24 thg 1, 2013

Thơm ngọt đào Mẫu Sơn

Nhắc đến Mẫu Sơn (Lạng Sơn), mấy anh bạn tôi cứ nắc nỏm chưa nhìn thấy quả đào Mẫu Sơn bao giờ. Quả là hiếm vì đào Mẫu Sơn mỗi năm chỉ có một mùa, trong vòng một tháng mà thôi. 


Đào Mẫu Sơn căng mọng

Có lẽ so với mọi năm, năm nay đào Mẫu Sơn to hơn, mọng hơn. Ông Hoàng Phúc Lỷ, chủ tịch xã Công Sơn, một xã ngay sát chân Mẫu Sơn và cũng là xã trồng nhiều đào nhất, cho rằng do tuyết rơi dày, sâu chết hết, vì vậy quả đào mới to. Đúng như lời Phúc Lỷ, năm nay khắp khu du lịch Mẫu Sơn từ chân đến đỉnh chỗ nào cũng có đào. Trượt sang Đông Chắn về đến Khuổi Cấp, từng rừng đào lúc lỉu quả, hồng hào như má thiếu nữ.

Những quả đào ngọt lịm, cắn ngập chân răng, phảng phất mùi thơm, hạt nhỏ chỉ như ngón cái của đứa trẻ lên năm. Nhìn quả đào nõn nường không ai nỡ ăn ngay vì sợ phí cái vẻ đẹp thuần khiết của nó. Nhiều người mua vài cân về nhà, không phải để ăn mà để cho thơm.

Đào Mẫu Sơn có vị thơm đến lạ, để mấy hôm cả quần áo, đồ dùng trong nhà lúc nào cũng phảng phất mùi đào. Nói như Phúc Lỷ thì “đào Mẫu Sơn ăn không giấu ai được”, không ăn vụng được. Vì đào Mẫu Sơn quý như thế nên trên thị trường có không ít “đào nhái”. Nhưng những người sành đào Mẫu Sơn vẫn cứ nhận ra quả đào nơi khác chuyển đến to hơn, ăn thì cứ sồn sột mà ít vị.

Cái thứ đào ấy mỗi lần nhìn thấy tôi lại thèn thẹn và thương chị Múi Nảy phải gò lưng trèo, hái trên những cây đào cổ thụ cao non dăm mét ở lưng chừng núi. Bởi để có một quả đào, người Dao Mẫu Sơn, Công Sơn đã phải chăm sóc cây cả một đời người.

Mùa đào chín là mùa đào chung của cư dân biên giới, đâu cũng đào, chỉ khác một loại được nuôi trồng dạng công nghiệp, còn một dạng được phơi giữa nắng gió Mẫu Sơn, vì thế mà quả đào ngọt, giòn, tròn và chắc hơn.

Mỗi mùa đào, khi quay xe về phố thị, nhìn những trái đào công nghiệp tôi thoáng thương những chị Múi Nẩy, em A Múi đang bán những trái đào Mẫu Sơn thứ thiệt mà ít người thông tỏ.

Theo ĐÔNG BẮC - Hà Nội Mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét