7 thg 9, 2020

Đình Vĩnh Nguơn An Giang – Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia

Châu Đốc là vùng đất “tân cương biên trấn” có 4 dân tộc Kinh- Hoa- Chăm- Khmer cùng sinh sống, tạo nên văn hóa đa dạng đặc sắc. Nơi đây có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, nhiều lễ hội mang đậm yếu tố tâm linh, trong đó không thể không nhắc đến Đình thần Vĩnh Ngươn.

Đình Vĩnh Nguơn tọa lạc trên ở điểm giao nhau giữa sông Hậu và nơi khởi đầu của dòng kênh Vĩnh Tế thành một ngã ba mênh mông sóng nước, thuộc phường Vĩnh Ngươn, Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. 

Đình Vĩnh Nguơn nằm bên bờ sông tuyệt đẹp 

Đình Vĩnh Ngươn thờ ông Nguyễn Hữu Lễ, theo tương truyền là người có công cứu Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh) trên đường bị quân Tây Sơn truy đuổi. Nguyễn Hữu Lễ đã đứng ra huy động dân làng, tập hợp thuyền bè để đưa Nguyễn Ánh và quân lính vượt sông, bôn đào. Sau khi đoàn quân Nguyễn Ánh đi khỏi, ông cùng mọi người nhận chìm xuồng ghe khiến cho quân Tây Sơn đến nơi không tài nào truy đuổi kịp, bèn quay lại tra xét dân làng. Để cứu mọi người, ông đã can đảm đứng ra nhận tội chết nên dân làng được yên ổn. Cảm khái nghĩa khí của ông, sau khi ông mất, người dân đã lập nơi thờ phụng để hương khói, tưởng nhớ. Về sau, khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua xưng là Gia Long (1802), đã nhớ công lao của ông nên phong làm “Thành Hoàng Nghĩa Dũng Hữu Lễ Nguyễn Công Tôn Thần”, tức Thành Hoàng làng Vĩnh Nguơn. Dân làng bèn trùng tu ngôi đình để thờ phụng, ngày đêm nghi ngút khói hương. Đến đời vua Khải Định năm thứ 9, lại sắc phong vị “Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần”. Trong kháng chiến, ngôi đình trở thành cơ sở liên lạc của cán bộ cách mạng.

Theo nhân dân địa phương, Đình Vĩnh Nguơn có lịch sử hình thành khoảng 200 năm, ban đầu bằng tre lá đơn sơ. Năm 1929, Đốc phủ Trương Tấn Vị cùng Ban quý tế họp sức dời ngôi đình về địa điểm hiện nay, vì chỗ cũ hằng năm thường xuyên bị ngập vào mùa nước nổi. 

Cổng Tam Quan 

Sau nhiều lần trùng tu, ngôi đình vẫn giữ nguyên nét đẹp kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu cho di sản văn hóa dân tộc. Ngôi đình được xây dựng theo kiểu ba gian, hai chái, gồm các công trình: Đại điện, võ qui, võ ca, nhà khói… Công trình có sự gắn kết tài tình giữa các cột, xiên, kèo tạo nên một khung sườn kiên cố có sức chịu lực rất cao cho toàn bộ khối kiến trúc. 

Đình Vĩnh Nguơn có lịch sử hình thành khoảng 200 năm 

Chánh điện kết cấu theo kiểu cổ lầu tam cấp, với các thân kèo được thợ xưa chạm khắc nhiều đường nét hoa văn hoa lá, đầu rồng, vòm mây rất đẹp mắt. Nóc đại điện gắn bộ lưỡng long tranh châu, phía dưới đắp nổi phù điêu mai, điểu… Các cột ở Đình Vĩnh Nguơn được bao lam thành vọng trang trí hoa văn nối liền từng đôi cột và trên thân cột được gắn các liễn đối, có chạm khắc hoa lá, hoặc hình tứ linh, bát tiên… làm tăng vẻ uy nghi, cổ kính. 

Chánh điện kết cấu theo kiểu cổ lầu tam cấp 

Bàn thờ chính được đặt nơi trang trọng nhất ở đại điện, thờ thần Nguyễn Hữu Lễ. Cách bày trí khung cảnh lộng lẫy với hầu hết vật thể được sơn son thếp vàng, chứa nhiều hiện vật thờ tự mang tính lịch sử cao như bài vị, hòm sắc, lá sắc, khánh thờ … Ngoài ra, còn có ngôi Long đình và bàn thờ Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiền… với tổng số 21 bàn thờ cổ, chất liệu bằng gỗ, được cẩn ốc xa cừ hoặc chạm khắc các điển tích Trung Hoa như Văn Vương cầu hiền, Bá Nha khóc Tử Kỳ, hoặc mai, cúc, điểu v.v…Ngoài ra, còn có các bộ tranh sơn thủy vẽ phong cảnh sống động ở các bàn thờ và trên các mặt dựng ở nóc mái đình… 

Bên trong đình 

Những cổ vật quý còn lưu giữ ở đình Vĩnh Nguơn có: 12 đôi liễn gỗ, 6 hoành phi gỗ, 20 bộ lư đồng, 2 cặp chân đèn, trống, chiêng, 1 Long đình, 3 Long vị, cùng 80 bức tranh sơn thủy và phù điêu… Vì những giá trị lịch sử và mỹ thuật đã kể trên, ngày 2 tháng 6 năm 2011, ngôi đình đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc. 

Đình đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc Gia 

Một điều quý giá nữa làm nên giá trị di tích là di sản văn hóa phi vật thể từ sự tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong vùng. Đối với họ, đây là chốn linh thiêng bất khả xâm phạm, là nơi để thờ phụng vị Thành hoàng đã ra sức bảo vệ cuộc sống của nhân dân, mang lại sự ấm no, sung túc cho làng mạc…

Tất cả đã góp phần làm tăng vẻ đẹp hoàn hảo cho ngôi đình, xứng đáng là một di tích văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo để khách thập phương mỗi khi có dịp du lịch An Giang đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Ảnh: Anh Ba Tailor, sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét