9 thg 10, 2013

Khám phá cồn Hến

Cồn Hến là một hòn đảo nhỏ trên sông Hương đoạn chảy qua thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cồn Hến được hình thành bởi sự bồi lấp của đất và phù sa. Sông Hương đoạn chảy qua Kinh thành Huế lên phía bắc, về hạ lưu ra biển chia làm hai nhánh, với Cồn Hến ở giữa. Nhánh bên trái chảy qua địa phận các phường Phú Cát, Phú Hiệp, nhánh bên phải chảy qua phường Vỹ Dạ.

Cồn Hến có hình dài theo hướng bắc – nam, gần như chính giữa dòng sông, trùng với đường phân thuỷ. Khởi nguồn chỉ là bãi đất bồi, qua thời gian, Cồn Hến trở thành một hòn đảo, một vùng đất cao, với diện tích 26,4ha. 

Toàn cảnh cồn Hến nhìn từ cầu Chợ Dinh ở phía bắc, như một viên ngọc xanh giữa dòng sông Hương. 

8 thg 10, 2013

Cầu treo Kon Klor

Đến Kontum, người ta thường đưa bạn đi xem cầu treo Kon Klor. Có 2 lý do để bạn được đưa đến đây:
  1. Cầu treo Kon Klor nằm cách trung tâm thành phố Kontum không bao xa, rất dễ đến (qua bên kia cầu là làng Kon Klor của người Ba-na).
  2. Cầu treo Kon Klor khá kiên cố, hiện đại. Nhờ đó người ta dễ thuyết minh rằng chính quyền đã có quan tâm sâu sắc đến việc đi lại của đồng bào Ba-Na.
Cầu treo Kon Klor. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Cồn Dã Viên - “Bạch Hổ” của kinh thành Huế

Cồn Dã Viên được hình thành từ sự bồi lắng của sông Hương, có chiều dài 890m, rộng 185m, với diện tích khoảng 107.970m2.

Cồn Dã Viên là một hòn đảo nhỏ, nằm trên sông Hương, phía trước - bên phải Kinh thành Huế (theo hướng nhìn từ trong thành ra). Khi xây dựng Kinh thành Phú Xuân vào đầu thế kỷ 19, vua Gia Long và các nhà quy hoạch, phong thuỷ thời Nguyễn đã chọn cồn Dã Viên là yếu tố “Bạch Hổ” cho Kinh thành (cùng với cồn Hến là yếu tố “Thanh Long” - nằm bên trái) – theo thuật phong thuỷ.

Cồn Dã Viên có hình thoi dài hướng đông – tây theo hướng dòng chảy sông Hương tại khu vực này, nằm lệch về phía bờ nam sông Hương, gần phường Đúc. Cũng như cồn Hến, cồn Dã Viên được hình thành từ sự bồi lắng phù sa của sông Hương; cồn có chiều dài 890m, rộng 185m, với diện tích khoảng 
107.970m2. 

Cồn Dã Viên nhìn từ phía Kim Long, bờ bắc sông Hương.

Nét đẹp của lò gốm cổ Đại Hưng

Lò lu Đại Hưng là lò gốm cổ nhất Bình Dương, với lịch sử trên 150 năm tuổi.

Lò lu Đại Hưng nằm ở ấp 1, xã Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một khoảng 3km về phía bắc. Cái tên “Lò lu” xuất phát từ lò gốm chuyên sản xuất các loại lu, khạp, hũ... dùng cho sản xuất nông ngư nghiệp và đời sống từ xa xưa. Lò lu Đại Hưng là lò gốm cổ nhất đất Bình Dương, hiện vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công truyền thống, với sản phẩm nghề đặc trưng truyền thống.

Lò lu Đại Hưng có lịch sử trên 150 năm; người chủ sáng lập đầu tiên là một người Hoa vào khoảng thế kỷ 17-18. Lò lu Đại Hưng đã trải qua nhiều thăng trầm, với nhiều đời chủ. Có những quãng thời gian khó khăn lò lu Đại Hưng tưởng như phải đóng cửa ngừng sản xuất. 

Lò lu Đại Hưng là cơ sở sản xuất gốm thủ công lớn nhất Bình Dương với diện tích gần 11.000m2. 

7 thg 10, 2013

Khách bộ hành trên đường phố Kontum

Cách Pleiku chưa tới 50 km, thành phố Kontum gần như có đủ những đặc điểm của Phố núi cao, phố núi đầy sương - Phố núi cây xanh, trời thấp thật buồn, nhưng e rằng hoang sơ và buồn hơn Pleiku nhiều lắm.

Đường phố Kontum không chỉ đi dăm phút đã về chốn cũ như Pleiku, mà lại còn vắng vẻ nữa


Một ngôi nhà thờ nhỏ, nằm ở góc đường Lý Tự Trọng - Trần Hưng Đạo. Đường vắng hoe.

Anh khách lạ đi lên đi xuống - May mà có em... Không thấy em Kontum má đỏ môi hồng ở đâu, chỉ thấy người phụ nữ Ba-na mang gùi đi bộ giữa con đường tráng nhựa ở trung tâm thành phố.

Tinh hoa làng mộc Kim Bồng

Lâu nay, mộc Kim Bồng đã trở thành thương hiệu của Hội An, đi vào trong tâm thức của nhiều người dân phố cổ.

Làng mộc Kim Bồng thuộc xã đảo Cẩm Kim, thành phố Hội An, Quảng Nam. Mộc Kim Bồng là một “thương hiệu” của Hội An cùng với khu phố cổ. Làng nghề đã có hơn 600 năm tuổi, được hình thành từ thế kỷ 15 do ông tổ nghề là người từ Thanh Nghệ di cư vào, dừng chân và lập nghiệp ở mảnh đất này. 

Tới cuối thế kỷ 16, thế kỷ 17, cùng với Hội An, nghề mộc Kim Bồng phát triển rực rỡ và có đóng góp to lớn trong sự phát triển của cảng thị này với các công việc đóng tàu thuyền, dựng nhà, làm đồ mộc dân dụng, đồ thủ công mỹ nghệ.

Rất nhiều kiến trúc nhà cửa, chùa quán... ở khu phố cổ Hội An in dấu bàn tay thợ mộc Kim Bồng. Những kiến trúc này đẹp, đặc sắc bởi nét chạm trổ tinh xảo, tài hoa của thợ Kim Bồng. Thợ Kim Bồng cũng tự hào được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và sau là triều đình nhà Nguyễn vời ra Kinh đô để xây dựng các công trình. 

Một sản phẩm tinh xảo của các nghệ nhân Kim Bồng.