Trước khi đến Tây Nguyên thưởng ngoạn, những người bạn từng đi bảo: “Lên đó cậu nhớ dùng thử món gỏi cà đắng cá cơm, ngon lắm đấy!”. Thực sự tôi chưa nghe qua món này nên ngẩn ngơ. Nhưng khi đến nơi, thưởng thức và cảm nhận món ăn, tôi mới biết nó không còn là lời đồn nữa mà phải nói trên cả tuyệt vời.
Cà đắng (còn gọi Prền Bơtang, Sơre Prền, Đưng Prền) là một loại cà dại mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy, sau này được đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên mang về trồng trong vườn nhà, ra quả quanh năm. Quả cà đắng giống cà pháo nhưng nhỏ hơn, có gai, màu xanh sọc đốm trắng, đặc biệt có vị đắng rất đặc trưng. Người dân tộc Ê Đê, K’Ho, Chu Ru… thường dùng cà đắng để chế biến thành nhiều món ăn độc đáo và hấp dẫn, trong đó có món “gỏi cà đắng cá cơm”. Tuy nhiên, để thưởng thức món gỏi cà đắng cá cơm đúng chất cần phải đến Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Tất nhiên, cá cơm là loài hải sản, chẳng có ở núi rừng Tây Nguyên. Nhưng ngộ ở chỗ, mang khô cá cơm ở vùng biển trộn với gỏi cà đắng ở núi rừng lại trở thành món ăn ngon đáo để.