Đến với chùa Hang (Bình Thuận) du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp uy nghi của kiến trúc mà còn được thả mình trong không khí thanh tịnh chốn cửa Phật, với thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ.
Mang đậm giá trị lịch sử
Chùa Cổ Thạch còn gọi là chùa Hang hay chùa Đá Cổ nằm trong khu du lịch Cổ Thạch tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 100 km về phía Bắc, cách thị trấn Liên Hương 8 km về phía Đông, là một quần thể kiến trúc Phật giáo được xây dựng dựa vào núi, nằm san sát các hang đá trong khu vực hơn 2.000 m2, phía Đông Nam liền kề với biển Đông, ba mặt còn lại thì giáp rừng núi và những dải đá nguyên sinh tuyệt đẹp.
Chùa Cổ Thạch còn gọi là chùa Hang hay chùa Đá Cổ nằm trong khu du lịch Cổ Thạch tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 100 km về phía Bắc, cách thị trấn Liên Hương 8 km về phía Đông, là một quần thể kiến trúc Phật giáo được xây dựng dựa vào núi, nằm san sát các hang đá trong khu vực hơn 2.000 m2, phía Đông Nam liền kề với biển Đông, ba mặt còn lại thì giáp rừng núi và những dải đá nguyên sinh tuyệt đẹp.
Tại cổng tam quan, lối dẫn vào chính điện là tượng hai linh vật voi và hổ hộ pháp phía trước.
Ban đầu, chùa chỉ là một thảo am nhỏ do nhà sư Bửu Tạng thuộc đời thứ 40 thiền phái Lâm Tế ở năm Minh Mạng thứ 16 (1835) lập nên để sống cuộc đời tu hành, cứu giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau trong thời loạn lạc. Và sau hơn 100 năm tuổi thọ, qua nhiều lần trùng tu, sửa sang lại, ngôi chùa không chỉ rộng lớn, khang trang hơn mà còn được công nhận là di tích, thắng cảnh quốc gia vào năm 1996 cũng như thu hút rất nhiều người từ khắp nơi về hành hương và tham quan mỗi năm.
Hang thờ Phật Mẫu Chuẩn Đề.
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn.
Toàn cảnh chùa Cổ Thạch.
Lối vào chùa qua cổng Tam quan quay về phía Tây Nam là con đường có 36 bậc thang được gắn kết với nhau bằng phiến thạch. Dưới chân bậc thang là đôi rồng uốn lượn hai bên được đúc bằng xi-măng như chào đón những ai có duyên đến viếng chùa. Bên phải chiếc cầu gần cổng Tam quan là bức tượng hình hổ ngồi và bên trái là tượng voi nằm được tạc tạo tinh vi. Ba phiến đá tự nhiên nổi lên cao xếp thành hàng ngang ở phía trước khu Chính điện làm nổi bật con cá Kình bằng đá tự nhiên (theo Kinh của Phật gọi là con “ma kiệt”, một loài thủy quái được xem là hóa thân từ Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát để giúp đỡ ngư dân khi gặp nạn ở biển khơi).
Nghệ thuật tạo dáng tinh tế
Khu vực chùa Cổ Thạch là một quần thể kiến trúc, am, điện, cốc liên hoàn với nhau trên khu đồi đá rộng hơn 4 ha. Chính điện chùa nằm trong quần thể núi đá tự nhiên, có khi nằm lọt thỏm giữa những tảng đá to. Kế đó là các nhà thiền, từ đường, nhà tổ, gác chuông, lầu trống, am cốc thờ tự, với những câu liễn phi, hoành đối khá ấn tượng và bảo quản tốt. Mỗi hang động thờ một vị Phật, hoặc Bồ tát, hoặc một nhà sư đã viên tịch. Hang thờ Tổ khai sơn Cổ Thạch tự là nhà sư Bảo Tạng, có tượng nhà sư và nhiều bài vị của những người có công lao xây dựng chùa. Hang thờ Phật Mẫu Chuẩn Đề là một hang động bên trong có tượng Phật 8 tay và nhiều tượng cổ. Hang Tam Bảo thờ 23 pho tượng Phật cổ với nhiều kích thước và niên đại khác nhau...
Nghệ thuật tạo dáng tinh tế nơi cổ tự.
Những câu liễn, câu đối vẫn được giữ lại cho đến thời nay.
Hình thể các công trình kiến trúc từ Tam quan đến Ngọ môn, lầu Chuông, gác Trống, Chính điện nhà thờ Phật Tổ... và các công trình khác của chùa thể hiện nghệ thuật tạo dáng tinh tế nơi cổ tự. Đặc biệt, đập ngay vào ánh nhìn của du khách là hình tượng “tứ linh” Long, Lân, Quy, Phụng, nét đặc trưng trong kiến trúc tôn giáo, cung đình được thể hiện trên mái chùa và nhiều nơi tôn nghiêm nhất.
Có rất nhiều tượng Phật tại chùa Hang.
Cổ Thạch Tự mang một vẻ đẹp nguyên sơ độc đáo, tựa đầu lên núi lên đồi cùng hàng ngàn phiến đá, hang động kỳ bí, thấp thoáng trong làn sương mờ như chốn bồng lai tiên cảnh khiến ai đến du lịch Bình Thuận cũng phải ghé qua.
Tuấn Kiệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét