18 thg 10, 2020

Khu di tích Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung – Đồng Tháp

Khu Di tích Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung tọa lạc xã An Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Đây là điểm du lịch Đồng Tháp về nguồn ý nghĩa, khách có thể tham quan phòng trưng bày các tư liệu, hiện vật lịch sử; tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của Tiểu đoàn 502 anh hùng, những trận đánh của quân và dân Đồng Tháp trên đồng nước nổi năm xưa. 

Tượng đài chiến thắng 

Ngày 26/9/1959, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Tiểu đoàn 502 tỉnh Kiến Phong tiêu diệt một Tiểu đoàn địch tại Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung ngay trong lần đầu ra quân. 

Trong 2 ngày, 42 tay súng của Tiểu đoàn 502 chiến đấu 2 trận, diệt gọn Đại đội 12, Đại đội 7 và Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 43, Sư đoàn 23 chủ lực Sài Gòn; đánh bại cuộc hành quân cấp Trung đoàn do phân khu Bắc tổ chức… Tiểu đoàn 502 còn thực hiện tốt công tác binh vận, giáo dục, cảm hóa, phóng thích tù binh. Đơn vị được tặng thưởng nhiều Huân chương chiến công, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ được tặng Huân, Huy chương các loại, và được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1976. Sau khi hòa bình thống nhất Tiểu đoàn 502 làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia và đang tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, sẵn sàng chiến đấu xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh. 


Chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung là chiến công xuất sắc đầu tiên của đơn vị bộ đội địa phương tỉnh nhà khi vừa tuyên thệ đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 502 được 3 ngày; là thắng lợi quân sự sớm và lớn nhất. Chiến thắng lịch sử Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung đi vào huyền thoại lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ví như “tiếng sấm đầu mùa” khởi đầu cho cuộc đấu tranh ở miền Nam. 


Để ghi dấu sự kiện lịch sử hào hùng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, năm 1999, hoa viên và tượng đài chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung được xây dựng tại xã An Phước, huyện Tân Hồng. 


Năm 2004, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. 


Bố cục tổng thể của tượng đài được tác giả Phạm Mười – Nguyên Trưởng ngành điêu khắc Việt Nam khái quát với 03 nhân vật đứng trên xuồng đang rẽ sóng trên đồng nước mênh mông trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với niềm tin chiến thắng. Tượng đài cao 25m bằng bê tông cốt thép, bệ tượng ốp đá hoa cương, được xây dựng trên khuôn viên có diện tích 50.000 m2.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét