26 thg 12, 2016

Săn 'bùa ngải' đưa lên bàn ăn ở miền Tây Nghệ An

Vào tháng 10 hàng năm, người dân vùng cao xứ Nghệ bắt đầu lên rừng 'săn' sâu măng. Đây là loài côn trùng sống trong các cây tre non, thân giống tằm nhưng nhỏ hơn. “Đặc sản” này được nhiều thực khách sành ăn ưa chuộng bởi đặc tính thơm ngon, giàu bổ dưỡng.

Khi những cây măng đã già, những người dân vùng cao xứ Nghệ lại lên rừng tìm và bắt sâu sống trong đó về làm thức ăn. 


Thực tế, để bắt được loại sâu này không hề dễ, chỉ những người giàu kinh nghiệm và tinh mắt mới phát hiện ra được. Những người đi 'săn' sâu ở xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) "bật mí", nhìn cây măng có nhiều đốt ngắn có thể đoán biết được trong đó có sâu. 

Khi phát hiện ra cây có sâu người ta mới đốn hạ cây măng. Tuy nhiên, lượng sâu ít hay nhiều còn tùy thuộc vào sự "may mắn". 

Theo truyền thuyết lưu truyền trong dân gian, loài sâu măng này còn được gọi là 'trùng', xưa kia được người ta sử dụng làm bùa ngải nhằm khiến người khác tuân theo ý mình. Trong ảnh là những con sâu nhung nhúc trong ống măng già. 

Loại đặc sản "bùa ngải" này được bà con vùng cao bán nhiều tại thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). 

Giá từ đầu mùa tới nay là 250 nghìn/kg. Theo các tiểu thương cho biết, hàng ngày họ đều thu mua 1 lượng lớn sâu măng nhưng vẫn không đủ cung cấp cho người tiêu dùng. 

Khi mua xong, nếu cần bảo quản lâu dài có thể để sâu trong ống măng nút kín. Loại sâu này có thể để như vậy suốt cả chục ngày mà không ảnh hưởng gì. 

Khi chế biến, chỉ cần nhúng sâu qua nước sôi nóng rồi đem rang, xào nhanh trong 1-2 phút. 

Thêm 1 chút lá chanh hoặc lá nghệ món ăn càng thêm hấp dẫn. Sâu măng được ưa chuộng bởi vị thơm béo, rất bổ dưỡng và sạch. 

Đào Thọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét