17 thg 8, 2024

Khám phá tháp cổ nghìn năm ở Bạc Liêu

Di tích tháp cổ Vĩnh Hưng được hoàn thiện vào thế kỷ IX, mang đặc trưng kiến trúc - tôn giáo của văn hóa Óc Eo, hiện đón hàng chục nghìn khách đến thăm mỗi năm.


Di tích tháp Vĩnh Hưng có diện tích 5 ha, tọa lạc tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, cách TP Bạc Liêu khoảng 20 km.

Theo Ban quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu, tháp có niên đại từ thế kỷ IV, được tôn tạo nhiều lần đến thế kỷ XIII, thuộc nền văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo.

Tháp Vĩnh Hưng ra đời đóng vai trò là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Óc Eo trong thời kỳ phát triển rực rỡ. Không giống như các tháp Chăm Pa ở miền Trung, tháp không xây giật cấp, trụ, cột giả, không có vết tích của các đồ án trang trí hoa văn bên ngoài cũng như trước cửa. Tháp không có cửa giả ở các mặt lưng và mặt hông. Cửa tháp không xây về hướng đông mà quay về hướng tây nam, điều hiếm thấy trong các kiến trúc tôn giáo của các nền văn hóa cổ ảnh hưởng văn minh Ấn Độ.

Mặt trước tháp Vĩnh Hưng.

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Ban quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu cho biết năm 1911, ông Lunet de Lajonquière, học giả người Pháp, phát hiện và công bố tháp với tên gọi đầu tiên là Trà Long. Đến năm 1917, nhà khảo cổ người Pháp Henri Parmentier đã đặt tên gọi khác là tháp Lục Hiền.

Khi đến khảo sát, nhà khảo cổ phát hiện những di vật như tấm bia đá có bàn chân sư tử, bàn nghiền, mảnh tay tượng cầm con ốc, một bộ Linga-Yoni có đế hình tròn. Văn bia có khắc chín dòng chữ với nội dung đề cập đến các khoản cống nộp gạo, vàng. Đây là cơ sở để nhà khảo cổ Pháp xác định năm tuổi của tháp là năm 872, vào thời vua Jayavarman.


Kết cấu móng tháp Vĩnh Hưng sử dụng xen kẽ đá, gạch để chống sụp lún. Kiến trúc tháp có hình vuông, ba lần bẻ góc đối xứng cả phía trước lẫn phía sau.

Ông Quang cho rằng thiết kế móng dàn trải trên một không gian rộng để chống sụp lún là giải pháp "hết sức thông minh" của người xưa.

Bên trong tháp thờ biểu tượng Linga-Yoni.

Biểu tượng Linga-Yoni là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo trong tín ngưỡng phồn thực của cư dân Óc Eo. Tương truyền, trước khi hành lễ tế thần, chủ lễ sẽ tắm nước thơm lên biểu tượng Linga -Yoni. Nước thơm theo đường dẫn ra bên hông tháp chứa tại hai giếng thiêng. "Cư dân Óc Eo lấy nước thiêng khoác lên người để mong nhiều sức khỏe, vạn vật sinh sôi, thịnh vượng, con cháu đầy đàn", ông Quang nói.


Bên cạnh tháp cổ là nhà trưng bày hiện vật văn hoá quý hiếm qua các đợt thám sát, khai quật khảo cổ tại di tích Vĩnh Hưng.

Trong ảnh là đầu tượng thần Shiva phục chế. Tượng gốc được công nhận là một trong năm bảo vật quốc gia tại di tích. Tuy nhiên, Ban quản lý cho biết các bảo vật được cất giữ ở nơi an toàn, nhà trưng bày chỉ là nơi đặt hiện vật phục chế để phục vụ khách tham quan.

Một số hiện vật được tìm thấy ở di tích khảo cổ Vĩnh Hưng.

Bình gốm, đồ đồng, đá và vật liệu kiến trúc được tìm thấy ở tháp Vĩnh Hưng gắn liền với đời sống sinh hoạt của cư dân Óc Eo, góp phần đánh dấu một giai đoạn tồn tại và phát triển tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân cổ ở Nam bộ.

Nhà trưng bày cổ vật khảo cổ ở di tích.

Khu di tích miễn phí vé cho khách tham quan. Theo đại diện ban quản lý, nơi đây đón mỗi năm khoảng 80.000 lượt khách. Sau khi được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt hồi tháng 7, Ban sẽ tiến hành chống ngập lại phần khảo cổ và thân tháp, làm nhà bao che toàn bộ thân tháp để tránh bị ảnh hưởng do thời tiết.

Phan Trương Nhựt Thanh, 28 tuổi, sống tại TP Bạc Liêu, đến tham quan ngôi tháp cổ hôm 6/8. Du khách cho biết thông tin thuyết minh và hiện vật ở nhà trưng bày đã giúp anh hiểu hơn về sự hình thành và phát triển tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân cổ ở Nam bộ. "Người xưa đã kết hợp tốt các loại vật liệu truyền thống như gạch, ngói, đá tạo nên công trình kiến trúc có giá trị cao", Thanh nói.

Tuấn Anh - Ảnh: Nhựt Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét