8 thg 10, 2020

Hái trăng trên đồi cát

Những cô gái Chăm bước đi dập dìu "hái trăng" trên đồi cát Nam Cương tạo nên cảm hứng cho những bức ảnh nghệ thuật độc đáo.


Bộ ảnh “Hái trăng trên đồi cát” do nhiếp ảnh gia Nguyễn Tấn Tuấn (TP HCM) thực hiện trong một chuyến tác nghiệp gần đây tại Ninh Thuận.

Rạng đông là thời điểm tuyệt vời để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đồi cát với những mảng màu cam, đỏ, vàng trên bầu trời tương phản với sắc tối của các sóng cát nhấp nhô.

Đồi cát Nam Cương, nằm trên địa bàn thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, cách TP Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 8 km. Nếu du khách đi xe máy từ Phan Rang thì mất khoảng 30 phút là đến đây.

Tác phẩm “Vũ điệu nghịch cát” của các cô gái Chăm lúc bình minh. Đồi cát Nam Cương từ lâu là điểm đến yêu thích của du khách, các nhiếp ảnh gia trong hành trình du lịch, sáng tác ảnh tại Ninh Thuận.

Đi trên đồi cát lộng gió, du khách sẽ thấy nhiều hình dạng kỳ thú của thiên nhiên. Mỗi góc đứng cho du khách một cảm nhận khác nhau của các đụn cát trập trùng trải rộng mênh mông.

Bóng trải dài của ba cô gái Chăm in trên nền cát vàng lúc hừng sáng. Nền cát và hình dạng của “đường cong cát” thay đổi theo từng giờ, từng ngày tùy theo sức gió cuốn cát mạnh hay nhẹ.
Đồi cát có diện tích khoảng 700 ha, độ cao từ 20 - 30 m, có nơi cao tới 100 m so với mực nước biển.

Các cô gái Chăm mặc váy áo xanh, đỏ và vàng vui mừng khi thấy "trăng treo" trên đồi cát. Anh Tuấn cho biết đằng sau những bức ảnh nghệ thuật này là sự nhập tâm của các cô gái Chăm đi nhịp nhàng trên cát.
Nam Cương là nơi thỏa sức sáng tạo cho những tác phẩm ảnh. Trong tháng 6 năm nay, anh Tuấn đến đồi cát may mắn vào dịp những ngày trăng hạ huyền lúc 6h sáng, ghi lại hoạt cảnh các cô gái Chăm băng qua đồi cát đi tìm mặt trăng, sau đó "hái trăng" và mang về với quang cảnh dường như chỉ có trong miền cổ tích.

Tùy theo chủ đề ảnh mà có các hoạt động diễn xuất kèm đạo cụ khác nhau trên đồi cát, như trẻ em chạy chơi trên cát, phụ nữ quang gánh, mang bình gốm trên đầu hay mang nhá - một loại vó nhỏ đánh bắt cá đồng.
Người phụ nữ Chăm đi đầu diễn cảnh dùng nhá vớt lấy ánh trăng. Vào những ngày trăng hạ huyền, mặt trăng mọc vào lúc nửa đêm, lặn lúc bình minh và trăng to tròn nhất.

Phụ nữ Chăm sau khi hái trăng thì "đựng" trăng vào bình gốm và mang về.

Ba phụ nữ mỗi người một vẻ biểu cảm, đá nghịch cát khi mang trăng về nhà.

“Hoạt cảnh hái trăng được tái hiện thông qua nhiếp ảnh góp phần tô thêm sắc màu đời sống, văn hóa của dân tộc Chăm. Chúng tôi cảm thấy vui vì điều này, nên góp công chuẩn bị trang phục, đạo cụ diễn xuất để khung ảnh chụp được lung linh nhất”, một phụ nữ Chăm tham gia diễn cảnh hái trăng chia sẻ.

Huỳnh Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét