3 thg 5, 2016

Lời đồn quanh đường hầm trong 'Dinh bà Nhu'

Biệt điện Lam Ngọc. Ảnh: L.V 

Trước đây người Đà Lạt vẫn quen gọi khu biệt điện của bà Trần Lệ Xuân (vợ của cố vấn Ngô Đình Nhu) là 'Dinh bà Nhu', nơi này được gắn bảng 'khu vực cấm vào' và luôn có binh lính bảo vệ nghiêm ngặt. 

Thuê kỹ sư Nhật thiết kế vườn
“Dinh bà Nhu” được xây dựng năm 1958, là một quần thể gồm ba biệt thự Lam Ngọc, Bạch Ngọc và Hồng Ngọc, được thiết kế, xây dựng mô phỏng theo kiến trúc Pháp, tọa lạc bên một đồi thông rộng khoảng 1,3 ha, nay là số 2 Yết Kiêu, TP.Đà Lạt. 

Trong đó, biệt thự Lam Ngọc là “tâm điểm” của khu biệt điện. Đây là nơi nghỉ cuối tuần của bà Xuân và chồng là cố vấn Ngô Đình Nhu (em ruột Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm). Biệt điện có phòng làm việc, phòng họp, phòng khiêu vũ… Gần như toàn bộ vật liệu xây dựng, đồ vật trang trí, dụng cụ sinh hoạt đắt tiền đều được nhập từ Mỹ, Pháp, Ý. Các căn phòng đều có hệ thống lò sưởi hiện đại theo kiến trúc Pháp. Mỗi lò sưởi được thiết kế một kiểu dáng, tạo vẻ đẹp hài hòa. Đặc biệt, phòng khiêu vũ biệt thự Lam Ngọc có chiếc lò sưởi rất độc đáo và đắt tiền vì được dát đồng đỏ từ chân lên đỉnh. Hệ thống lò sưởi này có thể làm ấm cả căn phòng khi lò được đốt mỗi mùa đông giá lạnh. 

Biệt điện Lam Ngọc còn có khu vườn Nhật Bản độc đáo. Bà Nhu đã thuê các kỹ sư người Nhật sang thiết kế theo phong cách Nhật Bản, với thảm cỏ, bãi đá, cây xanh, hoa... Tâm điểm khu vườn là hồ nước hình bản đồ VN, khi được bơm đầy nước, đáy hồ sẽ hiện lên hình bản đồ VN; giữa hồ nước thu nhỏ có cả dải phân cách thể hiện vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền Nam - Bắc lúc đó. 

“Dinh bà Nhu” nổi tiếng vì có hồ bơi nước nóng độc nhất vô nhị ở VN thời đó, do thời tiết Đà Lạt lúc ấy rất lạnh nên phải lắp đặt hệ thống hâm nóng nước rất đắt tiền. Hồ bơi nằm trước biệt thự Bạch Ngọc được thiết kế mái bằng kiểu Mỹ, xung quanh tường gắn kính trong để ngắm cảnh, đọc sách, đây là nơi giải trí, thư giãn của gia đình bà Nhu. Chẳng mấy ai được bước chân vào ngoại trừ các tướng lĩnh thân tín của ông bà cố vấn. 

Từ biệt điện Lam Ngọc men theo con đường nhỏ uốn lượn theo địa hình triền núi khoảng 100 m là biệt thự Hồng Ngọc, mang kiến trúc đặc trưng của trường phái cổ điển Pháp với những viên đá màu xám, cột tròn, bên trong đầy đủ tiện nghi và thiết bị hiện đại, được bà Nhu xây tặng thân phụ là ông Trần Văn Chương. 

Hai căn hầm bên trong biệt điện 

Trong biệt điện Lam Ngọc có hai căn hầm sâu khoảng 2 m, nắp hầm được làm bằng loại thép dày, đạn bắn không thủng; xung quanh hầm được ốp gạch men xanh rất sạch sẽ. Một hầm trú ẩn có diện tích khoảng 
4 m2 được xây rất kiên cố không có lối nào thông ra ngoài, bên trong hầm vẫn còn một chiếc tủ sắt và một cánh cửa của két sắt có khóa mã. Một hầm khác được gọi là “hầm thoát hiểm”, diện tích khoảng 10 m2, có lối dẫn thông ra ngoài khuôn viên biệt thự. Theo nhiều người dân sống gần khu vực này, bà Nhu còn cho xây một đường hầm thoát hiểm từ khu biệt điện thông ra tận sân bay quân sự Cam Ly, dài khoảng 2 km để “thoát hiểm” khi có nguy biến. 

Tuy nhiên, ông Dương Quang Bền, nguyên cán bộ Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, cho biết: “Khi tôi vào thì khu biệt điện Trần Lệ Xuân còn rất hoang sơ và không hề có một đường hầm nào dẫn đến sân bay Cam Ly như những gì người ta đồn đoán”. Ông Bền cho biết thêm, khi Cục Lưu trữ tiếp quản “Dinh bà Nhu”, trong biệt thự Lam Ngọc có hai căn hầm, là những hầm lánh nạn và thoát hiểm nội bộ, trên nắp hầm thoát hiểm được ngụy trang bằng hệ thống nhà vệ sinh giả, có thể di chuyển để leo xuống khi bất trắc.

Sau khi Ngô Đình Nhu và anh trai là Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát năm 1963, Trần Lệ Xuân sang Pháp sinh sống rồi Rome (Ý) và qua đời ngày 24.4.2011, thọ 87 tuổi. Từ đó, khu biệt điện này trở thành địa điểm du lịch, một thời gian được trưng dụng làm Bảo tàng Sắc tộc Tây nguyên. “Dinh bà Nhu” từng bị bỏ hoang phế, cỏ dại mọc um tùm. Chỉ khi được bàn giao cho Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, nó mới được tôn tạo, xây thêm tòa nhà 5 tầng để trở thành Trung tâm lưu trữ quốc gia IV bề thế, khang trang.

Một điều khá thú vị, khi đến “Dinh bà Nhu”, du khách sẽ được thấy bản gốc Sắc lệnh số 21, của Chính phủ lâm thời nước VN Dân chủ Cộng hòa, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký ngày 8.9.1945, bổ nhiệm ông Nhu làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và thư viện toàn quốc đầu tiên. Ông Ngô Đình Nhu là chuyên viên về lưu trữ từng học ở nước ngoài, sau Cách mạng Tháng 8, ông được chính quyền cách mạng trọng dụng.

Trung tâm lưu trữ quốc gia IV đang lưu giữ và bảo quản khoảng 35.000 tấm tài liệu mộc bản triều Nguyễn và là di sản tư liệu thế giới; trong đó có những di sản quý báu mà cha ông ta để lại, như mộc bản khắc Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ; mộc bản khắc sự kiện vua Minh Mạng đổi và đặt tên tỉnh Hà Nội vào năm 1831; 14 tài liệu trong khối mộc bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền thiêng liêng của VN đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...

Lâm Viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét