“Mẹ ngồi đầu sàn kéo sợi, xe tơ/Bố ngồi bên cửa sổ, đan chài”- đó là hình ảnh đặc trưng về sinh hoạt trong gia đình người Thái, đã được nhắc đến nhiều trong văn học dân gian. Chả thế mà một trong những câu hát đầu tiên các cô gái khi hát đối giao duyên với các chàng trai, thường là: “Khi anh dậy anh đi, mẹ ta có ngồi đầu sàn kéo sợi?/ Bố ta có ngồi bên cửa sổ đan chài?”.
Với nền nông nghiệp tự cung tự cấp, người phụ nữ phải lo “cái mặc” cho gia đình.
Cái nét sinh hoạt điển hình đó nói lên hoàn cảnh, điều kiện, môi trường sống của người Thái đã trải qua hàng ngàn năm. Cách đây hàng trăm năm, người Thái thiên di từ phía Bắc xuống. Tại miền Tây Nghệ An họ tụ cư trong các thung lũng, dọc theo khe, suối, làm lúa nước (kết hợp với nương rẫy) và đánh bắt thủy sản… Với nền nông nghiệp tự cung tự cấp, người phụ nữ phải lo “cái mặc” cho gia đình.
Trừ những khi bận bịu với mùa màng, còn lại, người phụ nữ gắn với việc trồng bông, dệt vải, trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ… Họ tranh thủ những lúc nông nhàn bật bông, nhuộm vải dệt thổ cẩm… Thật đúng như câu tục ngữ của người Thái: “Chân ngoài rừng, tay trong nhà”.
Người con gái Thái phải học bà, học mẹ nhộm bông, dệt vải, thêu thùa từ khi 10-11 tuổi. Để đến tuổi lấy chồng đã có đủ váy áo, khăn, màn, gối, nệm… làm của hồi môn đem về nhà chồng.
Bà Lô Thị Lan ở bản Mác, xã Thạch Giám (Tương Dương) bên khung dệt thổ cẩm; Những tấm thổ cẩm đặc sắc do người phụ nữ Thái dệt nên. Ảnh: Đình Tuân
Người đàn ông Thái thể hiện vai trò trụ cột gia đình của mình bằng những việc như săn bắn, bẫy thú, quăng chài.
Người đàn ông Thái lại lo “cái ăn”, tất nhiên họ cũng đóng góp công sức cho việc phát nương làm rẫy. Những người đàn ông thể hiện vai trò trụ cột gia đình của mình bằng những việc mà tạo hóa ban cho họ, đó là săn bắn, bẫy thú, quăng chài… Trước hết người đàn ông phải lo làm rẫy gai để lấy sợi. Từ sợi gai mới làm ra chài, lưới để đánh cá hay bắt thú. Sợi gai cũng để đan vó, xúc (bính), vợt (xộc)…
Muốn làm nên những công cụ này, người đàn ông phải có bộ đồ nghề để “chế biến” sợi gai. Đó là dụng cụ dùng để tước vỏ gai lấy sợi, gồm 1 con dao nhỏ, hình lá lúa, cán dài, một vật dùng xe sợi gọi là “pẳn pản” 2 đầu có bánh xe nhỏ để xoay.
Nếu đan các loại chài vó, lưới, xúc vợt... cần có cái “móc” giống mỏ chim nên gọi là “húa nộc cốc”- nghĩa là đầu chim mỏ sừng; thanh tre dẹt dài hơn gang tay để làm cỡ mắt lưới (to, nhỏ) và thanh gỗ dẹt và hẹp bằng bàn tay, dài khoảng nửa sải để quấn sợi…
Những người đàn ông Thái giỏi quăng chài bắt cá. Ảnh: Bá Hậu
Ngoài dụng cụ để đan chài, lưới, người chủ gia đình còn phải làm các dụng cụ để người dệt vải. Từ cái cán bông, bật bông, xa kéo sợi, đến khung cửi… Nếu chủ nhà không có kỹ năng làm những cái đó, thì ông ta phải “lấy vật đổi vật” với người khác. Xưa kia, nếu những người đàn ông không thể làm được những vật dụng tối cần thiết này để phục vụ sinh hoạt gia đình thì đều phải mang những vật phẩm có giá trị của mình để đổi cho người khác. Ngày nay không còn hình thức “vật đổi vật” nữa, thay vào đó, người ta sẽ bỏ tiền bạc ra mua về.
Hiện nay cho dù cuộc sống công nghiệp với các dây chuyền sản xuất hiện đại, nhưng hàng hóa thủ công truyền thống như dệt vải, dệt tơ, đan chài, lưới... vẫn cần phải được bảo lưu. Bởi đó là bản sắc văn hóa dân tộc được người Thái truyền lại cho thế hệ sau.
Quán Vi Miên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét