Chùa Cổ Sơn người dân thập phương quen gọi là Chùa Nổi, tọa lạc tại ấp Cả Bản xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Chùa Nổi không lớn, kiến trúc đơn giản nhưng luôn đông khách thập phương vì nơi đây được xem là chốn thuần khiết cho đời sống tín ngưỡng, tâm linh và mang đậm nét văn hóa cổ xưa.
Du lịch Long An, muốn đến thăm chùa Nổi, xuất phát từ TP. Tân An, tỉnh Long An đi dọc theo Quốc lộ 62, rẽ trái sang Đường tỉnh 831 đến địa phận xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng sẽ thấy biển chỉ dẫn vào Cổ Sơn tự (còn gọi là chùa Nổi). Ngôi cổ tự trầm mặc soi mình bên dòng Vàm Cỏ Tây, bình yên dưới những tán cây cổ thụ.
Cổng chùa
Theo nhiều tài liệu, chùa được xây dựng cách đây gần 200 năm, ban đầu có tên Bửu Sơn, sau đó đổi tên thành Cổ Sơn tự. Các sư thầy cho biết việc đổi tên này có nguyên nhân là gò đất – nơi chùa đang tọa lạc giống như ngọn núi thiêng, chứa đầy yếu tố tâm linh, huyền bí. Tuy nằm trong vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười nhưng dù đỉnh lũ có cao đến đâu thì ngôi chùa này vẫn “nổi” trên mặt nước.
Chánh điện
Giai thoại xưa kể rằng, chùa Nổi trước đây chỉ là một gò đất nhô cao hơn so với những vùng đất xung quanh, cây cối mọc um tùm rất hoang sơ. Hàng năm, khi lũ về, khắp nơi đều chìm trong biển nước, duy chỉ có nơi này là không bao giờ bị ngập. Chính vì thế mà đám trẻ đi chăn trâu, cắt cỏ thường tụ tập tại đây. Lúc rảnh rỗi, chúng thường nghịch đất rồi nặn thành những bức tượng. Sợ con ham chơi quên mất việc chăn trâu, những bậc phụ huynh ném những bức tượng bằng đất xuống sông. Điều kỳ lạ là những bức tượng này không bị chìm mà vẫn nổi trên sông. Nhận thấy có điều khác lạ, người dân trong vùng đoán rằng đây là vùng đất linh thiêng, nơi Phật ngự nên mọi người vớt các bức tượng lên rồi lập thành một cái am nhỏ để thờ cúng, cầu mong mưa thuận gió hòa, vạn sự bình an. Ít lâu sau, câu chuyện kỳ lạ đó được lan truyền rộng rãi. Vậy là, không ai bảo ai, người góp công, người góp của chung tay xây dựng ngôi chùa.
Gian thờ bên trong chánh điện
Bên cạnh những giai thoại xưa là câu chuyện được kể từ đời thường. Theo lời kể của người dân địa phương, có những năm nước dâng cao đến đỉnh điểm, người dân trong vùng phải chạy lũ. Dù ngôi chùa nằm sát mé sông nhưng chưa bao giờ bị nước lũ nhấn chìm. Vậy là, người dân thường tìm đến đây để tránh lũ.
Sau nhiều lần bị xuống cấp, hư hỏng và chiến tranh tàn phá, trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng ngôi chùa vẫn giữ được tổng thể hài hòa, trang nghiêm, cổ kính với một gian chính điện và nhiều gian thờ nằm bên ngoài.
Khuôn viên thoáng mát nhiều cây xanh
Bước vào cổng chùa, chúng ta sẽ gặp ngay cây trôm gần 200 tuổi đang tỏa bóng. Đường kính thân đến 2 người ôm. Trong khuôn viên sân chùa rợp mát dưới hàng dầu cổ thụ cùng nhau tỏa bóng. Năm 2019, cây trôm 100 tuổi và cụm 5 cây dầu trong khuôn viên chùa Nổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Cây trôm 100 tuổi và cụm 5 cây dầu trong khuôn viên chùa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Trước mặt chánh điện uy nghiêm với đôi rồng chầu, dọc theo hành lang là những hoa văn sen đúc nổi. Ngày đôi lần dưới tán cây, tiếng mõ công phu làm không gian thêm phần bình yên, an lạc.
Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát
Tấm biển nhỏ đề nghị phật tử, người viếng chùa không đốt nhang trong chánh điện đặt ở nơi dễ thấy. Người đến viếng chùa bằng cái tâm muốn tìm về chốn thinh lặng, bình yên, không nhất thiết phải nhang trầm nghi ngút khói, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng đến bầu không khí trong lành vốn có dưới những cội cây già. Có thể thấy, đó là một thông báo hết sức hợp lý, khoa học.
Không chỉ là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Long An, chùa Nổi còn là di tích khảo cổ học. Nhiều hiện vật liên quan đến kiến trúc cổ của nền văn hóa Óc Eo được tìm thấy tại đây: Gốm, gạch xây dựng, búp sen, công cụ bằng xương,…
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Nổi là cơ sở cách mạng tin cậy của ta, góp phần xứng đáng vào thành tích anh hùng của xã Tuyên Bình. Hiện nay, trong khuôn viên chùa vẫn còn tấm bia ghi công của chùa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét