Trong những chuyến công tác về Kon Plông, tôi rất hay được thưởng thức tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào Mơ Nâm nơi đây. Những âm thanh trầm, bổng giữa đại ngàn Trường Sơn hoang sơ như hút hồn, đưa bước chân tôi tìm đến những nghệ nhân Mơ Nâm - chủ nhân của những âm thanh diệu kỳ.
Già A Vơng (thôn Kon Ke 1, thị trấn Măng Đen) là một người đã gắn bó cả đời với tiếng cồng, tiếng chiêng đã giúp tôi hiểu hơn về “đặc sản” này của người Mơ Nâm. Già chia sẻ, đối với nghệ thuật cồng chiêng, ở mỗi dân tộc sẽ có sự khác biệt. Người Mơ Nâm cũng vậy, cồng chiêng mang trong mình những nét đặc trưng riêng có. Thậm chí là cùng dân tộc Mơ Nâm, nhưng ở những vùng khác nhau, cách diễn tấu, nhịp điệu cũng có những khác biệt nhất định. Ở mỗi giai điệu, đòi hỏi người đánh cồng chiêng phải thể hiện được cái riêng, cái hồn của vùng đất đó…
“Trong đời sống của người Mơ Nâm không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Nó gắn bó với chúng tôi từ sinh hoạt hàng ngày, cho đến các lễ hội, tập tục... Người Mơ Nâm có 2 bộ cồng chiêng chính là bộ 4 và bộ 11. Bộ 4 có 8 người tham gia đánh cồng chiêng, chủ yếu được dùng riêng tại các gia đình, để phục vụ các lễ hội tại gia như: Lễ mừng nhà mới, lễ hội rải cát… Đối với bộ 11, số người tham gia đánh cồng chiêng sẽ là 11 người, được sử dụng trong các lễ hội lớn của thôn làng, điển hình nhất là lễ hội mừng lúa mới, lễ mừng nhà rông mới... Để có thể sử dụng bộ 11, đòi hỏi người đánh cồng chiêng phải có kinh nghiệm và đã tiếp xúc nhiều với cồng chiêng, cần quá trình lâu dài để luyện tập; còn đối với bộ 4 thì đơn giản hơn, các giai điệu không quá phức tạp mà mang sự phổ biến nhất định đến tất cả bà con trong làng. Tuy nhiên, cũng như những loại nhạc cụ khác, tùy vào tay nghề của người sử dụng mà mỗi bộ cồng chiêng sẽ cho ra những giai điệu réo rắt, quyến rũ mê hoặc lòng người” - già A Vơng giảng giải.
Đồng bào Mơ Nâm (huyện Kon Plông) đánh cồng chiêng, thổi tà vẩu giới thiệu nét văn hóa đặc sắc với khách du lịch. Ảnh: TS
Đối với người Mơ Nâm, cồng chiêng không chỉ là một nhạc cụ để phục vụ trong các dịp lễ hội ở thôn làng, mà bản thân nó còn là một phần của chính những lễ hội. Điển hình như trong lễ hội mừng lúa mới, người Mơ Nâm sẽ cắt tiết gà để rải lên lúa, lên gạo và bôi lên những chiếc cồng chiêng được đánh trong lễ hội. Tập tục này mang ý nghĩa thể hiện ước nguyện của bà con đến với thần linh, cầu chúc một mùa màng bội thu, để có một cuộc sống ấm no và đủ đầy. Hoặc trong lễ hội mừng nhà mới, sau khi bôi tiết heo lên các cột nhà, thì người Mơ Nâm cũng bôi lên những chiếc cồng chiêng với quan niệm để giữ gìn của cải trong nhà không bị lấy mất, bởi từ xa xưa, những chiếc cồng chiêng đã được coi là vật có giá trị, nhà nào có nhiều chiêng quý có nghĩa là giàu có, được người khác kính trọng.
Theo quan niệm của người Mơ Nâm, cồng chiêng là công cụ để giao tiếp với Yàng (trời). Trong các lễ hội, bà con thể hiện những ước muốn của mình qua các giai điệu cồng chiêng để mong nhận được sự chở che, phù hộ của Yàng.
Bên cạnh đó, không chỉ trong đời sống tâm linh, mà giá trị của cồng chiêng còn được thể hiện ở tính cộng đồng tại các thôn, làng. Trong đời sống hàng ngày, khi tiếng cồng chiêng ngân lên là lúc mọi người quy tụ. Trong tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang, bà con dân làng cùng nhau ăn uống, cùng chung vòng xoang tưởng chừng như vô tận. Chính điều đó đã thắt chặt tình đoàn kết của tất cả mọi người.
Giá trị như thế nên cồng chiêng được người Mơ Nâm gìn giữ và bảo quản rất kỹ. Họ rất nhẹ nhàng, cẩn thận khi sử dụng cồng chiêng, tránh va quệt hay đánh rơi; sau những lần biểu diễn, các bộ cồng chiêng được sắp xếp ngăn nắp theo trình tự từ lớn đến bé.
Theo quan niệm của người Mơ Nâm, cồng chiêng là công cụ để giao tiếp với Yàng (trời). Trong các lễ hội, bà con thể hiện những ước muốn của mình qua các giai điệu cồng chiêng để mong nhận được sự chở che, phù hộ của Yàng.
Bên cạnh đó, không chỉ trong đời sống tâm linh, mà giá trị của cồng chiêng còn được thể hiện ở tính cộng đồng tại các thôn, làng. Trong đời sống hàng ngày, khi tiếng cồng chiêng ngân lên là lúc mọi người quy tụ. Trong tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang, bà con dân làng cùng nhau ăn uống, cùng chung vòng xoang tưởng chừng như vô tận. Chính điều đó đã thắt chặt tình đoàn kết của tất cả mọi người.
Giá trị như thế nên cồng chiêng được người Mơ Nâm gìn giữ và bảo quản rất kỹ. Họ rất nhẹ nhàng, cẩn thận khi sử dụng cồng chiêng, tránh va quệt hay đánh rơi; sau những lần biểu diễn, các bộ cồng chiêng được sắp xếp ngăn nắp theo trình tự từ lớn đến bé.
Già A Vơng bảo dưỡng bộ cồng chiêng của mình. Ảnh: TT
Nói về cách nhận biết chất lượng của một bộ cồng chiêng, già A Vơng chia sẻ: Người ta thường đánh giá chất lượng của một bộ cồng chiêng dựa vào âm thanh. Một bộ cồng chiêng chuẩn, sẽ được làm từ đồng nguyên chất, khi ta gõ, âm thanh phát ra sẽ vang, trong, có sự chi phối giữ độ trầm và bổng. Khi giai điệu được đánh lên, thậm chí cách vài cây số người ta vẫn có thể nghe rõ ràng. Còn đối với những bộ cồng chiêng kém chất lượng, sử dụng đồng bị pha, chất lượng âm thanh chỉ được một thời gian đầu, sau đó sẽ nhanh chóng xuống cấp, âm thanh của các bộ cồng chiêng này càng về sau càng bị lệch…
Già A Vơng cho hay: Một người đánh cồng chiêng được cho là giỏi khi có thể thuần thục các giai điệu của cồng chiêng. Ở từng giai điệu, phải nắm bắt được nhịp, “liên kết” với các thành viên trong đội qua chính tiếng cồng chiêng được cất lên, để không lạc nhịp. Chính vì vậy, để trở thành một người chơi cồng chiêng giỏi không hề dễ một chút nào, đòi hỏi phải có sự gắn bó, kiên trì và một niềm đam mê.
Có thể nói, đối với người Mơ Nâm, nghệ thuật cồng chiêng là những giá trị văn hóa trân quý, được lưu truyền, gìn giữ qua bao đời. Hiện tại, để góp phần cùng với bà con lưu truyền những giá trị văn hóa cồng chiêng, huyện Kon Plông tích cực thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này. Huyện đã phối hợp với các nghệ nhân mở nhiều lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ, duy trì các lễ hội đặc sắc, xây dựng các làng văn hóa du lịch, thành lập các đội cồng chiêng tại địa phương để biểu diễn phục vụ du khách đến thăm mang lại thu nhập ổn định cho những nghệ nhân… Qua đó, tiếng cồng, tiếng chiêng của người Mơ Nâm mãi vang ngân giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Tất Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét