13 thg 11, 2019

Độc đáo nghề vẽ tranh trên kính ở Phú Tân

Nói đến vẽ tranh trên kính thì phải nhắc đến ấp Phước Thuận, xã Phú Tân (Châu Thành), nơi đây đã nổi tiếng gần xa, là nơi ra đời của những bức tranh vẽ kể về câu chuyện cuộc đời của đức Phật Thích Ca, phong cảnh chùa hay địa danh nổi tiếng trên mặt kính thủy tinh trong suốt. Vùng đất này có nhiều làng nghề truyền thống được lưu truyền lâu năm. Tuy vẽ theo mẫu có sẵn nhưng những bức tranh trên kính là sản phẩm của sự cần cù, chăm chút từng nét vẽ, vẫn giữ nét độc đáo riêng, sắc thái văn hóa hội họa của đồng bào Khmer Sóc Trăng.

Tranh kính được nhiều gia đình mua về để thờ tự hoặc trang trí trong nhà. Vẽ tranh trên kính phải qua nhiều công đoạn mới hoàn thành. Tranh được vẽ trên tấm thủy tinh trong suốt, kích thước bức tranh không giới hạn, màu sắc thì phong phú. Trước tiên, người thợ đặt tấm kính lên tờ giấy hình mẫu, lưu ý có những chi tiết phải vẽ ngược để khi bức tranh hoàn thành, thì lật lại mặt sau mới khớp với hình mẫu. Tiếp đó, người vẽ dùng cọ chấm sơn (nước sơn được pha loãng bằng xăng, dầu hỏa) vẽ đồ theo hình mẫu. Tuy nhiên, phải tinh mắt và nhanh tay vẽ mới có những nét thanh, mảnh, mịn, không bị động sơn. Khi hỏi một bức vẽ hoàn thành trong bao lâu, người thợ vẽ cho biết cũng mất mấy ngày vì một bức tranh qua nhiều công đoạn. Nên khi vẽ, họ vẽ một loạt tranh chứ không vẽ hoàn thành riêng từng bức. Trước là vẽ nét đồ theo tranh mẫu, sau tô màu. Nhưng khi vẽ nét màu nào, phải phơi cho khô thì mới vẽ màu khác lên được. Mất thời gian là như vậy. 

Bà Triệu Thị Vui ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân (Châu Thành) chăm chút từng nét vẽ. 

Bà Triệu Thị Vui ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân (Châu Thành), người gắn bó với nghề vẽ tranh trên kính chia sẻ: “Sau khi lấy chồng về đây tôi biết nghề này. Thời đó, vẽ vui lắm, cả xóm, anh chị em lớn nhỏ đều làm nghề này. Trước nhà cất nhà mát để mọi người làm. Chia riêng hai nhóm, nhóm vẽ, nhóm sơn màu. Trước đây, tôi thường vẽ đường viền của bức tranh, công đoạn này khá đơn giản”. Theo bà Vui, điểm khó vẽ là mắt và miệng. Vì phải vẽ đôi mắt có hồn và miệng thì phải như đang cười.

Tuy nhiên, theo thời gian, nghề vẽ tranh trên kính hầu như không còn bao nhiêu người kế nghiệp với lý do khó làm, không ai kiên trì với nghề được. Bà Vui chia sẻ, trước đây bà không chuyên về vẽ tranh trên kính nhưng thấy nhiều người bỏ nghề, vì không muốn nghề bị mai một nên bà tiếp nối và theo nghề cho đến ngày nay. Theo bà biết, tại ấp Phước Thuận chỉ còn 5 người theo nghề và con cháu của họ cũng không theo nghề. Hiện người trẻ tuổi nhất cũng 48 tuổi, bà năm nay cũng đã hơn 60 tuổi nhưng cứ canh cánh bên lòng cái nghề vẽ tranh trên kính.

Khi nói chuyện về nghề vẽ tranh trên kính, bà Vui lại rơm rớm nước mắt và mong ước sẽ có người theo học, bà sẵn sàng truyền nghề ngay. Hiện bà nhận được nhiều đơn đặt hàng ở trong tỉnh, tỉnh Trà Vinh, An Giang nên nhiều khi làm không kịp, bà phải tranh thủ buổi tối để làm và chuyển kính đến các chị trong ấp cùng làm.

Bà yêu nghề đến nổi có những sáng tạo riêng mình. Nhiều người mua cọ ngoài chợ về vẽ, còn bà thì mua về tháo bỏ phần lông cọ, thay vào đó bằng lông mèo, vì lông mèo sợ mịn, dễ vẽ hơn. Chia sẻ về cây cọ đặc biệt của mình, bà khoe ngay: “Trước đây, tôi cũng dùng lông chó nhưng thấy không êm, nên chuyển qua lông mèo. Thấy mèo nhà lông dài là tôi cắt lại lông, gói giấy lại để dành xài dần. Sau khi vẽ xong rửa sạch cọ bằng dầu hỏa là dùng được lâu hơn”.

Tuy tồn tại lâu năm, nhưng nghề này vẫn làm thủ công, không có công đoạn nào dùng máy móc thay thế. Thêm nữa phải phụ thuộc vào thời tiết, nắng tốt thì tranh phơi mau khô màu sơn, tranh bóng đẹp hơn. Tuy nhiên, tranh trên kính ở Phú Tân rất bền, khi bức tranh hoàn thành thì màu sơn bám chặt vào kính, có làm cách nào cũng khó mà bong tróc hay phai màu được.

Minh Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét