25 thg 1, 2013

Thăm cột cờ Hà Nội

Là một trong năm di tích còn được bảo tồn nguyên vẹn trong quần thể khu di tích thành cổ, cột cờ Hà Nội là một trong những biểu tượng thiêng liêng của mảnh đất Thăng Long, Hà Nội.
Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, một chiều tháng thu tháng 10 tôi đến với cột cờ Hà Nội như một cách tìm về nơi từng gắn với những chiến công hiển hách của dân tộc.


Cột cờ Hà Nội vẫn bề thế hiên ngang cùng những thăng trầm của thủ đô - Ảnh: Hoàng Đan

Theo cuốn Đại Nam nhất thống chí và theo Phan Thúc Trực trong sách Quốc sử di biên thì cột cờ được xây dựng cùng lúc với việc xây thành Hà Nội trong khoảng năm 1803-1805. Có tài liệu sau này lại xác định cột cờ được xây dựng năm 1812 dưới thời Gia Long nhà Nguyễn. Cột cờ Hà Nội là một công trình bề thế, cao nhất trong thành phố thời bấy giờ.


Từ phần cửa sổ ở đỉnh cột cờ người ta có thể quan sát toàn bộ thành phố cả vùng nội và ngoại thành. Đó cũng chính là lý do thực dân Pháp đã không những không cho phá hủy công trình này trong thời gian tạm chiếm từ 1894 - 1897 mà còn dùng cột cờ làm đài quan sát và đặt trạm thông tin liên lạc giữa ban chỉ huy với các đơn vị xung quanh bằng cờ và đèn tín hiệu.


Cột cờ Hà Nội vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 trong ảnh của người Pháp - Ảnh: Internet

Theo Phan Thúc Trực trong sách Quốc sử di biên, thì “ở phía trước thành Thăng Long người ta cho xây một chiếc cột gọi là “điện đài” cao hơn trăm thước”. Theo tính toán 1 thước bằng 0,42m, vậy điện đài trong ghi chép của Phan Thúc Trực sẽ có chiều cao khoảng 42m.
Còn theo hiện trạng được cơ quan quản lý cung cấp thì cột cờ Hà Nội là một công trình bề thế với ba tầng đế giật cấp và một than cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần chồng lên nhau xung quanh xây ốp bằng gạch.

Tầng một mỗi chiều dài 42,5m, cao 3,1m, có hai cầu thang gạch dẫn lên. Tầng hai mỗi chiều dài 27m, cao 3,7m, có bốn cửa, cửa hướng đông trên có đắp hai chữ “Nghênh húc”, nghĩa là đón nắng ban mai, cửa Tây đắp hai chữ “Hồi quang”, nghĩa là ánh sáng phản chiếu, cửa Nam có hai chữ “hướng minh”, nghĩa là hướng về ánh sáng, còn cửa Bắc không có chữ.

Tầng ba mỗi chiều dài 12,8m, cao 5,1m, có cửa lên cầu thang trông về hướng bắc. Cột cờ hình trụ tám cạnh, thon từ dưới lên. Phần thân cột cao 12,8m, mỗi cạnh đáy chừng 21,1m. Trong thân cột cờ có 54 bậc thang xoáy ốc lên tận đỉnh. Toàn thân của cột cờ được soi sáng và thông hơi bằng 39 cửa nhỏ hình hoa thị và sáu cửa hình dẻ quạt. Những cửa này được đặt dọc các cạnh, mỗi cạnh có chừng 4-5 cửa.


Phần thân của cột cờ Hà Nội - Ảnh: Hoàng Đan

Đỉnh của cột cờ có hình bát giác, cao 3,3m, có 8 cửa sổ tương ứng với 8 cạnh. Giữa lầu là trụ tròn dùng để cắm cán cờ (cao 8m) có đường kính 0,4m, vươn cao lên đỉnh lầu. Như vậy tính từ chân lên đến trụ cắm cờ thì cột cờ có chiều cao 33,4m, còn tính thêm cả phần trụ đế treo lá cờ thì cao khoảng hơn 40m.
Cũng chính ở cột cờ Hà Nội, gần một trăm năm trước nhân dân Hà Nội phải đau xót chứng kiến sự kiện tử tiết bi tráng của hai vị tổng đốc Hà Nội là Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương.

Trong cuộc chiến đấu này cột cờ Hà Nội đã được sử dụng là nơi phát hỏa pháo chiến đấu và là một pháo đài kiên cố dùng để chống quân Pháp xâm lược Hà 
Nội.

Cách mạng tháng 8-1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay phấp phới ở nơi đây. Sau cuộc kháng chiến chín năm trường kỳ chống Pháp của dân tộc, ngày 10-10-1954 Hà Nội được giải phóng, lá cờ đỏ sao vàng của dân tộc Việt Nam lại tiếp tục kiêu hãnh tung bay trên đỉnh Cột cờ cho đến ngày nay.

Dạo từng bước thang bộ lên đến phần đỉnh của cột cờ lòng tôi không khỏi bồi hồi xao xuyến nhớ về một thời hào hùng, oanh liệt của lịch sử dân tộc. Cột cờ Hà Nội chính là biểu tượng của chủ quyền, độc lập dân tộc, của ý chí tự lực, tự cường, không chịu khuất phục trước các thế lực ngoại bang xâm lược của dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, nhiều công trình mới đã mọc lên xung quanh và cao hơn nhiều lần cột cờ, đứng trên đỉnh cột cờ tôi không còn quan sát được cả vùng nội cũng như ngoại thành thủ đô như cách đây mấy trăm năm khi nó mới xây dựng xong.

Nhưng giờ đây khi đứng trên đỉnh cột nhìn ra tôi vẫn thấy nhiều thứ khác thú vị hơn, đó là một Hà Nội thanh bình yên ả, cổ kính bên khu thành cổ, bên khu di tích Lăng Bác Hồ và nhà bảo tàng Quân đội ngay dưới chân cột cờ. Tôi cũng thấy một Hà Nội rất nhộn nhịp, tất bật dưới những con đường, con phố xung quanh...

Gần hai thế kỷ kể từ khi được xây dựng, cột cờ Hà Nội vẫn bề thế, hiên ngang đứng đó chứng kiến những nét thăng trầm cùng thủ đô, đất nước. Để ngày nay khi đất nước hoàn toàn độc lập, bước vào giai đoạn đổi mới, xây dựng, hợp tác, phát triển nơi đây đã trở thành một địa điểm tham quan du lịch quan trọng trong quần thể khu di tích thành cổ Hà Nội thường xuyên đón khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan. 


Lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam vẫn tung bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội - Ảnh: Hoàng Đan

Đứng trên đỉnh cột cờ khi cái nắng dịu hiền của trời thu Hà Nội, cộng thêm cơn gió thu nhè nhẹ thoảng qua khung cửa quan sát làm tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ nói về Cột cờ Hà Nội:

“Kỳ đài năm thước vút trời cao
Thông đạt trong tâm có đường vào
Trong sang muôn nơi dồn lại cả
Trung tâm thiên hạ đẹp biết bao”.


Bài, ảnh: HOÀNG ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét