5 thg 5, 2016

Lược sử nghề chế biến rượu ở Bến Gỗ

Vào cuối thế kỷ 16, đất Đồng Nai còn hoang sơ chưa được khai phá, dân cư thưa thớt, sản xuất thô sơ, trình độ xã hội thấp. Cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn làm cho đời sống nhân dân lầm than cơ cực đã tạo ra làn sống di cư từ miền Thuận Quãng vào Đồng Nai sinh sống, sau đó vào năm Kỉ Mùi (1679) nhà Minh ở Trung Quốc sụp đổ, tổng binh Trần Thượng Xuyên không khuất phục nhà Thanh đã đem chiến thuyền, binh lính và gia quyến đến xin thuần phục chúa Nguyễn ở Thuận Hóa. Chúa Nguyễn đã thu nhận họ và cho vào khai khẩn, mở mang vùng đất phương nam (Đồng Nai). Cuộc di cư của người Việt và người Hoa vào đất phương nam (Đồng Nai) đầu tiên định cư sinh sống sản xuất và buôn bán ở Bến Gỗ (nay thuộc xã An Hòa - huyện Long Thành - tỉnh Đồng Nai). Dần dần Cù Lao Phố có vị trí thuận lợi hơn cho việc buôn bán nên ngày càng phồn thịnh và trở thành trung tâm thương mại của cả vùng Nam bộ và Bến Gỗ trở thành nơi buôn bán vệ tinh của Cù Lao Phố với việc buôn bán gỗ, tre nứa từ rừng đi khắp xứ Biên hòa, Gia định. Vì vậy có thể nhận định rằng, làng Bến Gỗ được hình thành trên 300 năm cùng với các ngành nghề xuất hiện từ thời gian đó, trong đó có nghề chế biến rượu.

Rượu trắng Bến Gỗ


Xuất phát từ phong tục, tập quán, văn hóa và nhu cầu mưu sinh cuộc sống, nghề chế biến rượu ở làng Bến Gỗ đã được hình thành như đã nêu (khoảng cuối thế kỷ 16). Bằng những kinh nghiệm với những nguyên liệu thiên nhiên kết hợp với những bí quyết tinh hoa và sự cần cù chịu thương chịu khó của người dân làng Bến Gỗ đã tạo ra những giọt rượu thơm ngon tinh khiết, không chỉ nức tiếng ở địa phương mà còn lan rộng đến các vùng lân cận, tạo nên một danh hiệu đi vào lịch sử của đất Đồng Nai: “Rượu Bến Gỗ”. Tuy nghề chế biến rượu ở làng Bến Gỗ cũng có những bước thăng trầm theo dòng lịch sử, trải qua nhiều giai đoạn biến động của lịch sử nhưng người dân ở làng Bến Gỗ vẫn gìn giữ được những nét đặc trưng truyền thống về nghề chế biến rượu của tổ tiên để lại.

Cùng với những điều kiện thuận lợi ở địa phương sẵn có, hưởng ứng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc phát triển và khôi phục lại các ngành nghề truyền thống ở địa phương và hướng sản phẩm (rượu Bến Gỗ) của địa phương ra thị trường Quốc tế trong thời kỳ hội nhập.... Trên cơ sở đó, Đảng ủy, UBND xã, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho người dân ở đây (xã An Hòa) thành lập một tổ chức nhằm để khôi phục nghề, phát triển nghề truyền thống và gìn giữ danh hiệu từ xưa để lại với tên gọi là Hợp tác xã Bến Gỗ.

Rượu nếp than Bến Gỗ

Hợp tác xã Bến Gỗ được thành lập vào năm 2007, với khoảng 50 xã viên tham gia góp vốn và làm việc cho Hợp tác xã, đa số là dân địa phương. Hiện nay do mới đi vào giai đoạn sản xuất thử nghiệm, do đó sản phẩm chỉ mới tiêu thụ thị trường trong tỉnh, bình quân một ngày Hợp tác xã đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng từ 800 chai đến 1.000 chai (loại 500 ml/chai) với giá bán lẻ khoảng 38.000 đồng/ chai.

Với một qui trình sản xuất nghiêm ngặt chặt chẽ từ khâu chọn lựa nguyên liệu cho đến công đoạn chế biến và cho ra thành phẩm, được kiểm tra giám sát theo dõi của các kỹ sư khoa hóa thực phẩm của Trường Đại Học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh trước khi đưa sản phẩm đi kiểm tra tại Trung tâm đo lường chất lượng sản phẩm tỉnh Đồng Nai và sau đó mới xuất ra thị trường tiêu thụ. Sản phẩm rượu Bến Gỗ rất đa dạng và phong phú về hình thức, kiểu dáng. Thành phần chính của rượu Bến Gỗ được làm từ gạo, nếp, nước sạch đã được lọc kỹ và xử lý ủ men theo tiêu chuẩn của qui trình sản xuất, vì thế rượu Bến Gỗ đảm bảo được hương vị thơm ngon tinh khiết đặc biệt là không có cồn công nghiệp, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Theo ông Sang (Chủ nhiệm HTX) cho biết, về cách thức chế biến rượu hiện nay so với cách chế biến rượu thời xưa cơ bản là giống nhau, chỉ khác nhau về thiết bị sản xuất, các vật liệu dùng trong quá trình chế biến rượu và việc áp dụng các tiến bộ khoa học để kiểm tra, phân tích các thành phần trong rượu nhưng không làm ảnh hưởng đến mùi vị, hương thơm đặc trưng của rượu Bến Gỗ.

Theo khoa học đã chứng minh, rượu có tác dụng hữu ích cho sức khỏe (nếu chúng ta biết cách dùng điều độ), rượu còn dùng để ngâm các loại thuốc nam, bắc để bồi bổ sức khỏe và chửa các bệnh trong dân gian..., ngoài ra rượu còn dùng trong các hoạt động văn hóa mang tính truyền thống dân tộc (Cưới, hỏi, cúng đình, cúng miểu...). 

Rượu trong dân gian nông thôn phải nói đến Long An có rượu Gò Đen, Bà Rịa có rượu Hòa Long thì rượu đế Bến Gỗ cũng nổi tiếng xứ Đồng Nai. Việc khôi phục một thương hiệu rượu đế có uy tín với qui trình sản xuất chặt chẽ, ổn định về chất lượng và kiểu dáng công nghiệp trong giai đoạn này, không chỉ để giữ vững danh tiếng cho Rượu đế Bến Gỗ mà còn góp phần vật chất vào kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 310 năm.

TTKC Đồng Nai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét