31 thg 12, 2016

Ngày đầu đông ghé thăm cửa ô còn lại chốn kinh thành Thăng Long

Được xem như ô cửa duy nhất còn sót lại của kinh thành Thăng Long của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, Ô Quan Chưởng vừa mang vẻ đẹp kiến trúc vừa in đậm dấu ấn lịch sử của một quá vãng Hà Nội xa xưa. 

Đi dọc 3 miền đất nước đâu cũng thấy các thành lũy nhưng chỉ ở Hà Nội mới có cửa ô – cửa ngõ trấn giữ trước khi bước chân vào kinh thành Thăng Long xưa. Tính đến hiện tại, Hà Nội cũng chỉ còn sót lại duy nhất cửa Ô Quan Chưởng vẫn trường tồn cùng thời gian. 

Ô Quan Chưởng là dấu ấn lịch sử, ghi đậm phong thái và chiến tích anh hùng thời xưa. Ảnh: vivuhanoi.com 


Ô Quan Chưởng là một trong 21 cửa ô mở qua tường phía Đông của tòa thành đất bao quanh khu Kinh thành Thăng Long xây dựng vào năm 1749 (năm Cảnh Hưng thứ 10). Kiểu kiến trúc vọng lầu này là một kiểu kiến trúc đặc trưng thời Nhà Nguyễn với mặt trước hướng về phố Ô Quan Chưởng – nơi tập trung buôn bán chiếu cói, sản phẩm của những vùng ven biển Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình được mang lên Thăng Long – Hà Nội bằng đường sông.

Công trình được xây dựng để tưởng nhớ công lao và sự hy sinh kiên trường của viên quan Chưởng Cơ – chỉ huy vệ binh đã cùng 100 binh lính nhà Nguyễn chiến đấu chống lại giặc Pháp xâm lược khi chúng đánh vào kinh thành Thăng Long vào năm 1873 qua cửa ô Đông Hà. 

Ô Quan Chưởng rất chắc chắn nhờ xây bằng gạch vồ với kích thước lớn, giống như gạch xây ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Internet 

Điểm kiến trúc đặc trưng của Ô Quan Chưởng là các cửa nhỏ đều được thiết kế có mái cuốn với 2 tầng lầu độc đáo với đỉnh mái uốn cong.

Tầng trên có vọng lâu 4 mái, thu nhỏ ngay tại vị trí góc của cửa chính, xung quanh có lan can trang trí các hình lục lăng, tứ giác, hoa thị. Ở giữa phần trên nóc cửa chính và vọng lâu là một khung hình chữ nhật với ba chữ Hán là Đông Hà Môn (cửa Đông Hà – cửa ô ở phường Đông Hà trước kia) được đắp nổi ở mặt trước. 

Ô Quan Chưởng đẹp đến ngỡ ngàng khi chiều về. Ảnh: blog.tamtay.vn 

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Ô Quan Chưởng đã phần nào mai một lớp rêu phong cổ kính trên nền gạch xưa. Tuy nhiên đây vẫn là một địa chỉ văn hóa lịch sử đáng tự hào của người Hà Nội.

Ngày nay, Ô Quan Chưởng nằm ở con phố tấp nập người qua kẻ lại, nhộn nhịp, náo nhiệt nhưng đối với những người sống lâu năm ở đây thì cửa ô lịch sử này vẫn là một bằng chứng sống cho tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của nhân dân ta.

Không quá lời khi nói rằng sự tồn tại sừng sững của Ô Quan Chưởng giữa lòng phố cổ Hà Nội là một minh chứng rõ ràng cho vẻ đẹp của một thời không chỉ trong kiến trúc mà còn trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội. 

Dung Nguyễn (tổng hợp)

Ô Quan Chưởng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân tháng 10/2014





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét