8 thg 8, 2024

Người con ưu tú của quê hương núi Ấn, sông Trà

Đồng chí Nguyễn Chánh (1/8/1914 - 24/9/1957) - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những vị tướng lĩnh tài ba của quân đội và của Đảng ta. Những trận đánh kinh điển về chiến tranh nhân dân, được đồng chí vận dụng linh hoạt, sáng tạo, góp phần to lớn vào thành công của sự nghiệp đấu tranh giả phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

“Cuộc đời của một người mới 43 tuổi đã để lại một sự nghiệp như vậy, có thể nói là một cuộc đời thật đẹp: Cuộc đời của một người cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc, một vị tướng có tài và một con người mẫu mực”. Đó là những dòng viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đồng chí Nguyễn Chánh trong cuốn “Nguyễn Chánh - Con người và sự nghiệp”, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành.

Người thủ lĩnh tài năng

Đồng chí Nguyễn Chánh tên thật là Nguyễn Thiện, bí danh Chí Thuần, sinh ngày 1/8/1914, trong một gia đình trung nông có truyền thống yêu nước tại thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Lúc bấy giờ, quê hương, đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, nhân dân đói khổ, khốn cùng dưới chế độ thực dân - phong kiến, đồng chí Nguyễn Chánh sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia hoạt động lúc mới 15 tuổi. Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi (năm 1931).

Từ tháng 5/1931, đồng chí bị địch bắt và kết án 2 năm tù giam tại đồn Hòa Bân, huyện Sơn Tịnh. Trong tù, đồng chí đã tuyên truyền và vận động lính lê dương đồng ý làm binh biến, chuẩn bị chiếm đồn rồi lên núi xây dựng lực lượng chống thực dân Pháp. Không may kế hoạch bị lộ, đồng chí bị địch đưa về nhà lao Quảng Ngãi giam giữ. Năm 1933, sau khi ra tù, đồng chí đã móc nối liên lạc với cơ sở và các đồng chí trước đây tiếp tục hoạt động cách mạng, tổ chức đấu tranh chống bọn hào lý nhũng nhiễu nhân dân.

Từ tháng 9/1939, đồng chí được cử giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và được Xứ ủy chỉ định giữ chức vụ Bí thư Liên Tỉnh ủy Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên. Từ tháng 10/1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam ở nhà lao Quảng Ngãi, sau đó lần lượt chuyển đến các nhà lao Ba Tơ, Di Lăng rồi bị đày lên Buôn Ma Thuột. Trong thời gian bị địch giam giữ trong các nhà tù, đồng chí liên tục tham gia ban lãnh đạo và tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc.

"Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Chánh đã để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Ngãi những bài học quý giá, là tấm gương sáng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của tỉnh học tập, noi theo. Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Chánh và các bậc tiền bối tiêu biểu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi tiếp tục củng cố, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ý chí cách mạng, huy động tối đa nguồn lực, sức sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng quê hương Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp, phồn vinh”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, 
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh 
ĐẶNG NGỌC HUY

Tài năng quân sự, tầm nhìn và đánh giá thời cuộc của đồng chí Nguyễn Chánh được thể hiện rõ ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945). Lúc này, đồng chí Nguyễn Chánh đang bị giam tại xà lim nhà lao Thừa Phủ (Huế), đồng chí cùng nhiều đồng chí khác đấu tranh đòi được ra tù, địch buộc phải chấp nhận. Tháng 4/1945, đồng chí về Quảng Ngãi và được Tỉnh ủy phân công giữ chức vụ Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Đội du kích Ba Tơ.

Đồng chí Nguyễn Chánh được xem như linh hồn của Đội du kích Ba Tơ. Tuy không trực tiếp tham gia Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ trước đó, nhưng đồng chí được Tỉnh ủy phân công chỉ huy đội quân du kích còn non trẻ. Từ vài chục tay súng ban đầu, Đội du kích Ba Tơ đã nhanh chóng trưởng thành, cùng với nhân dân khu vực miền Trung bảo vệ toàn vẹn vùng tự do Liên khu 5 suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp. Đồng chí Nguyễn Chánh cũng chính là người chủ trương đưa đội du kích tiến về đồng bằng, mở rộng địa bàn hoạt động, thành lập thêm nhiều đơn vị vũ trang. Chủ trương này vô cùng quan trọng, góp công lớn trong việc khởi nghĩa giành chính quyền sớm ở Quảng Ngãi trong Cách mạng Tháng Tám 1945.

Bà Nguyễn Ngọc Sương, con gái đồng chí Nguyễn Chánh, đọc lại những câu chuyện viết về bố mình. Ảnh: THANH THUẬN

Từ tháng 7/1951, đồng chí Nguyễn Chánh được điều trở lại chiến trường Liên khu 5, giữ chức vụ Bí thư Liên khu ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự Liên khu, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5. Với trọng trách được giao, đồng chí đã đem hết sức lực và trí tuệ cùng tập thể lãnh đạo quân và dân trong Liên khu dấy lên nhiều phong trào thi đua sôi nổi và toàn diện, đưa cuộc kháng chiến trong Liên khu lên một bước phát triển mới vững chắc hơn, từng bước làm chủ chiến trường, bảo vệ vững chắc vùng tự do, làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo điều kiện và nhân tố mới bảo đảm cho quân và dân Liên khu đưa cuộc kháng chiến đến toàn thắng.

Đặc biệt, trong chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954, để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, đồng chí Nguyễn Chánh đã kiên trì bảo vệ quan điểm: “Tiến công lên Tây Nguyên để bảo vệ vùng tự do” và trực tiếp chỉ huy chiến dịch Bắc Tây Nguyên, giải phóng tỉnh Kon Tum, đánh thắng trận An Khê và nhiều trận khác, phá tan Kế hoạch At-lante của địch, giành thắng lợi vang dội cho toàn chiến dịch.

Tấm gương sáng về tài đức

Đồng chí Nguyễn Chánh đã góp phần làm vẻ vang thêm lịch sử của quê hương Quảng Ngãi, của dân tộc Việt Nam. Đồng chí đã để lại hình ảnh về một con người tài đức, nghĩa tình trọn vẹn, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một danh tướng mưu lược sống mãi với thời gian và trong lòng nhân dân Quảng Ngãi. “Nguyễn Chánh là một con người thông minh và hiếu học, rất giàu những phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng, từ đó mà cũng rất giàu trí tuệ và tài năng. Anh bắt đầu giác ngộ cách mạng và hoạt động cách mạng từ thời rất trẻ... và suốt đời phấn đấu vì mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội...”. Trích trong lời tựa cuốn sách “Nguyễn Chánh - Con người và sự nghiệp”.
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước, đồng chí Nguyễn Chánh vinh dự được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác...

Đối với gia đình, đồng chí Nguyễn Chánh luôn là tấm gương sáng, là niềm tự hào của con, cháu. Bà Nguyễn Ngọc Sương, con gái của đồng chí Nguyễn Chánh chia sẻ, do nhiệm vụ đặc thù của bố và của đất nước trong giai đoạn kháng chiến, nên chúng tôi không được sống cùng nhau nhiều như những gia đình khác. Khi bố mất, tôi chỉ mới 11 - 12 tuổi và thời gian được sống cạnh bố chỉ khoảng hơn 1 năm, vì vậy mà kỷ niệm của bố với con cái rất ít. Nhưng khi anh em chúng tôi lớn hơn, trưởng thành hơn, được nghe nhiều câu chuyện về bố mình thông qua đồng đội, đồng chí hoạt động cùng ông đã chia sẻ, kể lại, thì chúng tôi mới hiểu được những hoạt động và đóng góp của bố tôi đối với cách mạng.

Chúng tôi luôn khắc ghi việc bố mẹ mình đều là người cộng sản, có đóng góp và dành tình cảm sâu nặng cho gia đình, quê hương, với bà con, đồng đội. Từ đó, phấn đấu sống và làm việc để xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến của bố mẹ. Dạy bảo các cháu phải sống tốt để bảo vệ danh dự của gia đình, bảo vệ thành quả cách mạng của dân tộc.

THANH THUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét