26 thg 1, 2013

Xe lửa qua phà

Xe lửa làm sao mà qua phà được?


Tại sao xe lửa lại phải qua phà?

Chuyện tưởng như bịa này hóa ra lại có thật 100%, mà bức ảnh sau chính là minh họa rõ nét nhất.

(Ảnh được trích từ website www.daumaytoaxe.com

Tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam là tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho. Chuyến tàu đầu tiên của tuyến đường sắt này là sáng 20-7-1885. Tàu xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Ðông bằng phà tại Bến Lức, đến ga cuối cùng tại trung tâm thành phố Mỹ Tho.

Đến tháng 5/1886, các cầu trên tuyến đường này mới hoàn thành, lúc bấy giờ xe lửa mới hết qua phà.

Bài viết sau đây trên báo Nhân dân cho chúng ta những thông tin chi tiết hơn về tuyến đường xe lửa này:

Đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho

Trong chính sách "bình định" ở Nam Kỳ những năm cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp  chủ trương nhanh chóng xây dựng tuyến đường sắt đi tới các tỉnh Tây Nam Bộ, nhằm khai thác tối đa tiềm năng vùng đất được coi là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam.

Theo nhà sử học Nguyễn Ðình Ðầu, người đang có nhiều tư liệu chính gốc về tuyến đường sắt này của Pháp, thì ý muốn ban đầu của thực dân Pháp là xây dựng tuyến đường sắt đến tỉnh Vĩnh Long, sau đó nối tiếp đến Phnôm Pênh (Cam-pu-chia). Song do cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của họ đang gặp khó khăn, cho nên người Pháp chọn giải pháp chỉ xây dựng đường sắt đến Mỹ Tho, dài 70 km mà thôi.

Với ý định này, đầu năm 1881, chuyến tàu thủy của Pháp đầu tiên chở hàng là nguyên vật liệu từ Pháp sang xây dựng tuyến đường sắt cập cảng Sài Gòn. Vào giữa năm 1881, tức đúng 130 năm trước, công trường bắt đầu được thực hiện từ phía Sài Gòn. Thực dân Pháp  huy động tới 11 nghìn lao động để làm tuyến đường sắt này. Những cứ liệu người Pháp để lại tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 (thuộc Văn phòng Chính phủ) cho thấy, công trường đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho là công trường được người Pháp tổ chức quy mô nhất lúc bấy giờ và được tiến hành khẩn trương với sự có mặt của nhiều sĩ quan công binh, kỹ sư xây dựng từ nước Pháp đưa sang.

Khó khăn lớn nhất cho việc thi công tuyến đường sắt là đưa tàu hỏa vượt qua các con sông lớn vì vùng Nam Bộ có nhiều sông ngòi chia cắt từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho. Trước năm 1831, do chưa xây dựng được cầu cho nên biện pháp kỹ thuật được kỹ sư Tê-vơ-nê, người giữ chức Giám đốc Sở Giao thông công chánh Nam Kỳ lúc đó đề xuất là phải dùng phà tại những điểm vượt sông. Từ đó, phía Pháp huy động đưa sang những chiếc phà khổng lồ chạy máy hơi nước chở được 10 toa xe. Các kỹ  sư lắp đặt đường ray và một thiết bị dùng để nối đường ray trên mặt đất với đường ray xuống phà. Tất cả chiều rộng đường ray trên phà và trên đường sắt có khổ một mét, tức khổ đường đang được dùng rộng rãi thời bấy giờ trong ngành đường sắt hai nước Anh, Pháp. Hiện đường sắt  Việt Nam vẫn chủ yếu là khổ một mét.

Toàn tuyến đường có 15 ga đã được xây dựng trong hơn bốn năm gồm: Ga Sài Gòn, An Ðông, Phú Lâm, An Lạc, Bình Ðiền, Bình Chánh, Gò Ðen, Bến Lức, Bình An, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Lương Phú, Trung Lương, Mỹ Tho. Bình quân 4,7 km có một ga. Cự ly giữa các ga ngắn do ban đầu cư dân thưa thớt, mà vận tải khách ngoại ô của tuyến đường sắt này chưa phải là đông khách như sang thế kỷ 20. Ga cuối là Mỹ Tho được Pháp lựa chọn là nơi tạo nên đầu mối giao thông của ba tuyến đường: sắt - thủy - bộ tập trung ở thành phố này và có những điểm tiếp nối các vùng Tây Nam Bộ.

Chuyến tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đầu tiên ở Nam Kỳ là sáng 20-7-1885. Tàu xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Ðông bằng phà tại Bến Lức, đến ga cuối cùng tại trung tâm thành phố Mỹ Tho, đánh dấu sự ra đời của ngành đường sắt Việt Nam. Sau đó, mỗi ngày có bốn cặp tàu đầu hơi nước chạy trên tuyến đường này. Chuyến đầu tiên xuất phát từ Mỹ Tho lúc 1 giờ 30 phút, đến Sài Gòn 5 giờ sáng. Ở Sài Gòn đi Mỹ Tho xuất phát cũng từ lúc 1 giờ 30 phút sáng. Chuyến thứ hai lúc 9 giờ, chuyến thứ ba lúc 13 giờ chiều và chuyến cuối từ 18 giờ. Vì phải vượt phà, mỗi chuyến đường sắt chạy từ Sài Gòn - Mỹ Tho và ngược lại phải mất ba giờ rưỡi với 70 km. Ðó là một thành công của giao thông cách đây 130 năm.

Sau một năm, người Pháp tính đến việc làm các cầu qua sông của tuyến. Tháng 5-1886, các cầu trên tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho đã hoàn thành cho phép tàu chạy thẳng tới Mỹ Tho. Khi đó, thời gian chạy tàu rút xuống còn một nửa, tức hai giờ rưỡi. Theo tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2, số lãi thu được từ tuyến đường sắt này, đến cuối năm 1896 (11 năm) là 3,22 triệu phờ-răng, đến năm 1912 hơn bốn triệu phờ-răng. Lý do lãi thấp là từ thập kỷ 50 của thế kỷ 20, xe hơi và các loại giao thông khác đã phát triển cùng với hệ thống đường bộ Sài Gòn - Mỹ Tho được đầu tư lớn cho nên người dân chuyển sang đi đường bộ, đường sắt không còn hấp dẫn. Sau 73 năm tồn tại, năm 1958, tuyến đường sắt này bị chính quyền Sài Gòn (cũ) cho ngưng chạy vì không có hiệu quả mấy về mặt kinh tế. Dù tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho chỉ tồn tại 73 năm, nhưng cho thấy Sài Gòn xưa và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bây giờ, mặc dù lúc đó chỉ tới Mỹ Tho đã có sự kết nối, làm ăn lâu bền, chặt chẽ. Ðiều này cho thấy giữa cư dân Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ xưa đã kết gắn chặt với nhau, cả về giao thông lẫn trong kinh tế - xã hội và cho đến thời nay vẫn vậy.

Phạm Bá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét