27 thg 11, 2019

Phố Hàng Điếu: “Thánh địa” của dân ghiền thuốc lào Hà Nội xưa

Khi chưa có thuốc lá, các loại điếu dùng để hút thuốc lào là vật bất khả ly thân của nhiều nam giới người Việt. Khi ấy, phố Hàng Điếu là điểm đến quen thuộc của dân ghiền thuốc lào khắp Hà Nội...

Phố Hàng Điếu là con phố dài 280 mét, kéo dài từ phố Bát Đàn đến phố Đường Thành, giáp chợ Hàng Da, phía Tây khu phố cổ Hà Nội
 
Đây nguyên là đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương cũ. Tổng này vốn có hai thôn Yên Nội, một là Yên Nội Cổ Vũ tức là khu vực phố Hàng Da, và một là Yên Nội Đông Thành tức khu vực phố Hàng Điếu, Hàng Nón

Tên gọi phố Hàng Điếu có nguồn gốc từ việc phố này thời xưa có nhiếu cửa hàng bán các loại dụng cụ hút thuốc lào như điếu ống, điếu bát, nhận gia công bịt bạc bịt vàng các loại điếu… Khi chưa có thuốc lá, các loại điếu là vật bất khả ly thân của nhiều người, nhất là nam giới.

Thời thuộc địa, người Pháp gọi phố là rue des Pipes, nghĩa là phố bán tẩu thuốc (người Pháp không có loại dụng cụ hút thuốc lào tương tự ống điếu của người Việt). Năm 1945 phố lấy lại tên tiếng Việt là Hàng Điếu, các đợt đổi tên phố sau đó vẫn giữ nguyên tên gọi này

Ở số nhà 30 Hàng Điếu có ngôi đền Hỏa Thần, còn gọi là đền Nhà Hỏa. Đền này dựng từ năm Minh Mạng thứ 19 (tức 1838), ngày nay là một di tích lịch sử quan trọng của Hà Nội.

Đền Hỏa Thần thờ “Ngũ hiển hoa quang đại đế”, một ông thần có uy lực trừ được hỏa hoạn theo quan niệm dân gian. Tương truyền trong đền xưa có một quả chuông to, hễ quanh đấy có đám cháy là ông từ thỉnh chuông này lên, vừa để cầu thần phù trợ, vừa để báo động

Do sự hiện diện của đền Hỏa Thần mà xưa kia đoạn phố có đền (đầu Hàng Gà) được người dân gọi là phố Nhà Hỏa (còn phố Nhà Hỏa ngày nay khi xưa là ngõ Nhà Hỏa)

Đến đầu thế kỷ 20, phố Hàng Điếu chỉ còn vài ba nhà kinh doanh điếu và bịt vàng bịt bạc các loại điếu. Ngành nghề này dịch chuyển sang các phố lân cận như Bát Đàn, Bát Sứ. Phố Hàng Điếu khi ấy có nhiều cửa hàng làm và bán đồ da, chủ yếu là các loại giày dép

Đây cũng là giai đoạn một số nhà in mở ra trên phố Hàng Điếu, nổi tiếng nhất phải kể đến nhà in Nhật Nam. Đây là địa chỉ quen thuộc của các tác giả nổi tiếng của đời sống văn học Việt Nam thời đó như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân…

Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp mùa đông năm 1946, phố Hàng Điếu là tuyến đầu của các cuộc giao tranh ở Hà Nội. Nhiều nhà cửa trên phố thời đó bị phá hủy nặng nề.

Sau năm 1954, dân phố Hàng Điếu quay lại nhịp sống thời bình sống với nghề sửa chữa đồ da, cắt lốp xe làm dép, khâu chậu, thùng, xô, có một số nhà đóng dép xăng-đan

Ngày nay, phố Hàng Điếu hoàn toàn không còn bóng dáng của những loại điếu ống, điếu bát… thay vào đó là những cửa hàng kinh doanh đủ loại mặt hàng khác nhau

Mặt hàng đặc trưng của phố Hàng Điếu hiện tại là các loại trà ướp sen, ô mai, mứt kẹo, bánh xu xê, mứt sen… phục vụ cưới hỏi

Bên cạnh đó là các nhà bán chăn đệm, bông, mút...

...Và đồ thời trang.

Đây cũng là một phố ẩm thực có tiếng của Hà Nội với nhiều hàng quán vỉa hè, bán các món như phở gà, bún bò Nam Bộ, miến lươn, xôi chè...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét