẽ tan nát ngoài nương rẫy, dòng họ sẽ kiệt quệ đi, giống nòi sẽ khô kiệt như những con suối, kẻo tuyệt nòi không còn con cháu”. Trong bối cảnh thiên nhiên khắc nghiệt của nhiều thập kỷ trước đây, dường như tập tục hôn nhân nối nòi đã bảo đảm cho sự sinh tồn mạnh mẽ nơi các bộ tộc Tây Nguyên và giữ cho tiếng chiêng tiếp tục ngân vang trên các cánh đồng thảo nguyên cho tới ngày nay.

***

Lần này tôi lại trở về Buôn Hồ, không phải để thực nghiệm triết lý nối nòi đó mà để thăm người xưa đất cũ, cho dù với các tên gọi nay thành xa lạ. Y Kreck vẫn còn đó, khỏe mạnh, lái xe đưa tôi đi tìm vị trí những ngôi nhà dài nay trở nên thành phố, và người khoa sang giỏi giang ngày xưa nay lẩn khuất đâu đó giữa những thị dân. Nơi cây đa đầu suối giờ đã thành cây cầu, và người Gru già Mngăm đã qua kỳ bỏ mả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét