20 thg 8, 2024

Anh hùng dân tộc Trương Định: Ngàn năm sử sách rạng danh thơm

Cách đây 160 năm, ngày 20/8/1864, Bình Tây đại nguyên soái Trương Định đã anh dũng, kiên cường cùng nghĩa binh chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược và tuẫn tiết một cách đầy khí phách. Ông là người con ưu tú của quê hương núi Ấn - sông Trà, là Anh hùng sống mãi cùng dân tộc.

Một lòng yêu nước

Trương Định sinh năm 1820, ở thôn Trường Định, xã Tư Cung, phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi). Ông đã được giáo dục, rèn luyện và hình thành nhân cách tốt đẹp, nghĩa khí đặc trưng của người Quảng Ngãi. Năm 1844, ông theo cha vào Nam, lấy vợ và lập nghiệp ở Gò Công (Tiền Giang). Ông được triều đình nhà Nguyễn phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ, tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công.

Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Trương Định, ở xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi).

Bằng tài thao lược, uy tín, sự tín nhiệm của nghĩa binh và nhân dân, cùng ý chí quyết tâm chống giặc, giữ đất, giữ làng, Trương Định đã xây dựng Gò Công thành trung tâm kháng chiến mạnh nhất, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào yêu nước ở Nam Bộ. Giữa lúc phong trào kháng chiến của nhân dân dâng cao, ngày 5/6/1862, triều đình Huế và Pháp ký Hiệp ước Nhâm Tuất, nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ và hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang. Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp. Tháng 2/1863, nghĩa binh đắp đàn làm lễ bái tướng, suy tôn ông lên làm “Bình Tây đại nguyên soái”, tự xưng danh “Trung Thiên tướng quân”. Đêm ngày 19/8/1864, nghĩa quân Trương Định bị đánh úp bất ngờ. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, Trương Định bị trọng thương, không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tuẫn tiết vào rạng sáng ngày 20/8/1864.
Ngày 18/8, UBND tỉnh tổ chức Lễ tưởng niệm 160 năm Ngày Anh hùng Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864 - 20/8/2024) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Đền thờ Trương Định. Đây là dịp để cán bộ và nhân dân trong tỉnh bày tỏ lòng tri ân đối với Anh hùng dân tộc Trương Định. 

Để ghi nhớ công đức của Trương Định, năm 2007, UBND tỉnh xây dựng lại Đền thờ Trương Định với diện tích hơn 2ha, dưới chân núi Đầu Voi, thuộc xóm Khê Thuận, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Năm 2009, Sở VH-TT&DL giao Đền thờ Trương Định cho Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ quản lý. Những năm qua, đền thờ được quan tâm đầu tư, trùng tu nên ngày một khang trang. Năm 2014, Đền thờ Trương Định được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Ngày 24/2/2023, Bộ VH-TT&DL đã có Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích lịch sử Đền thờ Trương Định.

Phát huy giá trị di tích

Những ngày này, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến Đền thờ Trương Định để thắp hương tưởng nhớ vị Anh hùng của dân tộc. Chị Phan Thị Ái Nhiên, thuyết minh viên tại Đền thờ Trương Định chia sẻ, hơn 10 năm làm công tác thuyết minh tại di tích, nhưng lần nào kể về cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trương Định, tôi đều không khỏi xúc động.

Chị Nhiên lật từng cuốn sổ lưu niệm được cất giữ cẩn thận, giới thiệu cho chúng tôi xem những dòng cảm xúc được ghi lại của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan di tích. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi lại những dòng thơ đầy tự hào về Anh hùng dân tộc Trương Định vào tháng 4/2022: “Trung Thiên Tướng Quân” hồn Trương Định/ “Bình Tây đại nguyên soái dân tôn/ Cờ nghĩa phất rợp trời, dân mến nghĩa/ Ngàn năm sử sách rạng danh thơm”.

Thuyết minh viên giới thiệu với khách tham quan về hiện vật trưng bày tại Đền thờ Trương Định.

Đến tham quan Đền thờ Trương Định, chị Lê Thị Châu Anh, du khách ở TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, Bình Tây đại nguyên soái Trương Định không chỉ là niềm tự hào đối với nhân dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang nói riêng mà là niềm tự hào của cả dân tộc. Ông là tấm gương sáng về lòng yêu nước, kiên trung để thế hệ trẻ noi theo. Còn em Tô Hữu Bằng, học sinh Trường THPT Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê xúc động cho biết, em rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương Tịnh Khê, vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của Anh hùng Trương Định. Em sẽ phấn đấu học tập và rèn luyện tốt để noi gương thế hệ cha anh đi trước, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Súng thần công, hiện vật được phục chế trưng bày tại cổng Đền thờ Trương Định.

Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Trương Định hiện trưng bày 4 bản trích, gần 50 ảnh tư liệu, 46 hiện vật và hàng chục tài liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trương Định. Đặc biệt, du khách đến tham quan tại đền thờ không khỏi xúc động khi xem tảng đá đặt giữa khu trưng bày.

Giám đốc Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ Phan Thị Vân Kiều cho biết, tảng đá là hiện vật gắn liền với thời niên thiếu của Anh hùng dân tộc Trương Định. Thời niên thiếu, ông thường ra sông Trâm tại xóm Khê Thượng, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê để tắm, chơi đùa và giặt quần áo trên tảng đá này. Vào tháng 6/2016, Khu Chứng tích Sơn Mỹ đã khai quật, vận chuyển tảng đá về đền thờ để bảo quản, trưng bày và phục vụ khách tham quan. Tảng đá dài 135 cm, rộng 60 cm, dày 135 cm, nặng khoảng 1 tấn. Tại khu trừng bày còn có nắm cát tượng trưng cho mảnh đất Gò Công - nơi Anh hùng dân tộc Trương Định kháng Pháp và tuẫn tiết đầy khí phách; hay chiếc đèn mù u được nghĩa quân Trương Định sử dụng thắp sáng trong sinh hoạt trong thời kỳ kháng chiến...

Học sinh đạt danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ", ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), tham quan Đền thờ Trương Định. Ảnh: ĐVCC

Di tích Đền thờ Trương Định là “địa chỉ đỏ” để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Để phát huy giá trị di tích, thời gian đến, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; mở rộng diện tích khoanh vùng về phía nam khu vực núi Đầu Voi. Đồng thời, tiếp tục sưu tầm bổ sung các tài liệu, hình ảnh, hiện vật và những câu chuyện liên quan đến Anh hùng dân tộc Trương Định để nội dung thuyết minh tăng thêm tính hấp dẫn, thu hút khách tham quan.

Bài, ảnh: KIM NGÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét