26 thg 1, 2013

Thăm chùa Phù Dung nhớ Xuân Tự - Thanh Nga…


Về Hà Tiên ghé thăm lăng tẩm họ Mạc, thấy mộ phần Mạc Thiên Tích, ghé chùa Phù Dung lại nhớ đến mối tình đẹp của ông và nàng Xuân Tự, hình ảnh Thanh Nga- Xuân Tự đẹp dịu dàng chợt hiện ra.


Chùa Phù Dung hiện tọa lạc tại chân núi Bình San, phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Địa điểm hành hương & du lịch này hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp cổ kính, hài hòa với thiên nhiên mà còn bởi những câu chuyện bí ẩn về ngôi mộ của người trụ trì đầu tiên..

Chùa Phù Dung gắn liền với sự tích của người nằm trong ngôi mộ cổ vừa kể - Đó là bà Phù Dung, mà sau này người đời còn đặt cho một cái tên khác nữa, là bà Dì Tự, vị sư nữ đầu tiên trụ trì ở chùa.

Truyền rằng: Mạc Lịnh Công tức Mạc Thiên Tích, có một bà thứ cơ tên là bà Dì Tự. Thứ cơ sắc nước hương trời và hay chữ lắm.

Mạc Lịnh Công, vì mê sắc đẹp, yêu tài thơ, đã từ chỗ sủng ái mà ra thiên ái, cho nên, khiến bà chính thất Nguyễn phu nhân ghen giận, lập mưu hãm hại bà thứ cơ.

Một hôm, nhân Mạc Lịnh Công đi duyệt binh vắng, ở nhà, Nguyễn phu nhân (tức Thái phu nhân Nguyễn Hiếu Túc) đem nhốt thứ cơ vào lòng một cái chậu úp, cho ngột mà chết. Nhưng bất thình lình, vừa lúc đó, trời bỗng đổ trận mưa to. Mạc Công cũng vừa về đến, thấy trời đang mưa, mà lạ, sao chậu to không ngửa lên hứng nước mà lại để úp. Công bèn truyền lệnh giở chậu ra, thì nàng ái cơ đang thoi thóp, nhưng may mắn thay, hãy còn cứu kịp.

Nàng thứ cơ thoát chết, trở nên chán chường sự thế, xin Mạc Công cho nàng đi tu. Trước sự tình éo le đó, Mạc Công không biết làm sao khác, cũng đành chiều ý, cất một ngôi am tự cho thứ cơ tu hành.

Bên am tự, cho đào ao, trồng hoa sen trắng, để kỷ niệm mối tình xưa. Cho đến khi thứ cơ mất, Mạc Công cho xây ngôi mộ kiên cố đẹp đẽ để tỏ lòng tưởng nhớ yêu thương giai nhân đã vì ông mà oan khổ...



Năm 1959, soạn giả Kiên Giang viết “Áo cưới trước cổng chùa” theo sự tích chùa Phù Dung (một trong mười cảnh đẹp của Hà Tiên). Vở tuồng được thu vào dĩa nhựa với Đệ nhất danh Ca Thanh Hương vai Xuân Tự và Sầu Nữ Út Bạch Lan vai Phương Thành đã thu hút không biết bao nhiêu con tim của khán thính giả thời bấy giờ.

Trên sân khấu, Thanh Nga mới lớn, nhận vai Xuân Tự (sư nữ chùa Phù Dung). Tính cách cô gái miền biển chân chất, tâm trạng u buồn của một sư nữ và cách ứng xử trong sáng giữa vị hôn phu và một tổng trấn đã được Thanh Nga lột tả một cách linh động sâu sắc.



Về trang phục, Thanh Nga rất biết nghe lời những người dàn dựng vở: mặc áo dài lỡ, bới tóc kiểu bánh lái ghe, bỏ vòng cách tiên, cổ đeo kiềng bạc, tay bưng quả nếp: “Tay bưng quả nếp đi chùa, Thắp nhang lạy Phật xin bùa cầu duyên”…Hình ảnh Xuân Tự sống mãi trong lòng hàng triệu khán giả và thính giả qua kịch bản trên sân khấu Thanh Minh.

Từ Sơn Nữ Phà Ca đến sư nữ chùa Phù Dung, Thanh Nga đã từng bước khẳng định tài năng nghệ thuật của mình qua sự rèn luyện, tiếp thu vốn nghề của những nghệ sĩ đi trước cộng với niềm tự tin và sự chịu khó tập luyện, Cũng phải kể giọng ca thảm, không bay bổng mà xoáy động vào nội tâm, nhân dáng mảnh mai mà không mềm yếu, nhất là cách ca, cách phát âm, độc thoại, đối thoại, xứng hợp với từng tình huống của Thanh Nga – quả đúng là kỳ tài. 


Và chùa Phù Dung càng được nhiều người biết đến và tìm đến ngày một nhiều hơn chính là nhờ “Áo cưới trước cổng chùa” và hình dáng nàng Xuân Tự - Thanh Nga.


Lê Quang Thanh Tâm
MASK online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét