Khách đến vá áo mưa chủ yếu là người lớn tuổi, sinh viên - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Nhiều người qua đường như không hề thấy họ, nhưng có người vẫn dừng lại: "Chị ơi, cho tôi vá lỗ rách áo mưa".
Chiếc áo mưa giá rẻ bèo, mua được ở bất cứ đâu. Ấy thế mà ở Đà Nẵng vẫn còn một thứ nghề... sửa chữa áo mưa rách.
"Cũng có phần do tính ăn chắc mặc bền của người miền Trung mình nữa nên chị em tôi mới sống được...
Bà Lê Thị Thanh
"Vừa rồi có bạn trẻ đến quay tóp tóp (TikTok - PV) hỏi chị em tôi sao vẫn còn làm nghề này. Tôi cũng chẳng biết giải thích sao vì đã làm cả đời, cứ có khách có tiền là làm nuôi con. Lao động tay chân như tôi không quen nghĩ nhiều", bà Lê Thị Xuân Lành (52 tuổi, đường Ngô Gia Tự, quận Hải Châu) nói.
Ở cái thời mà chiếc tivi, tủ lạnh hư người ta còn nghĩ đến chuyện mua mới, có lẽ bà Lành cùng người em gái Lê Thị Thanh là hai người vá áo mưa cuối cùng còn sót lại trên đất nước này.
Dấu hiệu nhận biết góc làm việc của chị em họ là chiếc thùng nhỏ bốc khói dùng để làm nóng que hàn. Bà Lành bắt đầu câu chuyện bên góc ngã tư Ngô Gia Tự - Hùng Vương (quận Hải Châu) thuở dãy phố sầm uất này vẫn còn đầy bóng dừa. "Cha tôi là người đầu tiên vá áo mưa ở đây và giờ thì chị em tôi là người cuối cùng làm nghề này ở Đà Nẵng", bà Lành kể.
Nửa thế kỷ trước, ông Lê Ngãi, cha bà Lành, mang nghề vá áo mưa từ Sài Gòn trở về thị cảng lớn ở miền Trung. Lúc nhà nhà bắt đầu sử dụng đồ nhựa, nghề này đắt như tôm tươi. Từ sửa chiếc áo mưa, đôi dép, xô chậu cho đến ép dẻo giấy tờ, ông Ngãi đều nhận làm. Khách đến sửa áo mưa hay ép giấy tờ thấy "được" nên truyền tai nhau. Nhờ vậy cũng chẳng cần biển hiệu, chỉ với vài cái bàn ghế, que hàn mà ông Ngãi nuôi cả chín miệng ăn trong nhà.
Đường Hùng Vương nơi gia đình ở cũng là trục xương sống bấy giờ tấp nập người xe. Ông Ngãi tiên phong mở nghề, lại ăn nên làm ra nên nhiều người cũng bắt chước làm theo.
Bà Lành nói vào "thời đồ nhựa" thịnh hành cuối thế kỷ trước, những cửa hàng mua bán, sửa chữa đồ nhựa cũng đông vui chẳng kém cửa hàng mua bán điện thoại cũ chục năm trở lại đây. Từ góc chợ Cồn kéo xuống nơi vỉa hè nơi hai chị em ngồi chưa đầy 1km đã ngót nghét hai chục người cũng ra vỉa hè ngồi vá áo mưa, sửa đồ nhựa.
Bà Lành nhớ chính xác thời điểm năm 14 tuổi theo cha ra đường phụ mưu sinh là bởi vết bỏng trên tay. Ngón tay trỏ đầy sẹo, bà nói đây là dấu hiệu người làm nghề vá áo mưa. Việc dùng que hàn nóng làm chảy nhựa từ áo mưa hằng ngày kiểu gì cũng có lúc gặp "tai nạn". Đó là khi chất liệu áo khác nhau, người thợ dù lành nghề nhưng cũng lắm lúc không lường được nhiệt độ, dẫn đến bị bỏng rộp khi dùng tay hàn mối nối.
"Nghề này xoay đi xoay lại cũng là dùng cây hàn nóng để nối chỗ bị rách nên chẳng có nhiều bí quyết nghề nghiệp gì. Cha tôi dạy các con và làm trên đường phố nên ổng chẳng giấu gì. Được cái là khi họ mở ra cả chục cửa hàng thì ba tôi vẫn đông khách nhất vì ổng làm có tâm", bà Lành giải thích.
Những năm cuối thế kỷ trước, góc ngã tư nơi ông Ngãi làm việc đắt khách, gia đình bà lại nghĩ cách mua những cuộn ni lông lớn rồi về cắt ráp, dán thành chiếc áo mưa để bán. Vì tay nghề xịn xò, xử lý được những điểm hay rách nên từng có thời kỳ áo mưa "ông Ngãi" bán được giá cao. Nhưng thói đời, góc phố Hùng Vương một thời vang bóng với hình ảnh những người dán áo mưa, sửa dép nhựa cũng lụi dần thời áo mưa tiện lợi ra đời. Những người làm nghề này cũng rơi rụng, chừng hai chục năm trở lại đây thì chỉ còn hai chị em bà Lành ngồi ở góc ngã tư này.
Vá áo mưa, nghề cha truyền con nối hiếm hoi còn lại - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Có khách đến, bà Lê Thị Thanh (50 tuổi) mở banh chiếc áo mưa tìm chỗ thủng rồi nói giá. Áng chừng vết rách, bà xẻ miếng ni lông trùng màu đặt vào mặt trong điểm rách. Sau khi que hàn cho vào lò than đủ nóng, bà lấy ra chà qua sáp chà xát nhiều lần để miếng ni lông chảy nhựa dính vào chỗ áo mưa rách. Đợi đến khi áo mưa nguội, kiểm tra lại vết dán chắc chắn mới giao cho khách. Từ khâu làm nóng que hàn cho đến vá xong quá trình này đâu đó tốn chừng 3-5 phút cho mỗi lỗ vá.
"Ngó đơn giản nhưng vá cái này phải vừa chắc, vừa thẩm mỹ thì lần sau người ta mới tới. Dán chắc mà lem nhựa ra khách cũng khó chịu", bà Thanh nói thêm.
Tùy số lượng vết rách trên áo mà lấy tiền công nhưng thông thường mỗi chỗ vá giá chừng 10.000 đồng. Bà Thanh bảo cũng vì chiếc áo mưa giá chẳng đáng bao nhiêu nên mới phải thỏa thuận với khách trước khi nhận làm. Đương nhiên giá mỗi lần vá cũng chẳng bao giờ vượt quá 40.000 đồng hoặc quá nửa giá trị chiếc áo.
Quay trở lại thắc mắc của nhiều người về việc chiếc áo mưa chẳng phải thứ đồ vật mang nhiều giá trị hay kỷ niệm nhưng nhiều người vẫn mang vá, bà Thanh tung ra hai áo mưa vá rồi nhưng chưa giao cho khách. Hai áo mưa có cùng điểm rách dưới nách áo. Theo bà, những đoạn nối trên áo mưa như cổ áo, tay áo thường hay bị toạc ra. Cho dù khách bỏ áo cũ, đi mua mới chiếc áo cùng loại thì rồi cũng bị rách lại cùng một chỗ. Vậy nên nhiều người mới chấp nhận mang tới sửa.
"Cũng có phần do tính ăn chắc mặt bền của người miền Trung mình nữa nên chị em tôi mới sống được. Thứ gì còn mới, còn dùng được thì bà con vẫn chắt chiu sử dụng", bà Thanh nói. Đặc biệt giai đoạn trước đây khi kinh tế còn chưa phát triển, sắm cái áo mưa người dân dùng mùa này sang mùa khác. Vậy nên trừ khi vết rách lớn, còn những lỗ thủng nhỏ vá được thì nhiều người vẫn có thói quen mang đến sửa để dùng lại.
Nghề vá áo mưa thì đương nhiên vào mùa mưa mới có khách. Với thời tiết mùa mưa miền Trung kéo dài từ 2-3 tháng thì trung bình vào mỗi ngày hai chị em bà Thanh chia nhau số tiền công từ 200.000 - 300.000 đồng. Nhưng chính vì phụ thuộc vào thời tiết nên khi thu nhập bấp bênh, chị Thanh làm đủ nghề để mưu sinh.
Vào mùa nắng "bám đường", chị em bà còn kiêm luôn đánh giày, sửa dép, có khi chạy xe ôm, bán xăng lẻ cho khách. Dẫu vậy, họ vẫn vô cùng biết ơn cái nghề cầm que đã là nguồn thu nhập chính giúp nuôi sống cả nhà và mang đến tương lai cho con cái.
Sửa chữa kỷ niệmLà khách quen gần 40 năm với tiệm sửa áo mưa của chị em bà Thanh, ông Lâm Sở Hào (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) kể giai đoạn trước đây nhà đông con nên không dễ sắm mỗi người một chiếc áo mưa. Ông làm công nhân môi trường, mỗi năm xí nghiệp tặng cho một chiếc áo mưa. Cả nhà giữ gìn, dồn liên tục nhiều năm mới chia ra được mỗi người một chiếc."Tôi nhớ thời vừa thoát khỏi bao cấp, có chiếc áo tôi mang gần chục năm, vá đi vá lại nhiều lần mà cô Lành vẫn vui vẻ làm dù áo nhựa cũ vá rất khó", ông Hào kể giờ có đồng ra đồng vào nhưng ông vẫn mang áo mưa rách ra đây vá như thuở còn khốn khó.
TRƯỜNG TRUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét